Hoa hậu Diễm Hương: 'Tôi từng muốn tự tử vì những lời bình luận ác ý trên mạng xã hội'

22/10/2019 - 16:42

PNO - "Vừa đăng quang, tôi đã rơi vào trầm cảm nặng. Tôi từng muốn tự tử vì những lời bình luận ác ý trên mạng xã hội" - Hoa hậu Diễm Hương nói một tại tọa đàm vừa được tổ chức sáng nay, 22/10.

Diễm Hương: "Vừa đăng quang, Hương đã rơi vào trầm cảm nặng, có lúc cũng muốn tự tử trước những chỉ trích, những lời lẽ xúc phạm vô căn cứ trên mạng xã hội. Có người từng bình luận rằng Hương làm gái, cặp đại gia, chân dài não ngắn… Những lời lẽ khó nghe và vô căn cứ đó khiến tâm lý của Hương hết sức nặng nề, trầm cảm. Hương khóa luôn Facebook, không dùng mạng xã hội nữa.

Hương nhớ nhất là năm 2014 khi đang mang thai thì nhận nhiều lời lẽ khiếm nhã, trù ẻo con Hương sẽ thế này, thế nọ. Hương thật sự rất buồn, cảm thấy mất an toàn khi ra ngoài và nghĩ: tại sao con người với con người lại có thể dùng những từ ngữ như vậy với nhau. Sự việc không được giải tỏa, Hương cảm giác như mình bị nhốt trong cái bong bóng, lâu ngày cái bong bóng nó bể thì mình chết”.

Hoa hau Diem Huong: 'Toi tung muon tu tu vi nhung loi binh luan ac y tren mang xa hoi'
Hoa hậu Diễm Hương chia sẻ câu chuyện từng bị xúc phạm danh dự trên mạng xã hội

Khi mạng xã hội ngày càng phổ biến, cùng với mặt tích cực là truyền tải thông tin nhanh thì cũng có nhiều mặt tiêu cực. Những câu chuyện vu khống, xúc phạm danh dự hay trục lợi từ mạng xã hội đã và đang xảy ra gây tổn hại và đau đớn cho bao người, thậm chí là gây ra những cái kết bi thương.

Sức mạnh của mạng xã hội trong truyền tải thông tin là vô cùng lớn, nhưng thông tin thường không được kiểm chứng. Theo ông Vũ Phi Long, Nguyên Phó chánh tòa hình sự Tòa án Nhân dân TP.HCM, các hành vi vu khống, xâm phạm quyền tự do của người khác và những comment nặng nề, trường hợp xác định được chủ thể sẽ xử phạt cả hai người đăng tải và người bình luận; nếu không xác định được thì admin sẽ chịu trách nhiệm. Do vậy, người dùng mạng xã hội phải tự nâng cao bản lĩnh, tự đứng vững trước những lời vu khống. Trong những trường hợp cần thiết, thấy bản thân bị xúc phạm, có thể tìm đến giải quyết bằng pháp luật.

Hoa hau Diem Huong: 'Toi tung muon tu tu vi nhung loi binh luan ac y tren mang xa hoi'
Theo ông Vũ Phi Long: Các hành vi vu khống, xâm phạm quyền tự do của người khác được xem xét truy cứu trách nhiệm.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho biết: “Một câu nói có thể giết chết một con người, giết chết một doanh nghiệp. Ngược lại một câu nói tích cực có thể khích lệ và làm tăng năng suất làm việc lên đến 120% - 150%”.

Đạo diễn Lê Hoàng cũng cho biết: "Nhiều người nói tôi từ chối và không dùng mạng xã hội là không đúng, tôi vẫn có Facebook, chỉ là không đăng tải hoạt động cá nhân  thôi. Đừng chỉ nói tiêu cực mà hãy nhìn mặt tích cực, mạng xã hội phát triển thì nhiều điều tốt đẹp cũng sẽ được lan tỏa, nhiều người được nói lên tiếng nói của mình. Tương tác trên mạng xã hội của người nổi tiếng nhiều hơn những người bình thường. Tôi cũng từng bị vu khống, ăn cắp ý tưởng phim, nhưng bản thân mình phải tự xây dựng cho mình bản chất chịu đựng, bản lĩnh và năng lực tự thẩm định thông tin".

Tọa đàm “Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội" vừa được Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay, 22/10. Theo một cuộc thăm dò được Báo Thanh Niên điện tử mở từ ngày 13/10 với câu hỏi “Bạn đánh giá thế nào về mạng xã hội hiện nay?”, đã có gần 4.700 lượt ý kiến tương tác, trong đó 20% ý kiến đánh giá mạng xã hội bị một số người lợi dụng, 15% đánh giá nhiều tin thất thiệt, 15% cho rằng phát sinh tiêu cực. Chỉ có 17% đánh giá mạng xã hội lan tỏa những giá trị tốt đẹp và 14% kết nối cộng đồng.

Tháng 5/2019, Facebook công bố bản báo cáo thực hiện Tiêu chuẩn cộng đồng. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, Facebook đã tìm ra và xóa bỏ hơn 2,19 tỉ tài khoản giả và 1,96 tỉ nội dung spam.

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI