Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em - Quy trình giám định đang “trói tay” nhiều phía

23/08/2019 - 06:00

PNO - Giám định xâm hại tình dục là khâu quan trọng vì kết quả của nó là cơ sở để đưa kẻ thủ ác ra ánh sáng. Thế nhưng, quy định hiện hành lại đang “trói tay” nhiều phía.

Giám định xâm hại tình dục là khâu quan trọng vì kết quả của nó là cơ sở để đưa kẻ thủ ác ra ánh sáng. Thế nhưng, quy định hiện hành lại đang “trói tay” nhiều phía.

Thực tế ấy đã được phân tích rất kỹ tại hội nghị tập huấn “Kiến thức giám định pháp y trong lĩnh vực phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” do Hội LHPN và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 21/8.

Cậu ruột đưa cháu đi phá thai 
Ông Phan Văn Hiếu - Giám đốc Trung tâm Pháp y TP.HCM - cho biết, trong những năm gần đây, nhờ sự lên tiếng của cơ quan truyền thông, sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, số vụ xâm hại tình dục (XHTD) bị phát hiện, tố giác ngày càng nhiều. Tám tháng đầu năm 2019, Trung tâm Pháp y thành phố đã tiếp nhận gần 160 ca yêu cầu giám định việc XHTD, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2018. 

Mới đây, ngày 20/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Văn Chưa, ngụ xã Long Định, H.Châu Thành để điều tra về hành vi “hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Bị can Chưa bị cháu ruột Ng.T.L., sinh năm 2005 (L. gọi Chưa bằng cậu) tố XHTD nhiều lần. Đây là một vụ xâm hại trẻ em được cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, xác định rõ hung thủ nhờ tang chứng vật chứng rõ ràng và sự vào cuộc kịp thời của Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Báo Phụ nữ TP.HCM.

Phong, chong xam hai tinh duc tre em - Quy trinh giam dinh dang  “troi tay” nhieu phia
Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, nêu ý kiến tại hội nghị

Như thông tin đã đăng tải trên Báo Phụ nữ điện tử TP.HCM, lúc 17g30 ngày 19/6, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ tiếp nhận bệnh nhân Ng.T.L., quê ở Tiền Giang. Cháu L. được cậu ruột là Lê Văn Chưa đưa vào bệnh viện để nạo phá thai. Kết quả siêu âm cho thấy, thai đã được 21 - 22 tuần tuổi. 

Trong quá trình tiếp nhận, theo dõi bệnh nhân, các bác sĩ nhận thấy L. có những biểu hiện lạ, nên đã tìm cách nắm bắt thông tin. Theo hồ sơ do Chưa cung cấp lúc nhập viện, cháu L. mồ côi cả cha lẫn mẹ, được ông ta chăm sóc, nuôi dạy từ lúc 9 tuổi.  

Khi ông Chưa đi khỏi phòng khám, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng đã hỏi cháu L. về “tác giả” cái thai trong bụng. L. khóc kể mình nhiều lần bị cậu ruột là ông Chưa - người đưa cháu đến bệnh viện, cũng là người chăm sóc, nuôi dưỡng cháu - xâm hại. Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ đã thông báo sự việc cho Công an phường Nguyễn Cư Trinh, Q.1. Ông Lê Văn Chưa được mời về trụ sở công an phường làm việc và sau đó được Công an Q.1 bàn giao cho Công an H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Qua lời khai của bị hại, bị cáo và kết quả trưng cầu giám định ADN bào thai của L. xác định Lê Văn Chưa đã nhiều lần xâm hại cháu ruột của mình. 

Sự nhanh chóng trong điều tra xác định thủ phạm nói trên là đáng mừng nhưng vẫn là nhỏ nhoi so với thực trạng XHTD trẻ em hiện đang ở mức báo động, nhiều vụ hiếp dâm vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn.

Đáng lo ngại hơn nữa là nhiều bậc phụ huynh lơ là, thiếu quan tâm đến con cái, và thường “bù đắp” cho con bằng cách cho tiền đi học hằng ngày. Với độ tuổi dậy thì ngày càng sớm, dễ dàng tiếp xúc với những hình ảnh độc hại tràn lan trên mạng, trẻ dễ đi vào con đường “yêu” sớm. Chỉ cần 30.000 - 40.000 đồng cha mẹ cho mỗi ngày với một cái chứng minh nhân dân giả, các em dễ dàng đưa nhau vào nhà nghỉ. Đã có trường hợp trẻ quan hệ cùng lúc với ba người. Gia đình tố cáo, cơ quan điều tra bắt người thứ ba nhưng khi giám định lại ra ADN của người thứ nhất, trong khi đứa trẻ lại mang thai với người thứ hai.

Không trưng cầu giám định vì sợ... tốn kém 
Theo ông Phan Văn Hiếu, với các phương tiện giám định hiện đại thì thời gian trả kết quả đối với một vụ XHTD thường rất nhanh, chỉ vài giờ đối với phết tìm tế bào nam trên cơ thể và quần áo nạn nhân. Tuy nhiên, theo quy trình hiện nay, khi phát hiện vụ việc gia đình báo chính quyền phường/xã thụ lý, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm phường/xã sẽ chuyển hồ sơ lên cấp quận/huyện. Trong 7 ngày từ khi tiếp cận vụ việc, cơ quan công an sẽ quyết định có trưng cầu giám định hay không. Nếu có, quyết định trưng cầu phải được thủ trưởng cơ quan điều tra cấp quận/huyện ra, lúc đó cơ quan pháp y mới tiếp nhận và thực hiện giám định. 

Phong, chong xam hai tinh duc tre em - Quy trinh giam dinh dang  “troi tay” nhieu phia
Bé gái 14 tuổi Ng.T.L., quê Tiền Giang, bị cậu ruột xâm hại nhiều lần

Quy trình trên thường mất thời gian khá dài, gây khó khăn cho công tác giám định. Trong khi, với một vụ XHTD, thời gian “vàng” giúp cho kết quả nhanh nhất là 3 ngày. Với XHTD ảnh hưởng đến màng trinh thì chỉ 3 - 5 ngày sau khi xảy ra đã lành.  

Thêm một vướng mắc nữa là chi phí giám định pháp y. Theo Giám đốc Trung tâm Pháp y TP.HCM, nguồn kinh phí này hiện do cơ quan điều tra giữ và chi trả cho cơ quan giám định. Tuy nhiên, do quỹ hạn hẹp nên có khi cơ quan điều tra không ban hành quyết định trưng cầu giám định, khiến nhiều người rất bức xúc. “Có vụ việc phải thu 26 mẫu để giám định, nếu nhân lên thì kinh phí giám định tới mấy trăm triệu đồng. Vì vậy, có trường hợp cơ quan điều tra gửi giám định ít mẫu vì sợ… tốn kém” - ông Phan Văn Hiếu dẫn chứng. 

Vì cơ quan pháp y chỉ thực hiện giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan điều tra, cho nên quy định này vô tình đã “trói chân, trói tay” các đoàn thể có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em cũng như nhu cầu được giám định nhanh nhất của gia đình các em. Về lý, theo ông Hiếu, gia đình bị hại hoặc tổ chức bảo vệ trẻ em có thể tự yêu cầu giám định, trong trường hợp cơ quan điều tra có văn bản từ chối. Cá nhân cũng có thể yêu cầu cơ quan công an phường/xã cấp quyết định khám di chứng cho nạn nhân… Bước đi này sẽ giúp bảo vệ vật chứng kịp thời. Tuy nhiên, trên thực tế cả hai trường hợp này đều rất khó thực hiện. 

Để tháo gỡ vướng mắc, ông Hiếu cho biết đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền giao kinh phí giám định cho UBND thành phố để ủy ban cấp cho trung tâm giám định nhằm tránh bị lệ thuộc. Đồng thời, cơ quan giám định cũng đã kiến nghị UBND TP.HCM về quy trình xử lý vụ việc xâm hại, trong đó có quy trình khám di chứng ở cấp phường xã, nhằm đẩy lùi nạn xâm hại trẻ em đang gây nhức nhối cho xã hội.

Phát hiện trẻ bị xâm hại, cha mẹ cần làm gì để giữ tang chứng, vật chứng? 

Đối với một vụ án xâm hại trẻ em thì tang chứng, vật chứng đóng vai trò quyết định để tìm ra đối tượng xâm hại, vì: đối tượng bị tố cáo thường không thừa nhận hành vi của mình, hoặc bỏ trốn, hoặc không xác định rõ đối tượng xâm hại. Không ít vụ xâm hại trẻ em xảy ra trong thời gian qua bị “chìm xuồng” do chỉ có lời khai một phía của bị hại, mất chứng cứ, tang vật hoặc có nhưng yếu…

Theo ông Phan Văn Hiếu, nguyên tắc “vàng” mà cha mẹ cần xử lý khi phát hiện con mình có dấu hiệu bị xâm hại là: không được lau, tắm cho con; giữ nguyên y phục con đang mặc, mùng mền, chăn drap nệm gối và hiện trường xảy ra vi phạm, tuyệt đối không được giặt giũ. Nhanh chóng đưa con đến cơ quan công an, Hội Phụ nữ để tố cáo. Khi đến cơ quan tố cáo, người nhà nên bảo quản hiện trường và cầm theo mùng mền, y phục… của bị hại để việc giám định sau này được thuận lợi. 

Giám định ADN, tránh bỏ lọt tội phạm khoảng 40% 

Theo Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM, việc giám định mẫu vật càng nhiều thì kết quả càng chính xác. Ở mảng giám định xâm hại, với các tỉnh chỉ thực hiện việc giám định ADN (chi phí cao) khi xác định có tinh dịch, riêng TP.HCM bất kỳ ca xâm hại nào đều có giám định ADN. Việc này giúp tránh bỏ lọt tội phạm khoảng 40%. Theo thống kê, cứ 100 ca giám định thì chỉ 10 - 12 ca có dấu vết tinh dịch, nhưng có đến 70 - 80 ca là có ADN, trong đó 2/3 là truy nguyên được đối tượng. 

 HOÀI AN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI