Mạnh dạn khởi nghiệp từ lớp học của hội

27/06/2018 - 06:10

PNO - Trước khi tham gia “Lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh năm 2018”, chị Đỗ Thị Thu Hồng - sinh năm 1972, ngụ tại P.15, Q.11 - chưa bao giờ có ý định khởi sự kinh doanh.

Mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm chay, mở tiệm bán dụng cụ móc len tại nhà của hai chị Đỗ Thị Thu Hồng (Q.11) và Trần Nguyễn Ngọc Long (Q.1) là hai trong năm ý tưởng khởi nghiệp được Hội LHPN TP.HCM cùng Viện Hợp tác phát triển châu Âu (IECD) trao chứng nhận loại giỏi trong lễ bế giảng “Lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh năm 2018” chiều 22/6. 

Manh dan khoi nghiep tu lop hoc cua hoi
Chị Ngọc Long đang từng bước thực hiện ý tưởng mở tiệm bán dụng cụ móc len

1. Tối cuối tuần, chị Trần Nguyễn Ngọc Long - sinh năm 1979, ngụ tại khu phố 3, P.Tân Định, Q.1 - chăm chú ngồi móc mẫu váy mới bằng len xanh. Sau lễ bế giảng, chị lên kế hoạch sẽ mở tiệm bán dụng cụ móc len với chi phí khoảng 50 triệu đồng. “Tôi từng nghĩ, khởi nghiệp là chuyện rất to tát, cỡ mình không với tới được. Trong đầu cứ loay hoay về ý tưởng kinh doanh nhưng phải đến khi tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức của Hội LHPN TP.HCM, tôi mới thật sự định hình được việc mình có thể làm và quyết làm” - chị Long thổ lộ.  

Từng là giáo viên mầm non, để có thêm thu nhập, chị Long học nghề móc len qua sách, internet. Những mẫu váy, áo, túi xách, khăn choàng cổ được chị móc tỉ mỉ rồi chụp hình đưa lên mạng giới thiệu cho bạn bè xem, ai thích thì đặt mua. Với phương châm “lấy công làm lời”, mỗi sản phẩm bán ra, chị lãi từ 30.000-100.000 đồng. Chị Long tâm sự: “Tôi là con đầu trong gia đình có 3 chị em. Ba tôi làm bảo vệ, má đi dọn phòng cho các khách sạn, kinh tế khá chật vật. Tôi chưa lập gia đình riêng, bao năm đi làm cũng chẳng dành dụm được gì. Vạch được ý tưởng kinh doanh khả thi, tôi bắt đầu tích cóp từ đây”. 

Hai năm trước, chị Long nghỉ việc, dồn sức cho nghề móc len. Bản thân là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 3, P.Tân Định, ngoài kiếm tiền trang trải cuộc sống, chị Long còn hướng dẫn chị em học nghề, đồng thời đan quần áo len, khăn choàng ủng hộ trẻ em nghèo vùng Tây Nguyên, Tây Bắc. Chị cũng theo học các khóa làm bánh, cắm hoa tại Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP.HCM. Khu phố 3 có gần 200 hội viên, chị em chủ yếu buôn bán, làm bao tay ni-lông, tạp vụ.

Thấy chị Long học nghề bài bản, chị em lập nhóm nhắn tin chung, nhờ chỉ dẫn kinh nghiệm móc len, bán hàng để có thêm thu nhập, chị luôn nhiệt tình giúp. Chị Long dự tính: “Khoảng giữa năm 2019, tôi sẽ mở tiệm, vừa bán dụng cụ móc len, vừa dạy nghề miễn phí cho chị em. Khách hàng tiềm năng của tiệm là nhân viên văn phòng, sinh viên, các bà mẹ bỉm sữa. Không chỉ tập trung bán hàng, nếu khách có nhu cầu học nghề, tôi sẵn sàng hướng dẫn”. 

Manh dan khoi nghiep tu lop hoc cua hoi
Chị Thu Hồng tự tin vào ý tưởng mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm chay

2. Trước khi tham gia “Lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh năm 2018”, chị Đỗ Thị Thu Hồng - sinh năm 1972, ngụ tại P.15, Q.11 - chưa bao giờ có ý định khởi sự kinh doanh. Trưởng thành trong gia đình có truyền thống bán thực phẩm chay khô, từ nhỏ, chị đã phụ cha mẹ giao hàng, chiên đậu hũ, làm gỏi, nấu lẩu chay. Lớn lên, Thu Hồng học đại học ngành thủy sản, nhưng ra trường lại đi bán mỹ phẩm. Chị thú nhận, mình không phải người táo bạo, làm gì cũng theo nguyên tắc an toàn, có một đồng thì đầu tư một đồng vì rất sợ vay mượn. 

Năm 2014, muốn dành thời gian chăm sóc con trai còn nhỏ, chị nghỉ làm nhân viên bán hàng, về nhà mở quán đồ ăn vặt (rau câu, bánh tráng trộn, bánh tráng me, trà sữa...). Được Hội LHPN P.15 giới thiệu, chị học thêm các khóa ẩm thực, làm bánh, bắt bông kem, trang trí rau câu tại Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP.HCM. Chị Hồng bộc bạch: “Hồi chưa học lớp kiến thức khởi nghiệp, tôi nghĩ bán được đồng nào hay đồng đó, lo kinh tế trước mắt chứ không tính toán gì. Bạn bè, người quen biết mình làm bánh, thỉnh thoảng đặt hàng, tính cả quán đồ ăn vặt nữa, mỗi tháng tôi kiếm được chưa tới 3 triệu đồng”. 

Qua những bài học về ý tưởng, chi phí mở tiệm do giảng viên IECD truyền dạy, đồng thời được thành viên Hội Nữ doanh nhân TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính, quản lý nhân viên, chị Hồng nói: “Những suy nghĩ lộn xộn trong đầu mình như được sắp xếp lại gọn gàng, chắc chắn”. Về ý tưởng mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm chay, chị Hồng cho biết: “Năm 2017, tôi mon men bán thực phẩm chay như ba má. Không biết tính toán nên chưa hiệu quả. Nay, tôi áp dụng kiến thức học được, sắp xếp các kệ hàng, tính từng gam thực phẩm để tránh lãng phí, mới vài tuần mà thấy khởi sắc rồi. Tôi rất tự tin vào con đường khởi nghiệp của mình. Sắp tới, tôi sẽ tìm thêm nguồn cung cấp thực phẩm chay uy tín, giá phải chăng, mua đi bán lại, cộng với tự chế biến tại cửa hàng để bán”. 

Khóa học hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được triển khai từ ngày 7/5-22/6 gồm 14 buổi, do giảng viên IECD đứng lớp. Đây là hoạt động nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của hội viên phụ nữ. Có 12 chị hoàn thành khóa học. Cũng như Thu Hồng, Ngọc Long, các học viên khác cũng đưa ra những kế hoạch kinh doanh, như mở tiệm chăm sóc móng tay, chân cho bà nội trợ; mở quán ăn chay phục vụ nhân viên văn phòng; bỏ sỉ phôi son cho những người tự làm son (handmade). Hội LHPN các quận, huyện sẽ theo sát, tìm hiểu nhu cầu để kịp thời hỗ trợ vốn, phương tiện làm ăn cho các chị. 

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI