Những nữ nông dân đam mê khởi nghiệp

01/12/2019 - 12:00

PNO - Cùng với phong trào khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng, nhiều chị em nông dân ở các huyện ngoại TP.HCM cũng đang tự mình vươn lên thoát nghèo bằng những sản phẩm tâm huyết.

Nâng tầm cho bó rau, hạt muối, con tôm

Trên 60 chị em hội viên, phụ nữ ở năm huyện ngoại thành đã đến tham dự chương trình Café khởi nghiệp - chia sẻ để vươn cao, chủ đề “Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh từ các sản phẩm nông sản an toàn” diễn ra ngày 24/11 vừa qua, với hy vọng sẽ rút tỉa được những bài học quý để giúp những sản phẩm của mình phát triển hơn trên thị trường.

Vượt gần 100 cây số, Nguyễn Thị Bạch Tuyết đến từ ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, H.Cần Giờ, khiến nhiều người bất ngờ và thú vị với sản phẩm muối tôm đựng trong lọ thủy tinh trông rất sạch sẽ và bắt mắt. Dáng người nhỏ nhắn với làn da bánh mật, người phụ nữ này dường như mang theo cả cái nắng, cái gió, vị mặn của hạt muối và nỗi lo về giá muối bấp bênh của bao diêm dân cơ cực quê mình. 

Nhung nu nong dan dam me khoi nghiep
Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết nói về chuyện khởi nghiệp bằng sản phẩm muối tôm

“Trong một lần đi du lịch núi Bà Đen - Tây Ninh, tôi mua đặc sản là những hũ muối tôm làm quà tặng hàng xóm. Trên đường về tôi chợt nghĩ, tại sao quê mình có sẵn nguyên liệu muối, con tôm cũng dồi dào, mà mình không thể làm ra sản phẩm như vậy để bán, để làm giàu cho xứ mình?” - chị Bạch Tuyết nhớ lại. Nghĩ là làm. Về nhà, chị bàn với gia đình xây dựng cơ sở sản xuất muối tôm, muối ớt, muối tiêu, muối sả... theo tiêu chuẩn sạch. Năm 2018, sau bao mày mò nghiên cứu, tìm công thức, thương hiệu muối tôm Ngọc Long đã ra đời ngay trên quê hương ốc đảo Thiềng Liềng, đem lại niềm vui cho gia đình chị lẫn bà con thôn xóm. 

Để tạo sự độc đáo cho sản phẩm sạch nhằm tạo thế cạnh tranh trên thị trường, chị Tuyết quyết định đầu tư chai lọ bằng thủy tinh thay vì dùng hộp nhựa không thân thiện với môi trường. Bà chủ cơ sở muối cho biết, sản phẩm làm ra được chính quyền địa phương và bà con ủng hộ. Hiện cơ sở đang tìm cách thâm nhập vào các đại lý, cửa hàng, siêu thị để mong ổn định đầu ra.

Từ ấp Bàu Tre, xã Tân An Hội, H.Củ Chi, tờ mờ sáng chị Nguyễn Thị Hồng Thắm đã bắt xe buýt để đến với Café khởi nghiệp với nhiều loại rau củ quả đủ màu sắc tươi ngon.

Chị Thắm kể, nhìn cảnh ruộng vườn bỏ hoang không người canh tác giữa cơn sốt đất quay cuồng, chị trăn trở: phải làm gì để có thể sống được trên mảnh vườn, thửa ruộng, bờ ao nơi chôn nhau cắt rốn? Tại sao mình không “khởi nghiệp” ngay trên mảnh đất của mình? Thế là ý tưởng trồng rau sạch mà chị ấp ủ bấy lâu đã thôi thúc chị phải xắn tay, vào cuộc. Và dự án “Trồng rau sạch, kinh doanh rau an toàn” đã ra đời năm 2018. 

Để tạo sự an tâm cho người tiêu dùng, chị chọn trồng rau an toàn theo đúng chuẩn VietGAP với thương hiệu Song Hy. Đến nay, mỗi ngày, cơ sở Song Hy đảm bảo cung cấp 500kg rau xanh các loại cho các bếp ăn công nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bán lẻ, siêu thị với chất lượng đảm bảo. 

Cũng như chị Hồng Thắm, chị Nguyễn Thị Phương Đông ở ấp 1, xã Nhị Bình, H.Hóc Môn cũng khởi nghiệp bằng việc trồng rau sạch. Chẳng là sau thời gian làm công nhân khu công nghiệp, kinh kế gia đình vẫn thiếu trước hụt sau, nên chị Đông quyết định phát triển cây rau muống nước.

Đến đầu năm 2018, sau khi tham dự các lớp tập huấn nghiên cứu phát triển, được sự hỗ trợ của chính quyền, chị đã chuyển sang trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp giấy chứng nhận. Hiện tại, trung bình mỗi ngày chị bán ra các chợ tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương khoảng từ 400-500kg rau, kinh tế gia đình khởi sắc. 

Và nỗi lo đường dài 

Dù thành công bước đầu, nhưng những nữ nông dân đam mê khởi nghiệp như chị Tuyết, chị Thắm, chị Đông vẫn đau đáu những nỗi lo cho chặng đường dài sắp tới. Chị Bạch Tuyết cho biết, dù dồn hết tâm huyết để cải tiến bao bì sản phẩm và được sự hỗ trợ rất nhiều từ địa phương, nhưng hiện tại chị vẫn gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra và rất cần thêm vốn để đầu tư máy sấy muối. “Sản phẩm của tôi vẫn chưa chen chân được vào siêu thị, cửa hàng lớn, chỉ mới dừng lại ở mức chào hàng ở một số nơi” - chị Bạch Tuyết trăn trở. 

Nhung nu nong dan dam me khoi nghiep
Sản phẩm rau an toàn của các nữ nông dân ở Củ Chi, Hóc Môn
 

Cũng thế, chị Thắm, chị Đông cũng đang tự tìm bạn hàng, tự phát triển sản phẩm của mình thông qua việc giới thiệu trên mạng xã hội. Tuy nhiên, ngoài lượng tiêu thụ hằng ngày tương đối ổn định thì việc mở rộng sản xuất vẫn đang còn phải dè chừng. 
Các chuyên gia khởi nghiệp đến từ Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, đại diện nhà sáng lập mô hình nông sản sạch an toàn Dalat Eco farm đã đánh giá cao các sản phẩm sạch được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng của các nữ nông dân và cho rằng, nếu được đầu tư một cách bài bản, có kiến thức kinh doanh, tận dụng các nguồn lực về vốn, công nghệ, quảng bá sản phẩm... sẽ có những bước đi vững chắc.  

Tuy nhiên, trăn trở nhất của các chị ngoài vốn còn là kiến thức về xây dựng thương hiệu, marketing để tạo đầu ra cho sản phẩm một cách bền vững. Các chuyên gia đã tận tình tư vấn cho từng câu hỏi, chia sẻ về cách quản lý, sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm từ các sản phẩm nông sản an toàn, với mục tiêu cuối cùng là giúp nâng cao ý thức của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nhằm mang lại sức khỏe cho mọi người, mọi nhà. 

Là đơn vị tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, hỗ trợ các cá nhân đơn vị có nhu cầu về khởi nghiệp, ông Nguyễn Hiếu Thảo - Trưởng phòng Xúc tiến thương mại - Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp, cho biết, trung tâm có thể hỗ trợ các nữ nông dân về cách xây dựng thương hiệu, nhận dạng sản phẩm qua bao bì, tờ gấp, logo, làm website hoàn toàn miễn phí; hỗ trợ hướng dẫn và cấp chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc các nông sản; hỗ trợ giới thiệu sản phẩm của các chị trên các kênh xúc tiến thương mại của trung tâm.

Ngoài ra, Hội LHPN có thể phối hợp với trung tâm tổ chức cho các chị đi tham quan thực tế mô hình kinh doanh hiệu quả để có thể học tập và ứng dụng vào mô hình kinh doanh của mình. 

Về vốn và đầu ra sản phẩm, các chị có thể liên hệ với Hội Phụ nữ cơ sở để được giới thiệu kết nối. 

Trong năm 2019, Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức bốn kỳ Café khởi nghiệp với sự tham dự của hơn 300 chị em đã và đang có ý định khởi nghiệp. Nhiều chị em sau khi tham gia, được gặp gỡ, học tập, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm và bước đầu áp dụng thành công vào việc kinh doanh của mình.

Trong năm 2020, chương trình Café khởi nghiệp vẫn được duy trì nhưng định hướng chuyên sâu vào từng lĩnh vực, ngành kinh doanh đặc thù. 

Hoài An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI