Bước qua mặc cảm

06/05/2019 - 08:14

PNO - Lần đầu tiên mặc áo dài, cũng là lần đầu tiên catwalk trên sàn diễn, thế mà những vòng xe lăn, những đôi chân khập khiễng và những đôi tay run đã làm nên một câu chuyện đẹp và hết sức cảm động bên bờ biển Vũng Tàu.

Đẹp từ bên trong

Tháng 3/2019, với viên gạch đầu tiên là ý tưởng của nhà thiết kế Việt Hùng - người luôn trăn trở, tìm tòi để giữ hồn cho tà áo dài Việt trong từng thiết kế và nhà báo Đinh Thu Hiền (Báo Phụ Nữ Việt Nam), câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật TP.HCM đã phát động cuộc thi “Duyên dáng áo dài người khuyết tật năm 2019”.

Đối tượng và phạm vi của cuộc thi ban đầu chỉ gói gọn tại TP.HCM. Nhưng dự tính ấy đã “phá sản” khi hồ sơ gửi về lại có cả những anh chị ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Vũng Tàu… Những người làm chương trình không ngờ cuộc thi lại thu hút nhiều thí sinh đến vậy: 200 thí sinh. 

Buoc qua mac cam
Nhà thiết kế Việt Hùng (bìa phải) và chị Nguyễn Thị Diệu Trinh (ngồi xe lăn, trái) trao giải nhất cho thí sinh Đỗ Thị Ngọc Hồng

Chị Nguyễn Thị Diệu Trinh - Chủ nhiệm câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật TP.HCM - cho biết, mỗi ngày chị nhận hàng chục email, tin nhắn bày tỏ mong muốn được một lần khoác lên mình tà áo dài Việt Nam. Bên cạnh đó là những chia sẻ của các thí sinh về nỗi buồn, nỗi băn khoăn như: tay chân mình vầy thì nhà may có chịu đo, may áo dài cho không; ngồi xe lăn, chống nạng mà mặc áo dài thì người ta có cười mình không…

“Với người khuyết tật chúng tôi, có khi ao ước rất đỗi bình thường lại trở thành xa vời. Có thí sinh đã gần 60 tuổi nhưng chưa bao giờ dám mặc áo dài chỉ vì quan niệm trang phục này tôn vinh những người có dáng vóc đẹp, còn mình thì chân yếu, tay cong… Bởi thế, “Duyên dáng áo dài người khuyết tật” ra đời với mong muốn xóa bỏ mặc cảm về hình thể và tôn vinh giá trị nhân văn cao đẹp của tà áo dài Việt Nam”, chị Diệu Trinh nói. 

Buoc qua mac cam
Anh Trần Vĩnh Minh tự tin catwaik sau những phút đầu luống cuống.

Những họa tiết hoa văn thêu tay được chị Diệu Trinh tỉ mẩn thực hiện nhiều tháng liền, sau đó được nhà thiết kế Việt Hùng biến tấu trên nền vải lụa nhẹ nhàng làm nên hai bộ sưu tập áo dài cách tân Gấm hoa nối và áo dài truyền thống Hoa niềm tin.

Từ 200 hồ sơ dự thi, ban tổ chức đã chọn ra 16 thí sinh xuất sắc vào vòng chung kết xếp hạng. Mỗi thí sinh được đo, may hai bộ áo dài, vừa để trình diễn, vừa là món quà kỷ niệm của ban tổ chức.

Lê Anh Thư, sinh năm 1981, ở TP.HCM, cho biết: đây là những bộ áo dài đầu tiên chị được sở hữu. Bị sốt bại liệt từ năm 2 tuổi, Anh Thư phải mang nẹp chân suốt 35 năm qua. Thời đi học, chị được em gái và bạn bè thay nhau cõng đến trường. Hình ảnh nữ sinh xúng xính áo dài lưu vào tâm trí chị thành niềm khao khát cháy bỏng. Nhưng, chị sợ…

Anh Thư bộc bạch: “Tốt khoe xấu che, có lẽ đó là tâm lý chung của nhiều người. Tôi ngại và mặc cảm lắm, không dám phô ra đôi chân khập khiễng, nghĩ mình mặc vô chỉ làm xấu bộ áo dài thôi. Nhưng nghe chị Diệu Trinh nói “mỗi người chúng ta đều đẹp. Khuyết tật chỉ là giới hạn hình thể bên ngoài, nó khiến mình đi lại, vận động khó khăn, nhưng không vì thế mà vẻ đẹp nội tại mất đi”, tôi đã tìm thấy động lực quý báu”. 

Chiến thắng cho mỗi người

Vừa trở về từ Sóc Trăng với hoạt động hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương cho những hộ nghèo, anh Trần Vĩnh Minh, 51 tuổi, ở TP.HCM, vội lên thảm đỏ trình diễn áo dài. Chân trái bị teo cơ bẩm sinh, thành ra những bước đi ban đầu của anh bị luống cuống.

Thế rồi những đôi tay run run chống nạng, những vòng xe lăn ngập ngừng đã chạm vào nhau để khích lệ nhau tự tin tiến về phía trước. Dưới hàng ghế khán giả, những tràng pháo tay và nước mắt đã rơi.

Vào đúng khoảnh khắc chị Trần Thị Ngọc Hiếu, thí sinh TP.HCM, ra sân khấu thì những người bạn đã ngẫu hứng hát và múa trên xe lăn ca khúc Nối vòng tay lớn - một tiết mục không có trong kế hoạch, khiến nhà thiết kế Việt Hùng bật khóc: “Đã có quá nhiều xúc cảm trong chặng đường hoàn thiện chương trình. Đây không phải cuộc thi tranh vương miện mà là sân chơi văn hóa nghệ thuật cho anh chị em khuyết tật. Chiến thắng dành cho mọi người vì họ đã dám bước qua giới hạn mặc cảm để hòa mình vào không gian ấm áp này. Từ tận đáy lòng, xin cho tôi gửi lời cảm ơn đến từng thí sinh, các anh chị thật đẹp, thật duyên dáng”. 

Nhận giải Ảnh đẹp, Huỳnh Thị Kim Hoàng, 32 tuổi, ở tỉnh Long An, thổ lộ, chị từng mặc áo dài trắng một lần duy nhất hồi học cấp III. Nhưng lần ấy, do chân đạp tà khiến chị ngã dúi dụi. Cánh tay trái không cử động bình thường được khiến chị lóng ngóng khi hàng cúc áo bung ra. Xấu hổ và mặc cảm nên từ đó chị không dám nghĩ tới áo dài nữa.

Trải qua muôn vàn khó khăn, Hoàng giờ là vận động viên bơi lội người khuyết tật quốc gia, sở hữu nhiều huy chương vàng hội thao trong nước và khu vực Đông Nam Á. Tự tin, mạnh mẽ trên đường đua xanh, nhưng hôm casting trình diễn áo dài, Hoàng rất run. Chỉ khi nhìn thấy bạn bè đồng cảnh với trang phục vừa quen vừa lạ đang háo hức xung quanh, nỗi run sợ trong chị vụt tan biến để nhường chỗ cho niềm vui. 

“Thí sinh Đỗ Thị Ngọc Hồng, sinh năm 1984, TP.Bà Rịa, đoạt giải nhất” - nghe MC xướng tên mẹ mình, bé Minh Khang, 5 tuổi, ào vào lòng mẹ rồi nói “mẹ con đẹp nhất”. Hồi lên 5, bằng tuổi con trai bây giờ, chị Ngọc Hồng bị sốt bại liệt nên phải ngồi xe lăn cho đến giờ. Hiện chị có gia đình, có bé Minh Khang và ở nhà làm nội trợ. “Duyên dáng áo dài người khuyết tật” đã giúp chị thỏa điều ước từ gần 20 năm trước.

Buoc qua mac cam
Thí sinh Đỗ Thị Ngọc Hồng trong trong phục áo dài truyền thống trên chiếc xe lăn.

Lần đầu tiên mặc áo dài, cũng là lần đầu tiên catwalk trên sàn diễn, thế mà những vòng xe lăn, những đôi chân khập khiễng và những đôi tay run đã làm nên câu chuyện đẹp và hết sức cảm động bên bờ biển Vũng Tàu. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI