Một ngày của người phụ nữ đa đoan

21/03/2019 - 07:30

PNO - 'Sống là để cho đi', với suy nghĩ ấy, chị đã đưa vai gánh vác thêm chuyện xã hội bên cạnh gánh nặng gia đình.

Trước ngày rằm tháng Giêng, chúng tôi tìm đến nhà chị Trần Ngọc Tuyết ở P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM. Từ đầu hẻm đến cuối hẻm, ai cũng biết chị. Dễ dàng cảm nhận được không khí tất bật trong ngôi nhà chị với người ra kẻ vào trước ngõ. Trong nhà, ba bốn chị em đang phụ chị Tuyết gọt tỉa rau củ để chuẩn bị cho 200 suất cơm chay từ thiện vào hôm sau. 

Mot ngay cua  nguoi phu nu da doan
Chị Tuyết (ảnh phải )cùng chị em chuẩn bị và tham gia phát cơm chay từ thiện.

Người của gia đình
Năm 1990, ở tuổi 25, chị Tuyết về làm dâu trong một gia đình không khá giả, mẹ chồng lại bị tai biến. Chị theo nghề phụ nấu cho các dịch vụ nấu ăn để kiếm tiền lo cho gia đình và ba con nhỏ. Đến năm 2005, chị Tuyết biết đến tổ chức Hội và tham gia công tác Hội. Qua công tác, những kỹ năng nấu nướng của chị có dịp được phát huy. Thấy vậy, tổ chức Hội cho chị vay 10 triệu đồng và gợi ý cách làm ăn. Cầm 10 triệu đồng trong tay, chị Tuyết mừng rơi nước mắt và nhủ lòng phải quyết tâm làm được điều gì đó. 

Với kinh nghiệm nấu ăn đã tích lũy, chị lên kế hoạch mua sắm một số đồ dùng cơ bản để khởi nghiệp. Và mọi chuyện đã diễn ra khá thuận lợi khi chị có bạn bè, chị em giúp đỡ mai mối khách hàng và những đầu mối cung cấp thực phẩm. Cuộc sống gia đình chị nhờ đó cũng khấm khá hơn. Đến nay, công việc của chị khá ổn định. Cao điểm, mỗi tháng chị nhận 4-5 tiệc, mỗi tiệc từ 10-50 bàn, tạo việc làm thêm cho từ 10 đến 20 người, chủ yếu là chị em trong khu phố với thu nhập từ 200.000-300.000 đồng/buổi.

Cuộc sống những tưởng đã an nhàn hơn, nhưng chị là người đa đoan nên nhìn đâu thấy cũng có chuyện phải lo. Năm 2017, chị Tuyết xuống Đồng Nai thăm người chị chồng đang bị bệnh. Thấy chị không con cái, hằng ngày phải đối chọi với bệnh tật trong sự cô đơn, chị Tuyết quyết định đón chị về ở chung để tiện chăm sóc, thuốc thang. Sau đó, người em chồng quanh năm bệnh tật lại bị tai nạn gãy chân và đứa cháu mồ côi, tật nguyền cũng đến tay chị chăm lo, bảo bọc. Mỗi ngày chị thức dậy từ 4-5g sáng để sắp xếp mọi công việc và chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả gia đình. 

Anh Phạm Thắng, chồng chị Tuyết, nói về vợ mình: “Tôi là người may mắn nên mới gặp được nhà tôi. 29 năm qua, Tuyết luôn sống vì gia đình chồng. Cô ấy là người vợ, người mẹ tuyệt vời, biết cách quán xuyến mọi việc trong ngoài. Khó có ai được như vậy”.

Mot ngay cua  nguoi phu nu da doan
 

Và người của xã hội

Cuối năm 2017, khi biết Hội Phụ nữ phường có ý định nấu cơm từ thiện, chị Tuyết đã đề xuất nấu và phát cơm chạy miễn phí, đầu bếp do chị đảm trách. Bếp chay của Hội Phụ nữ phường ra đời và đỏ lửa vào ngày rằm và mùng Một hằng tháng, mỗi lần phát 200 suất. Cũng vì thế mà trước đó một ngày, chị và một số chị em lại tất bật chợ búa, gọt tỉa củ quả, nấu nướng. Đến 12g đêm, trong lúc mọi người say giấc, chị Tuyết một mình nấu nướng để đúng sáng hôm sau mọi thứ hoàn tất. 8g kém, các chị gọi xe chở thức ăn đến số 11C Tân Quý, P.Tân Quý rồi chia nhau xới cơm, múc thức ăn phân phát cho người nghèo, người lao động khó khăn. 

Chị Nguyễn Ngọc Trúc Linh, cán bộ Hội P.Tân Quý, nói: “Bếp chay từ thiện ra đời và duy trì hoạt động hơn một năm nay là nhờ có sự đóng góp của các Mạnh Thường Quân, cán bộ hội viên phụ nữ và một phần quan trọng là có sự đóng góp của chị Ngọc Tuyết. Đến nay, điểm phát cơm chay từ thiện đã trở nên quen thuộc với nhiều người”. 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI