Gieo hạt cho mùa vui

05/02/2019 - 11:30

PNO - Một năm nữa qua đi, những con số về thành tích của đội hậu duệ Ban Phụ vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân rất nhiều.

Có những chỉ tiêu Hội LHPN TP.HCM đã vượt hơn 400% so với kế hoạch đề ra. Nhưng, cái đọng lại trong tâm thức cán bộ, hội viên và cả nhiều “người ngoài cuộc” không phải là những con số đáng nể ấy mà là câu chuyện trao phương tiện mưu sinh, trợ vốn, giúp phụ nữ khởi nghiệp; là sự tiếp nối, trao truyền niềm tự hào về Ban Phụ vận anh hùng đang từng ngày lan tỏa. 

Gieo hat cho mua vui
Chị Danh Thị Huyền nói từ khi được Hội tặng máy may công nghiệp là bắt đầu cho những ngày vui.

1. Nhắc về Hội, ông Phan Toàn Thắng, Chủ tịch UBND P.16, Q.4, nói: “Đừng nghĩ những việc làm của Hội nhỏ nhoi, trao vài triệu vốn, tặng cái xe nước mía, hay cái tủ làm nail… mà hãy nghĩ những công việc nhỏ nhoi ấy như mình đang gieo hạt, chờ một ngày hạt nảy mầm, thành cây, tỏa bóng…”.

Chính quyền P.16, Q.4 cũng chính là đơn vị đầu tiên của thành phố này đồng hành cùng Hội LHPN phường “hà hơi tiếp sức” cho những công việc tưởng chừng nhỏ nhoi ấy. 

Ngày 15/9/2018, lần đầu tiên có một hội chợ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh của những người được hỗ trợ sinh kế. Với hình thức một hội chợ nhỏ, chương trình chỉ thu hút hơn 200 người tham dự: vừa có tọa đàm, vừa có triển lãm, lễ hội. 

Hội chợ ẩm thực, thời trang “cấp phường” hôm ấy diễn ra vỏn vẹn 8 giờ đồng hồ. Những người tham dự và làm chủ lực trong lễ hội ấy không ai khác, là những người một thời buôn gánh bán bưng, hoặc làm thuê, làm mướn. Tự tin trước quầy hàng quần áo thời trang của chính mình, miệng cười tươi rói, giới thiệu từng sản phẩm cho khách, nhưng khi vừa bước vào hội trường dự chương trình giao lưu, chị Trần Thị Phương, khu phố 7, lại lóng ngóng khi kể về câu chuyện vượt qua khó khăn, thách thức để trụ lại trong cuộc sống.

Chị chân thành: “Nếu không có Hội Phụ nữ trợ vốn, trao cho tủ trưng bày sản phẩm, tui vẫn là người buôn bán nhỏ, chẳng bao giờ nghĩ mình vươn lên làm chủ một shop thời trang. Dù chưa bằng ai, nhưng hơn chính mình đã là vui rồi”.

Để chuẩn bị cho chương trình diễn ra trong 8 giờ đồng hồ hôm ấy, là tất cả tâm sức của chính quyền cùng Hội Phụ nữ địa phương. Theo lời chị Trần Thị Hồng Cúc, Chủ tịch Hội LHPN phường 16, công việc tưởng nhỏ mà quá sức của Hội, các dì, các chị ngại ngần, không ai dám nghĩ tủ làm nail, xe nước mía, xe bán cá viên chiên cũng đi vào “hội thảo”. Biết là “quá sức Hội”, nhưng nhìn ra hết ý nghĩa của nó trong câu chuyện góp phần vực dậy một mái ấm gia đình bên bờ kiệt quệ, chính quyền phường 16 đã kịp thời trợ lực cùng chị em. 

Ông Thắng nói: “Từ ý tưởng của Hội LHPN phường về chuyện trao sinh kế, chúng tôi nghĩ đến chuyện tạo đòn bẩy cho hành trình xóa nghèo ở phường. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của Hội, từ 230 hộ nghèo cuối năm 2017, đến tháng 12/2018, cả phường 16 chỉ còn 50 hộ nghèo. 

Chương trình trao tặng phương tiện hỗ trợ sinh kế của Hội LHPN TP.HCM đã trao 1.294 phương tiện (xe bán bành mì, máy may công nghiệp, xe nước mía, xe bán hủ tíu, xe máy, bò giống, dê giống, hỗ trợ vốn...), với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Đây là chương trình hiệu quả, lâu bền, đi sâu đi sát từng hộ hội viên, phụ nữ và người nghèo, tạo động lực để các gia đình tự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. 

Ngồi bàn máy từ sáng tới 11g trưa, chồng vải vẫn còn chất cao dưới sàn, chị Danh Thị Huyền, ngụ đường số 12, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, làm động tác vươn vai, cười xòa khi nghe tôi hỏi chuyện làm ăn hồi này ra sao: “Mỗi ngày mấy chục cân vải, người ta giao mình may làm giẻ lau, kỳ công lắm em, mà vui”. Kể tới đó, chị miết mấy đầu ngón tay lên bàn máy may, giọng xúc động: “Hội tặng chị đó! Chị ưng cái máy này lắm. Đời mình ba chìm bảy nổi, va vấp và thất bại nhiều, vậy mà rốt cuộc cũng có những ngày vui”. 

Hơn 20 năm trước, qua mai mối, cô gái Khmer gốc Sóc Trăng Danh Thị Huyền theo chồng lên Sài Gòn, cất căn chòi lá, tậu một sạp hải sản tươi sống ngoài chợ Tam Bình (Q.Thủ Đức) bán. “Tại mình hiền quá hay là chưa gặp thời mà bán riết thành sập tiệm luôn”, chị nói. 

Sau thất bại đó, hai vợ chồng chuyển sang chở cần xé hành, tỏi bán dạo suốt từ Q.Thủ Đức qua tỉnh Bình Dương, xuống Đồng Nai. Lại cụt vốn. Anh Lê Ngọc Văn, chồng chị, quả quyết: “Bà ở nhà, tui chạy xe ôm”. Chồng phơi nắng đội gió, còn chị nhận cắt chỉ quần jeans, 200 cái/ngày được 30.000 đồng. Ba cô con gái, buổi đi học, buổi ào về phụ mẹ, nhà vẫn diện hộ nghèo “bền vững”. 

“Những ngày vui” bắt đầu từ khi có cái máy may, chị Huyền nhận hàng về gia công, các con không phải cắm đầu cắm cổ phụ mẹ cắt chỉ quần jeans nữa và anh Văn xin được một chân tài xế xe đưa rước công nhân, lương 5 triệu đồng/tháng. “Mới mấy tháng nhận phương tiện làm ăn từ Hội mà phấn khởi lắm. Sắp tới, tui sẽ xin vô nhóm may gia công, làm cùng chị em. Mình ráng cày thì chắc chắn sẽ có ngày thoát nghèo chớ”, chị Huyền giãi bày. 

2. Sáng 9/8/2018, Hội LHPN TP.HCM tổ chức diễn đàn “Phụ nữ khởi nghiệp: tinh thần và sức lan tỏa”. Tham dự diễn đàn có hơn 100 phụ nữ có ý tưởng và ý định kinh doanh. Khách mời của diễn đàn là các chuyên gia tư vấn, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố, các nữ doanh nhân có kinh nghiệm tư vấn khởi nghiệp. 

Gieo hat cho mua vui

Góc mưu sinh của chị Đặng Thị Kim Trang (ngụ P.7, Q.3) trở nên khang trang hơn nhờ sự học hỏi vươn lên trong kinh doanh

Thực hiện vai trò và chức năng của mình, trong nội dung hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN các cấp đã phối hợp với nhiều đơn vị để cùng thực hiện các hoạt động khơi dậy tinh thần này, đồng thời hỗ trợ kiến thức cho chị em hội viên phụ nữ: tổ chức nói chuyện chuyên đề, mở lớp bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp cơ bản, khảo sát chị em có nhu cầu khởi nghiệp, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh, giới thiệu cho vay vốn, hỗ trợ sinh kế, dạy nghề… 

Theo báo cáo, năm 2018 công tác hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho hội viên phụ nữ toàn thành phố đạt 476% so với chỉ tiêu đề ra. 

Ngược hẳn với con đường Lý Chính Thắng đoạn qua P.7, Q.3 (TP.HCM) luôn ồn ào náo nhiệt, đi sâu vào con hẻm 152 ngoằn ngoèo chỉ lọt hai xe máy là những căn nhà lụp xụp. Cách đây ba tháng, con hẻm đã khai trương một quán cơm, hủ tíu bình dân phục vụ những người dân trong phố. Quán nhỏ, diện tích khiêm tốn, thế nhưng, với chị Đặng Thị Kim Trang thì đây là bước ngoặt lớn đối với cuộc sống của gia đình chị.

“Tôi có 10 năm buôn bán vỉa hè ở khu công nghiệp cho nữ công nhân ở Tân Tạo, Bình Tân. Rồi chiến dịch trả lại vỉa hè cho người đi bộ được triển khai, tôi đành gom đồ đạc về nhà. Căn nhà chỉ hơn 40m2 này là của ba mẹ để lại, nhưng nằm sâu trong hẻm, nên tôi đắn đo mãi, mở ra buôn bán không biết có khách không” - chị Trang nhớ lại. 

Gieo hat cho mua vui

Nhờ kiến thức kinh doanh và sự hỗ trợ phương tiện bán hàng, gian hàng  của chị Phạm Thị Ánh Nga đã khang trang, hiện đại hơn

 

Chồng đau yếu, thất nghiệp, hai con đang tuổi đi học, vừa chạy ăn từng bữa vừa chạy tiền học, một mình chị phải bươn chải, gồng gánh. Chị quyết định mua bàn ghế cũ, mở quán ăn. Sáng bán điểm tâm bún bò, bún riêu; trưa bán cơm giao cho khách văn phòng khu vực. Thấy chị khó khăn, loay hoay vượt khó, Hội Phụ nữ đã tiếp cận, chung tay giúp đỡ. “Nhờ sự hỗ trợ của Hội, hiện nay, quán tôi mỗi ngày cũng bán được vài chục dĩa cơm, suất điểm tâm sáng. Ráng duy trì, tết này gia đình tôi hy vọng sẽ tươm tất hơn” - người phụ nữ ngoài 50, đôi mắt lấp lánh niềm tin.

Cạnh ga xe lửa Hòa Hưng (P.10, Q.3), hơn 20 năm qua tồn tại cửa hàng tạp hóa nằm trong con hẻm 240 đường Nguyễn Thông. Bất kể thời gian biến thiên, mô hình kinh doanh buôn bán thay đổi với nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi... mọc lên xung quanh, chị Phạm Thị Ánh Nga vẫn bám trọ với gian hàng tạp hóa phục vụ bà con xóm nghèo. Gia cảnh đặc biệt, mẹ bị khiếm thị còn bản thân chị bị tật bẩm sinh ở chân, khiến bước đi luôn xiêu vẹo, không thể tự đi xa. Hơn 20 năm qua, từ khi mới 15 - 16 tuổi, chị đã thay mẹ buôn bán tạp hóa, nuôi sống bản thân và gia đình. 

Thấy được hoàn cảnh, sự cần cù chịu thương chịu khó của chị, Hội Phụ nữ đã tìm đến, hỗ trợ, một mặt cập nhật kiến thức kinh doanh giúp chị trình bày hàng hóa thu hút, bắt mắt hơn, mặt khác Hội vận động Mạnh Thường Quân mua cho chị một bộ kệ hàng hóa mới trị giá 5 triệu đồng. “Nhờ chiếc tủ nhôm kính hiện đại, nhiều ngăn, tôi trưng bày hàng theo từng khu vực cho khách lựa chọn được dễ dàng, chứ không như trước, thu nhập vì thế cũng tăng 20% so với trước”. 

3. Chiều cuối năm, căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm trên đường Nguyễn Oanh, P.10, Q.Gò Vấp văng vẳng tiếng hát: “Việt Nam trên đường chúng ta đi/ Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó/ Nghe sóng biển ầm vang xa tận tới chân trời/ Nghe ấm lòng những khi đang dồn bước…”. Hai mái đầu bạc ngồi nép bên nhau, tay run run trên cuốn sổ nhỏ màu xanh đậm, giấy đã ố vàng theo thời gian. Trong đó là những bài hát, bài thơ, dòng tâm sự viết vội trên đường hành quân, lúc may cờ chờ ngày giải phóng mà dì Hai Phượng (Nguyễn Thị Phượng), nguyên cán bộ phụ vận Sài Gòn - Gia Định, giữ như báu vật mấy mươi năm nay. Đang nheo mắt đọc lại những trang viết cũ, đột ngột, dì ngước lên, nói với dì Út Nga (Nguyễn Thị Nga): “Năm Đang, Út Anh gọi em, rủ nhau đi thăm anh em ngõ Củ Chi, Hóc Môn, rồi ngược xuống Đồng Tháp thắp cho Thái cây nhang. Em mới lãnh lương, mình mua ít quà mang đi nghen chị”. Dì Út Nga gật đầu: “Phải đi chớ”. Tám Nhỏ, Hai Thảo, Út Anh, Năm Đang, Chín Xà - những cái tên tôi đã quen, mà mỗi lần các dì gọi nghe sao tha thiết, cảm giác thương đến lạ. 

Gieo hat cho mua vui
Dì Hai Phượng (bìa trái) và dì Út Nga cùng ôn lại kỷ niệm một thời làm công tác phụ vận

Năm 1955, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định quyết định thành lập Ban Phụ vận (tổ chức nòng cốt của Hội LHPN TP.HCM ngày nay) với nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo phong trào phụ nữ đấu tranh đòi đối phương phải thi hành nghiêm chỉnh hiệp định Genève, đồng thời bảo vệ những quyền dân sinh dân chủ cho phụ nữ các giới. Vùng đất Sài Gòn - Gia Định trở thành nơi gieo mầm, nơi khởi phát các phong trào yêu nước của phụ nữ Nam bộ. 63 năm kể từ thời điểm ấy, ngày 21/9/2018, Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bữa đó trời nắng đẹp, người từ Cần Thơ, Đồng Tháp lên, người từ Tây Ninh xuống, mấy mươi “người mình” chỉnh tề trong trang phục áo dài, áo bà ba, khăn rằn và quân phục, ôm nhau rưng rưng ngay trong Hội trường Thành ủy TP.HCM - nơi diễn ra lễ tôn vinh các đơn vị anh hùng. Dì Hai Phượng bước thấp bước cao vì cái chân đau, nói: “Ban được phong anh hùng, trong niềm vui là nỗi thương đồng đội mình đã nằm xuống”. 

Đi qua cuộc chiến, những người trở về đã sống tiếp, sống thay đồng đội để cống hiến trên những mặt trận mới, tự dặn mình lời thề nặng tựa thái sơn “Hết lòng vì dân, không hổ thẹn với anh em”. Như dì Út Anh, con gái Phú Hòa Đông (H.Củ Chi) mồ côi cha mẹ từ hồi 9 tuổi, lớn lên trong vòng tay bảo bọc của “phụ vận mình”. 12, 13 tuổi, dì đã sống trong bưng biền, hết đi vận động phụ nữ vào Hội, đào hầm bí mật, giao thông hào, lại dẫn đường cho bộ đội. Giờ đây, ở tuổi ngoài 80, dì và chồng - ông Tư Thái (Nguyễn Xuân Thái, nguyên chiến sĩ tiểu đoàn 303) vẫn miệt mài gieo hạt mầm yêu thương, tận nghĩa. Năm 2005, ông Tư bị tai nạn dẫn đến mù mắt trái, tay chân đau nhức suốt. Vậy mà, ông đã tự mình nuôi gà, trồng rau, cứ đến dịp tết hằng năm, hai vợ chồng lại gom góp tiền, vận động thêm bạn bè, con cháu hỗ trợ 150 phần quà cho phụ nữ nghèo, cán bộ phụ vận và gia đình chính sách khó khăn.

Dì Hai Thanh (Nguyễn Thị Thanh) bạc phơ mái tóc “hưu mà không nghỉ”, luôn đồng hành cùng các dì ở Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM lên Tây Nguyên, xuống miền Tây Nam bộ, vận động các nhà hảo tâm xây hàng trăm cầu giao thông nông thôn, mái ấm tình thương, cấp nước sạch cho bà con nghèo. 

Gieo hat cho mua vui
Dì Hai Thanh (trái) người luôn gắn bó với các hoạt động của Hội LHPN TP.HCM.

Không gì quan trọng bằng để lại cho con cháu những dòng ghi chân thật về một thời hoa lửa. Bởi ý nghĩ đó, dù cho chân yếu, tay run, hai dì Năm Đang, Út Anh đã góp mặt trong ban biên soạn cuốn Lịch sử truyền thống cách mạng phụ nữ xã Phú Hòa Đông - Củ Chi (1946 - 1976). Cuốn sách tái hiện năm tháng “gian lao mà anh dũng” ở vùng Phú Hòa Đông - nơi những người bà, người mẹ “sáng gánh, chiều bưng” khắp hang cùng ngõ hẻm, vừa thám thính tình hình địch, vừa đào hầm, giao thông hào, gom góp gạo nuôi giấu cán bộ.

Biết một trong số công trình trọng điểm nhiệm kỳ 2016-2021 mà Hội LHPN TP.HCM đề ra là thực hiện bộ sách 85 năm lịch sử phong trào phụ nữ Sài Gòn - TP.HCM, dì Năm Đang phấn khởi: “Tin này khiến tui mát lòng mát dạ, bởi đó là bằng chứng cho thấy cán bộ Hội trẻ bây giờ vẫn luôn đau đáu về lịch sử, về công ơn của các thế hệ trước. Tuy tui đã yếu nhiều, song nếu khi làm sách, Hội cần gì cứ gọi tui”. 

Ngay sau ngày đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các dì, các chú đã xuống Đồng Tháp thắp nhang, chia sẻ tin này trước bàn thờ liệt sĩ Quách Văn Thái - hy sinh năm 1972 khi đang là chiến sĩ trung đội bảo vệ Thành Hội. Chưa tới tết Nguyên đán, nhưng Ban liên lạc phụ vận cũng đã rục rịch “của ít lòng nhiều” góp tiền chuẩn bị cho các chuyến thăm đồng đội đã yếu, gia cảnh còn khó khăn và gia đình cơ sở bí mật của phụ vận năm xưa.

Hóa ra, tiếp nối câu chuyện của những người anh hùng, các dì lại hóa thân làm cánh én báo tin những mùa vui. 

Nghi Anh - Mẫn Nhi - Hoài An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI