Ngăn chặn bạo hành trẻ mầm non: Mỗi phụ huynh hãy là một camera!

22/04/2019 - 08:09

PNO - Trẻ mầm non bị bạo hành ngay trong trường là thực tế rất đáng lo ngại khiến Hội Phụ nữ phải vào cuộc.

Nắm bắt thông tin qua nhóm chat

Là địa bàn rộng, tập trung đông lao động nhập cư nên  các nhóm trẻ, nhóm lớp mầm non tư thục ra đời cũng rất đông. Trong quá trình theo dõi và hỗ trợ các nhóm trẻ tư thục, cán bộ Hội Phụ nữ Q.Thủ Đức đã ghi nhận nhiều trăn trở từ phụ huynh về nguy cơ trẻ bị bạo hành. Từ đó, Hội Phụ nữ đã chỉ đạo thành lập các nhóm chat zalo liên kết những phụ huynh có con đang học tại các nhóm trẻ, trường mầm non tư thục trên địa bàn để cùng nhau giám sát hoạt động nuôi dạy trẻ, kịp thời phát hiện nếu có tiêu cực xảy ra. 

Đến nay, toàn quận đã có 12 nhóm chat với 99 thành viên. Trên đó, phụ huynh thường chia sẻ với nhau các vấn đề về nguy cơ dịch bệnh, khẩu phần ăn, an toàn vệ sinh thực phẩm, tâm sinh lý trẻ và các vụ bạo hành trẻ mà báo chí đăng tải.

Ngan chan bao hanh tre mam non: Moi phu huynh hay la mot camera!
Bạo lực học đường đang là nỗi lo của phụ huynh

Đi vào hoạt động từ tháng 7/2018, đến nay dù chưa phát hiện vụ việc nào đến mức phải phản ánh đến cơ quan chức năng, nhưng các nhóm chat vẫn tiếp tục tăng thêm thành viên và ngày càng nâng cao chức năng giám sát” - bà Đoàn Thị Thanh Hương, Phó chủ tịch Hội LHPN Q.Thủ Đức, thông tin.

Còn ông Nguyễn Hồng Định - Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa mặt trời, P.Bình Thọ - cho rằng, lập các nhóm chat để phụ huynh chia sẻ, trao đổi những vấn đề mình nhìn thấy, phát hiện là giải pháp hay góp phần tạo mối liên hệ bền chặt giữa Hội Phụ nữ với phụ huynh, giữa phụ huynh với phụ huynh. Tuy nhiên, “vấn đề bạo hành trẻ hiện xảy ra ở khắp nơi, ở cả trường mầm non công lập, dưới nhiều hình thức như đánh đập, khủng bố tinh thần. Cho nên việc thành lập các nhóm chat không nên chỉ giới hạn ở các trường và nhóm lớp tư thục”, theo ông Định. 

Cũng theo ông Định, có những trường hợp giáo viên bạo hành trẻ, bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, đương sự nghỉ việc trường này/nhóm này, nhưng lại xin sang trường khác/nhóm khác, tiếp tục làm việc. Những trường hợp này, Phòng Giáo dục và Hội Phụ nữ cần phải thông tin cho nhau và thông tin cho các cơ sở giáo dục mầm non, cả công lập lẫn tư thục, để nắm tình hình, để quản lý và sử dụng giáo viên hiệu quả. 

Mỗi phụ huynh hãy là một camera giám sát

Trong buổi tọa đàm do Hội Phụ nữ Q.Thủ Đức tổ chức hôm 5/4, bà Huỳnh Thị Cúc - Hiệu trưởng Trường mầm non Khánh Hỷ, P.Hiệp Bình Chánh - nêu thực tế: để đào tạo được một giáo viên vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, nhất là giáo viên mầm non, cái cần nhất là người học phải có niềm đam mê nghề nghiệp và phải có quá trình đào tạo đủ dài.

Nhưng hiện nay, không ít bạn trẻ chọn học sư phạm mầm non chỉ vì được miễn học phí; học các khóa mầm non ngắn hạn không vì đam mê mà vì cần công việc để kiếm sống. Họ không hiểu tâm sinh lý trẻ, không nắm bắt được đâu là giới hạn cảm xúc, hành vi trong từng giai đoạn phát triển của trẻ. Áp lực nghề nghiệp, công việc và thu nhập thấp khiến giáo viên bị ức chế, dễ bùng phát tức giận khi gặp tình huống trẻ quá nghịch ngợm, biếng ăn dỗ mãi không được. 

Bà Cúc ủng hộ việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ vào các cơ sở giáo dục mầm non như gắn camera an ninh để giảm thiểu bạo hành trẻ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phải thường xuyên kiểm tra giám sát hoạt động nuôi dạy trẻ, các điều kiện đảm bảo vật chất, nhân lực, giấy phép. Nếu phát hiện nơi nào thiếu điều kiện đảm bảo thì cho ngưng hoạt động ngay. 

Cô Lê Thị Hà Nhi, một giáo viên trẻ ngụ P.Bình Chiểu, cho biết, chị và đồng nghiệp rất cần những khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nắm bắt tâm sinh lý trẻ. Cô Nhi đề xuất, Hội Phụ nữ và ban giám hiệu các cơ sở giáo dục mầm non phối hợp tạo ra những trang facebook, nhóm chat để giáo viên và phụ huynh tương tác, giúp đỡ học hỏi lẫn nhau nhằm nâng cao chuyên môn nghề nghiệp. 

Về phía phụ huynh, bà Võ Thị Lan, khu phố 4, P.Linh Xuân, nói rằng, khi chọn trường cho con, cha mẹ hãy mạnh dạn tìm hiểu giấy phép hoạt động của các cơ sở giáo dục, bằng cấp của đội ngũ giáo viên và tham quan cơ sở vật chất, nhà ăn cho trẻ một cách thấu đáo. Tối về tắm cho con, phụ huynh nên để ý xem trên người bé có dấu vết bất thường gì không, nếu có thì gọi trao đổi ngay với giáo viên. 

Bà Lan cho rằng, việc gắn camera là cần nhưng đấy không phải là cây đũa thần để ngăn chặn bạo hành. Thực tế cho thấy dù có camera giám sát, cô nuôi dạy trẻ lớp mẫu giáo tư thục A.S., (H.Hóc Môn) vẫn bạo hành trẻ một cách dã man. “Vấn đề chính là con người chứ không phải máy móc. Mỗi phụ huynh chúng ta hãy là một camera giám sát nhằm phát hiện những dấu hiệu bất thường nơi con như hoảng sợ, lo âu mỗi khi đến trường”. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI