Quỹ CWED - chỗ dựa cho chị em lúc khó khăn

17/12/2018 - 18:00

PNO - Chiều 14/12, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (CWED) thuộc Hội LHPN TP.HCM tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập (2003-2018) với hơn 100 đại biểu tham dự.

Các đại biểu đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về những điều mà CWED mang lại cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM. 

Chỗ dựa lúc bất trắc

Quy CWED - cho dua cho chi em luc kho khan
Các cán bộ Hội phụ trách nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của H.Củ Chi, Q.Tân Phú và xã Phạm Văn Hai (H.Bình Chánh) giao lưu, chia sẻ về quản lý, cho vay vốn CWED

Chị Đỗ Xuân Hà - ở khu phố 1, P.Bình Hung Hòa B, Q.Bình Tân - kể, cách đây hơn 20 năm, hôn nhân không vẹn tròn, chị ôm con trai về tá túc nhà mẹ ruột. Không nghề nghiệp, không tiền bạc, mẹ con, bà cháu sống lây lất qua ngày. May nhờ ít tiền tích cóp của mẹ, chị Hà mở quán bán cà phê, nước giải khát. Năm 2011, chị phẫu thuật u nang buồng trứng thì được bác sĩ báo tin bị ung thư máu. Rối bời và tuyệt vọng, chị gần như ngã quỵ. Sau một thời gian cố gắng chống chọi với căn bệnh nan y, cơ thể chị nổi đầy vết xuất huyết lẫn ghẻ lở đến nỗi “bước chân ra cửa là người ta tránh mình”.

Đúng lúc đó, chị Nguyễn Thị Hương - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1, P.Bình Hưng Hòa B - đã tìm gặp, động viên và giới thiệu chị Hà vay vốn của CWED để sửa sang lại quán cà phê. Về sau, chị vay 20 triệu đồng, mua hai cái máy giặt, mỗi sáng rảo quanh xóm hỏi ai có nhu cầu thì gom đồ về giặt, tối giao. Chị Hà cũng tham gia sinh hoạt Hội, là Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 18, khu phố 1. 

Ngoài giặt ủi, bán nước giải khát, chị còn nhận xếp áo mưa cho một xưởng sản xuất gần nhà. Chị Hà tâm tình: “Nhờ có quỹ CWED, mẹ con tôi đã vững vàng bước qua giai đoạn hết sức khó khăn. Tháng nào tôi cũng tới Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM hết 10 ngày và mỗi năm, phải làm sinh thiết tủy một lần. Có Hội làm chỗ dựa, tôi bây giờ rất ham sống. Cách trao vốn và sự chân thành của các chị cán bộ Hội từ cơ sở đến quận, thành phố khiến tôi cảm thấy ấm lòng”. Hiện, con trai chị là vận động viên của đội tuyển cầu mây TP.HCM.

Bà Võ Thị Đia - ở ấp Phước Hưng, xã Phước Thạnh, H.Củ Chi - khoe, đã cất được một căn nhà tường khang trang, cuộc sống cũng khá hơn xưa nhờ vốn từ CWED. Nhà không có đất canh tác, chồng bà đi nuôi vịt thuê, còn bà thì ai kêu gì làm nấy. Năm 2004, thông qua hội phụ nữ xã, bà được tiếp cận nguồn vốn của CWED, vay dần từ 2 triệu lên 5 triệu, rồi 10 triệu đồng. Lúc đầu, vợ chồng bà mua 20 con gà, vịt xiêm về nuôi, sau kết hợp chăn nuôi với đan giỏ xuất khẩu. Làm ăn khấm khá, căn nhà mới dần thành hình trên nền đất cũ, nơi trước đây là cái chòi tranh, vách đất xập xệ. Bà Đia chia sẻ: “Người ta đặt đan giỏ xuất khẩu sang Đài Loan, tôi mua tre về, tự chẻ rồi đan, tuy vất vả nhưng mình ráng lấy công làm lời. Đàn gà, vịt lúc nào cũng có chừng 40-50 con”.  

Không ai bị bỏ lại

CWED được thành lập theo Quyết định số 230/2003/QĐ-UB của UBND TP.HCM ngày 17/10/2003 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Hằng năm, CWED quay vòng cho hơn 10.000 lượt phụ nữ vay vốn làm ăn. Trải qua nhiều vòng vay, được tham gia các khóa tập huấn nghề nghiệp, quản lý kinh doanh do Hội tổ chức, cùng với nỗ lực không ngừng của bản thân, nhiều chị đã làm ăn đạt hiệu quả, ra khỏi diện hộ nghèo.

Hiện, vốn CWED đạt hơn 210 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 51 tỷ đồng, vốn huy động và ủy thác hơn 156 tỷ đồng, các nguồn khác hơn 4,5 tỷ đồng. Theo bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, Giám đốc CWED - quỹ đang đi đúng hướng theo mục tiêu ban đầu là đồng hành cùng phụ nữ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. CWED đã và đang tạo ra nhiều cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng cho chị em có tay nghề nhưng thiếu vốn, chị em không có tài sản thế chấp ngân hàng. Bên cạnh phát vay cho hội viên, phụ nữ làm kinh tế gia đình, CWED còn phát vay với mức tối đa 100 triệu đồng/người cho 62 nữ chủ nhà trọ, nữ doanh nhân. 

Tại lễ kỷ niệm, bà Nguyễn Thị Thanh Diệu - Phó chủ tịch Hội LHPN H.Củ Chi - cho biết, tính tới nay, H.Củ Chi có hơn 4.000 phụ nữ vay vốn từ CWED, mức cao nhất là 50 triệu đồng, trong đó có những chị tập hợp nhau lại thành tổ dịch vụ nấu ăn, làm bánh tráng bằng hệ thống máy, bán vật liệu xây dựng. Nếu làm ăn gặp khó, Hội cũng đưa ra giải pháp hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, tập huấn kỹ năng kinh doanh cho các chị. Bà Thanh Diệu khẳng định: “CWED thật sự có ý nghĩa với chị em ở nông thôn, vì thủ tục vay không quá khó, lại còn có nhiều gói hỗ trợ khác bên cạnh tiền vốn. Tôi mong rằng, khi nhận tiền từ CWED, chị em sẽ nỗ lực làm ăn, vừa vì mình, vừa giữ uy tín cho Hội”. 

Là người bám sát cơ sở, hiểu hoàn cảnh từng thành viên vay vốn, chị Phạm Thị Tuyết - Ủy viên thường vụ Hội LHPN Q.Tân Phú - kể về hoàn cảnh một người mẹ đơn thân, nuôi 3 đứa con, thuê trọ tại TP.HCM đã hơn 20 năm, ai kêu gì làm nấy, lây lất bữa đói bữa no: “Phải chi mình biết chị ấy sớm hơn. Chị ấy nghĩ mình là dân nhập cư thì sẽ không được giúp nên chẳng dám gõ cửa đâu. Tôi đã giới thiệu cho chị vay vốn, mở quán bán hủ tíu, hiện cuộc sống của 4 mẹ con khá ổn định. Tôi tin, với CWED, sẽ không ai bị bỏ quên, nếu quyết chí làm ăn. Để hạn chế tình trạng chị em vay nặng lãi, cần truyền thông mạnh hơn nữa để chị em biết và tìm đến với CWED”. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI