'Thơ một đời gởi lại phía bình minh...'

20/08/2018 - 08:07

PNO - Không chỉ tâm tình, thơ bà cũng bám theo dòng thời sự, cũng trăn trở trước những nhiễu nhương thế sự, những gian trá lòng người.

Gần trọn một đời theo Đảng (92 tuổi đời, 70 tuổi Đảng), được tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, huy hiệu Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ… người phụ nữ vùng đất sông Lam núi Hồng Nghệ An, nguyên Chánh văn phòng LHPN Liên khu 4, nguyên Trưởng ban Thanh tra Tổng công ty Thực phẩm công nghệ Bộ Nội thương, một lòng trung thành với Đảng, trung hiếu với dân, thủy chung cùng đồng đội, sống nhân nghĩa với bạn bè, người thân.  

'Tho mot doi goi lai phia binh minh...'
Cụ Lê Thị Huệ và con gái út Nguyễn Lê Vinh trong ngày xuất viện.

Tôi được gặp bà Lê Thị Huệ đúng vào hôm con cháu đón bà từ Bệnh viện Thống Nhất về nhà ở 65A Nguyễn Kim, P.7, Q.10, TP.HCM. Dù không trực tiếp nghe những lời bác sĩ dặn dò con cháu, bà vẫn hiểu rằng, với căn bệnh ung thư, cuộc sống của bà đang đếm ngược từng ngày. Dẫu vậy, bà không hề lộ chút sầu não, lo lắng.

Bà trò chuyện với chúng tôi trên chiếc xe lăn với sự hóm hỉnh cùng nét lanh lợi của người cán bộ phong trào ngày nào. Bà nói, bà không phải nhà thơ nhưng mê thơ và thích làm thơ. Trong lời nói đầu tập thơ Nhớ Lam Hồng in năm 2005 với 93 bài thơ, bà viết: “Tôi sinh trưởng trong gia đình Hán học. Thuở nhỏ, thường nghe các bậc cao niên đọc thơ nên tuy chưa được học làm thơ nhưng dần dần tôi biết làm thơ hồi nào không hay.

Lớn lên, thỉnh thoảng tôi có làm thơ (chủ yếu phục vụ công tác, động viên phong trào) nhưng rồi thơ cứ theo thời gian và những biến cố của đất nước mà thất lạc gần hết. Gần đây, nhờ sinh hoạt với câu lạc bộ thơ Thành Công, tôi đã sáng tác khá hơn và lưu trữ được gần đủ. Tôi in lại để lưu trữ trong gia đình và làm quà tặng bạn bè”.

Tôi lần giở từng trang thơ, đọc lướt từng bài, rồi đọc một mạch đến bài cuối cùng. Thật lòng mà nói, thơ bà không bay bổng, không sâu lắng như thơ của nhiều nhà thơ nổi tiếng khác, nhưng mỗi bài thơ là những tâm tình mộc mạc, chân thành. Cũng những tứ thơ quen thuộc có thể thấy ở nhiều bài thơ thất ngôn bát cú hoặc lục bát nhưng ở thơ bà, người ta vẫn cảm nhận được cái tình của người viết. Ví dụ, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đảng và mừng 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà viết:  “Mừng Đảng tuổi tròn vòng hoa giáp/ Mừng sinh nhật Bác trọn trăm năm/ Dù nay đây đó rối răm/ Đảng ta vẫn vững một lòng vì dân…”.

Năm 1984, biết tin ông Trần Đăng Minh - Giám đốc Tổng công ty Thực phẩm công nghệ Bộ Nội thương - ra Hà Nội họp bộ, bị nhồi máu cơ tim, qua đời, bà viết bài Tiễn biệt: “Ra đi vội vã quá anh ơi/ Để lại tiếc thương hết mọi người/ Làm việc quên mình không phút nghỉ/ Anh là gương sáng chúng tôi soi”. Ân cần, chung thủy với bạn bè, bà cũng hết lòng yêu quý, cưng chiều con cháu.

Nhận được điện thoại cháu nội từ Sài Gòn gọi ra Hà Nội thăm, bà viết: “Chúc hai cháu đông qua xuân tới/ Khôn lớn nhanh, học giỏi thêm ra/ Cháu ngoan bà thưởng nhiều quà/ Bà vui, bà sẽ chậm già, sống lâu…”. 

Không chỉ tâm tình, thơ bà cũng bám theo dòng thời sự, cũng trăn trở trước những nhiễu nhương thế sự, những gian trá lòng người. Không chỉ làm thơ chữ Quốc ngữ, bà còn làm và dịch cả thơ chữ Hán và xướng họa câu đối thật tài tình.

Năm Nhâm Ngọ, bà làm thơ tặng các thi hữu: “Thu thiên mãn hòa khí/ Cúc hoa khai độ kỳ/ Thi hữu tăng lực trí/ Bất tận hứng văn thi”. (Trời thu sáng dịu khí ôn hòa/ Rực rỡ vào mùa cúc nở hoa/ Chúc bạn dồi dào nguồn trí lực/ Hồn thơ lai láng mãi 
không già). 

Gia nhập Đoàn Phụ nữ cứu quốc đầu năm 1945, đến tháng 8/1945, bà đã tham gia vận động cướp chính quyền. Bà lần lượt lãnh đạo phong trào phụ nữ các cấp của tỉnh Nghệ An và Liên khu 4. Từ năm 1955 - 1985, bà công tác ở nhiều cơ quan của Bộ Nội thương cho đến ngày nghỉ hưu. 

Trước khi chia tay tôi, bà tâm sự: “Tôi chỉ ước được một lần giới thiệu lên báo tập thơ của mình, coi như một lời tri ân gửi lại người thân, gửi lại cuộc đời”. Tự nhiên tôi thấy trĩu lòng. Chỉ sợ mình không kịp giúp bà thực hiện tâm nguyện của mình.

Tôi mượn bốn câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tường Linh - một nhà thơ đồng niên với bà - với mong muốn chuyển tải đến bạn đọc tâm tình của những người gắn bó cuộc đời với thơ: 
Bởi ta về phía mặt trời sẽ lặn, 
Không gặp ai, kể cả bóng của mình.
Đi tay trắng thì trở về tay trắng,
Thơ một đời gởi lại phía bình minh… 

Bích Phượng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI