Sang Lào truyền nghề bằng cả trái tim

20/11/2019 - 07:03

PNO - “Ba chuyến dạy nghề ở Lào cho tôi rất nhiều cảm xúc. Có thể nói những kỷ niệm đẹp nhất trong đời truyền nghề của tôi đều nằm trọn ở đây. Có những kỷ niệm làm tôi cay mắt” - thầy Võ Thành Phương tâm sự.

“Ba chuyến dạy nghề ở Lào cho tôi rất nhiều cảm xúc. Có thể nói những kỷ niệm đẹp nhất trong đời truyền nghề của tôi đều nằm trọn ở đây. Có những kỷ niệm làm tôi cay mắt” - thầy Võ Thành Phương tâm sự.

Thầy Võ Thành Phương là giáo viên môn cắt may vest nam và nữ. 

Những người thầy... "du dạy"

Tháng Chín vừa qua, hai thầy giáo của Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM đã có chuyến “du dạy” tại tỉnh Champasak, Lào. Với thầy Võ Thành Phương - giáo viên cắt may vest nam - nữ, đây là chuyến thứ ba sang nước bạn dạy nghề. Trước đó, năm 2017 và 2018, thầy Phương đã làm nhiệm vụ tại thủ đô Viêng Chăn. Còn thầy Nguyễn Phú Thạch, giáo viên bộ môn cắt - uốn và nhuộm tóc, là “lính mới” hoàn toàn.

Khóa đào tạo nghề diễn ra đúng vào thời điểm cơn lũ lịch sử vừa cuốn đi toàn bộ cây trồng, vật nuôi và tài sản của người dân địa phương vốn đã nghèo khó. Hiện thực ấy báo trước khóa dạy nghề của hai thầy sẽ vô cùng thử thách.

Sang Lao truyen nghe bang ca trai tim
Học viên đang thực hành làm tóc

Và thử thách đầu tiên là, do điều kiện khó khăn nên phía bạn bố trí cho hai thầy ở tại nhà của chị Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cách trung tâm dạy nghề hơn 25km, một nơi không internet, xa chợ, nước sinh hoạt cũng hạn chế… Vốn dày dạn kinh nghiệm, nhưng thầy Phương phải thốt lên: “Điều kiện vầy khó dữ nha!”. 

Còn chị Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó giám đốc Nhà Văn hóa Phụ nữ, người phụ trách hoạt động đào tạo, thì than thầm: “Hai lần trước ban tổ chức lớp cũng phải giúp các thầy cô đổi nơi ở cho gần nơi giảng dạy… Lần này đúng là khó cho giáo viên của mình quá”.

Thế rồi ban tổ chức lớp học và lãnh đạo Hội Phụ nữ hai địa phương đã ngồi lại tìm giải pháp. Nhưng rốt cuộc, các phương án đưa ra đều không hiện thực trước một hiện thực lớn hơn là phía bạn đang đối diện quá nhiều khó khăn. Thầy Phương quả quyết: “Khai giảng xong các chị cứ về, chúng tôi bắt đầu được!”.

Ngay sau lễ khai giảng ngắn gọn, hai lớp học đã bắt đầu buổi học đầu tiên. Trong phòng học mới, 15 chị em xoay quanh thầy Nguyễn Phú Thạch để nhìn thầy thao tác và hướng dẫn về cách tạo mẫu tóc đầu tiên. Cùng thời điểm ấy, ở hội trường chính của trung tâm dạy nghề, trên 15 chiếc máy may, các học viên cũng tập trung lắng nghe thầy Võ Thành Phương nói về chương trình học tập và dặn dò học hành sao cho đạt kết quả.

Nhìn vào sự khởi đầu ấy, cả đoàn thở phào rời Champasak.

Thầy hẹn sẽ trở lại

Tôi gặp lại thầy Thạch sau khi thầy trở về từ Champasak. Thầy cười bảo: “Da đen chưa nhả nắng luôn!”. Đúng là thầy đen hơn so với hôm mới sang Lào, nhưng rắn rỏi và vui vẻ hơn. Tôi hỏi thăm về lớp “du dạy”, ánh mắt thầy Thạch sáng lên: “Chuyến “du dạy” ấy là kỷ niệm đẹp nhất đời làm thầy của tôi”.

Sang Lao truyen nghe bang ca trai tim

Thầy Thach đang biểu diễn kỹ thuật làm tóc

 

Để giúp các thầy từ nơi xa đến, hai chị Khâm và Avan, vừa là học viên vừa là phiên dịch, kiêm luôn nhiệm vụ đón đưa hai thầy mỗi ngày bằng xe máy.

Gắn bó với nhau suốt tháng trời, các thầy biết rõ hoàn cảnh từng học viên. Nhiều chị cầm cự suốt ngày chỉ bằng một ổ bánh mì với sữa. Có chị đến lớp còn mang theo cả túi thuốc chống lại những cơn sốt run người, để không phải bỏ giờ lên lớp. Bởi như lời chị Somđi, học viên lớp cắt - uốn - nhuộm tóc, nói: “Cơn lũ đã cuốn sạch mùa màng, chúng tôi được đến đây học để có nghề trở về quê nhà tự làm việc kiếm sống thì còn gì vui sướng hơn”. 

Thầy Thạch phấn khởi: “Cái vẻ học để biết, để làm một cách thật tâm của các bạn làm mình cảm động nên đã cố gắng để truyền kỹ năng, kiến thức cho các bạn”. Sự ham học và chân thật của học trò đã giúp các thầy có động lực vượt qua những rào cản về ngôn ngữ và những khó khăn trong cuộc sống để hoàn thành sứ mệnh; để có thể thở phào nhẹ nhõm vào ngày cuối khóa. 

Sang Lao truyen nghe bang ca trai tim
Thầy Phương, thầy Thạch cùng học viên trong lễ tốt nghiệp khóa nghề 2019
 

Chị Chanthala Sihalad - học viên của lớp cắt may, cũng là giáo viên Trung tâm Dạy nghề tỉnh Champasak - kể: “Thật may mắn cho chúng tôi. Tuần cuối cùng, ngay khi hai thầy chưa về Việt Nam, nhưng qua thông tin từ báo chí, các chị em đã tìm đến trung tâm xin được học nghề. Nhờ vậy, trung tâm đã mở được hai lớp nghề tương tự cho các chị có nhu cầu. Mỗi lớp chỉ có 4 học viên, nhưng chúng tôi vui lắm. Chúng tôi xin các thầy tiếp tục trở lại đây dạy cho chị em chúng tôi các kỹ năng chuyên sâu hơn. Và thầy đã hẹn ngày trở lại”.

Tình thầy trò đẹp như tình hữu nghị

Dù đã một năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc tới, cô Dương Hồng Nhung, giáo viên phụ trách lớp làm móng cho phụ nữ nghèo ở thủ đô Viêng Chăn năm 2018 lại mỉm cười hạnh phúc. 

Ngày nhận lệnh đi công tác, cô Nhung mới lấy chồng và chưa bao giờ phải xa nhà nên có chút hồi hộp. Cô tìm gặp những người đi trước như thầy Phương, cô Đoàn Thị Ngọc Hà (giáo viên dạy trang điểm), cô Dương Tuyết Sương (dạy chải bới tóc), là những người từng “du dạy” nghề ở Lào theo chương trình ký kết giữa Hội LHPN TP.HCM với Hội LHPN thủ đô Viêng Chăn, để hỏi thăm về những khó khăn nhằm chuẩn bị cho mình. “Kinh nghiệm các thầy cô cho mình thì nhiều, nhưng khi đối diện lớp học, khi nói mà người phiên dịch không kịp hiểu, tôi thật sự hoang mang. Sau buổi đầu lên lớp, tôi cứ tưởng mình không trụ nổi ở đó. Vậy mà…” - cô Nhung nhớ lại.

Sang Lao truyen nghe bang ca trai tim

Cô Nhung và học trò

 

Bà Vatsana Silima - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Champasak - cảm kích: “Tình cảm của học viên với các thầy cô giáo Việt Nam đẹp đẽ và quý báu hệt như tình hữu nghị hai nước Việt - Lào. Việc các thầy cô chấp nhận sang Lào, đồng cam, cộng khổ cùng học viên để dạy nghề, giúp các chị em có tay nghề, có khả năng kiếm sống và tiếp tục dạy lại nghề cho người khác là một hình ảnh thật đẹp, thật nhân ái”.

Câu chuyện sang Lào dạy nghề, vì thế, đã vượt ra khỏi bản ghi nhớ được ký kết giữa phụ nữ của hai thành phố, hai đất nước… 

Qua các lớp học tôi hiểu thêm về ngôn ngữ, văn hóa của đất nước Lào. Hơn tất cả là thấu cảm sự nhọc nhằn khi tìm kiếm một nghề nghiệp để khẳng định mình của những cô gái trẻ, đặc biệt với các em từng bị xâm hại, bị mua bán…

Ba khóa dạy nghề tôi tham gia đều lên kế hoạch kéo dài một tháng với hai buổi sáng - chiều, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Thế nhưng chưa có Chủ nhật nào lớp nghỉ. Các bạn tranh thủ học, cứ như… sợ ngày mai thầy không truyền nghề cho nữa. Có học viên tưởng chừng không theo hết lớp nhưng cuối cùng cũng hoàn thành tốt bài thi, được công nhận tốt nghiệp lớp nghề. Các em học nghiêm túc với một tinh thần cầu thị rõ ràng khiến tôi nể phục. 

Võ Thành Phương (giáo viên môn cắt may vest nam và nữ)

Hội LHPN TP.HCM đã hỗ trợ 3 khóa đào tạo nghề cho phụ nữ Lào

* Năm 2017, Hội LHPN TP.HCM cùng Hội LHPN thủ đô Viêng Chăn (Lào) phối hợp tổ chức các khóa học trang điểm, cắt may, chải bới tóc cho 46 học viên ở thủ đô.

* Tháng 8/2018, hai đơn vị tiếp tục tổ chức khai giảng khóa đào tạo đợt 2 cho 30 học viên là giáo viên nghề cắt may vest nam - nữ, trang trí và tạo mẫu móng tay tại hạt Xay Phon, thủ đô Viêng Chăn.

* Tháng 9/2019, Hội LHPN TP.HCM cùng Hội LHPN tỉnh Champasak tổ chức khai giảng khóa nghề đầu tiên tại tỉnh này cho 30 phụ nữ, trong đó có hai người đang là giáo viên dạy nghề với hai nghề cắt may vest nam - nữ và cắt - uốn - nhuộm tóc.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI