Nhà tạm lánh cho phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo hành: Chờ đến bao giờ?

26/10/2019 - 06:30

PNO - Tháng Chín vừa qua, Hội LHPN Q.Tân Phú đã tham gia giải cứu hai mẹ con ở H.Hóc Môn bị bạo hành. Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy mình loay hoay như vậy.

Vợ chồng chị này đang trong thời gian chờ ly hôn, anh chồng giành nuôi con nhưng không trực tiếp nuôi mà nhờ người thân coi hộ. Thiếu sự chăm sóc của mẹ nên đứa nhỏ hai tuổi bị viêm phổi và hen nặng.

Dù phải trốn chồng, nhưng hay tin con bị bệnh, chị vợ đã lén “cướp” con rồi đến Hội LHPN Q.Tân Phú xin giúp lánh nạn. Chúng tôi đã bố trí cho hai mẹ con chị tạm lánh trong 24 tiếng tại một địa chỉ tin cậy cộng đồng. Nhưng chị cần nơi ở an toàn dài ngày trong thời gian chờ ly hôn, để chị đi làm kiếm sống, để lui tới tòa án làm các thủ tục và giải quyết các tranh chấp về quyền nuôi con…

Trong suốt một tuần lễ, chúng tôi đã liên hệ khắp nơi để tìm một nơi ở theo yêu cầu của chị, nhưng không có. Các cơ sở bảo trợ xã hội tại TP.HCM do ngành lao động - thương binh và xã hội quản lý không có nơi tạm lánh cho cả mẹ và con. Vả lại, khi vào ở tại các cơ sở bảo trợ xã hội, chị cũng không thể đi làm mà để con ở nhà cho ai được. Còn nếu gửi đứa bé vào ở hẳn trong một trung tâm nuôi trẻ mồ côi nào đó thì đứa bé đang bệnh lại một lần nữa xa mẹ.

Nha tam lanh cho phu nu, tre em bi xam hai, bao hanh: Cho den bao gio?
Chùa Bình An (Q.Bình Tân), nơi nương náu của chị em phụ nữ bị bạo hành, người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ, nhưng đó chưa phải là nhà tạm lánh cần có

Nghĩ nát óc, cuối cùng chúng tôi liền liên hệ và gửi tạm mẹ con chị vào một ngôi chùa ở vùng ven. Thật sự, đó là “bước cuối cùng” chứ chúng tôi hoàn toàn không muốn, bởi nếu người chồng phát hiện, đến quấy rối, các sư cô ở chùa cũng khó lòng bảo vệ hay giúp đỡ mẹ con chị. Ngoài ra, khi chị cần hỗ trợ các thủ tục về pháp lý, tư vấn tâm lý, sức khỏe cho con, cũng không ai có thể đảm đương.

Từ câu chuyện này, nhớ tới rất nhiều lần Hội Phụ nữ chúng ta tham gia giải cứu chị em và đều rơi vào vòng luẩn quẩn. Toàn thành phố hiện có hơn 2.000 địa chỉ tin cậy cộng đồng, nhưng chức năng tạm lánh đúng nghĩa thì chưa hội đủ.

Trong những năm qua, Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương thuộc Hội LHPN TP.HCM được giao chức năng hỗ trợ phụ nữ bị buôn bán, bạo hành, thế nhưng điều kiện cơ sở vật chất lẫn nhân sự của đơn vị này hiện cũng không đảm bảo là một nhà tạm lánh. Bởi, nhà tạm lánh không chỉ là nơi để ngủ một đêm mà đó phải là nơi khi chị em rơi vào ngõ cụt sẽ đến lánh nạn dài ngày, đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng, được đảm bảo việc làm, việc học; việc quản lý phải có sự kết nối chặt chẽ với công an và chính quyền để bảo vệ nạn nhân.

Quả là rất cần một nhà tạm lánh với đầy đủ chức năng như vậy ở một thành phố lớn như TP.HCM.

Đặng Thị Hồng Vân- Chủ tịch Hội LHPN Q.Tân Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI