Vụ cô giáo nhéo tai, đánh học sinh: Vết thương tâm lý không thể lành

07/10/2019 - 10:18

PNO - Không ít người dù đã trưởng thành và thành đạt, nhưng vẫn sợ toát mồ hôi mỗi khi nhớ lại những cái tát tai, ký đầu… của thầy cô thời phổ thông.

Anh Nguyễn Khoa, giảng viên đại học, kể: “Nhớ năm học lớp Bảy Trường THCS Lê Lợi, Q.3, TP.HCM, tôi bị cô dạy tiếng Anh cho một tràng “liên hoàn tát” bằng hai tay đến hôm nay vẫn còn ám ảnh. Không chỉ đau, lúc đó tôi thấy như bị sỉ nhục. Mỗi lần họp lớp, tôi vẫn còn thấy xấu hổ vì lần đó. Vết thương trong tâm hồn của một đứa học trò sẽ dai dẳng. Bạn bè tôi vẫn còn nhớ như in những trận đòn của cô này. Chuyện đã gần 30 năm nhưng chúng tôi vẫn nhớ như in từng chi tiết, bởi đó là nỗi ám ảnh hằn sâu”. 

Không ít người như anh Khoa, đều đã trưởng thành và thành đạt, nhưng vẫn sợ toát mồ hôi mỗi khi nhớ lại những cái tát tai, ký đầu… của thầy cô thời phổ thông. 

Một vị phó phòng GD-ĐT chia sẻ: hiện nay, giáo viên và kể cả bảo mẫu, thiếu nhất vẫn là kỹ năng kiềm chế. Dù nghiệp vụ người nào cũng có nhưng họ hiểu vấn đề và thực hành như thế nào lại là chuyện khác.

Có giáo viên nghĩ đơn thuần bạo hành là đánh, nhéo, trói tay chân, dán băng keo vào miệng trẻ… những vết thương này theo thời gian sẽ lành lặn nên không ảnh hưởng gì. Nhưng tỏ ra giận dữ, bỏ mặc, không nói chuyện với học trò… cũng là bạo hành để lại thương tổn. Họ không ý thức được cả hai loại bạo hành thân thể hay cảm xúc cũng đều là những dạng bạo hành về tâm lý, trẻ sẽ bị ám ảnh suốt đời.

Vu co giao nheo tai, danh hoc sinh: Vet thuong tam ly khong the lanh
Cô giáo nhéo tai, đánh đập học sinh trong nhiều ngày liền

Thực tế, sau những vụ bạo hành, chúng ta lên án, quyết liệt xử lý… nhưng sau đó, lại có một vụ bạo hành khác xảy ra. Người trong nghề cho rằng quy định không bao giờ có thể bao trùm được hết các tình huống sư phạm thực tế diễn ra trong nhà trường. Nhưng kẽ hở của luật, quy định không thể là cái cớ để người lớn dung túng cho những hành động làm tổn hại học trò. 

Trở lại trường hợp cô N.H.H. vừa lộ clip đánh học sinh tơi bời, theo lời phụ huynh thì hành động này không phải mới diễn ra ngày một ngày hai. Điều tiếng về thái độ, sử dụng bạo lực đã râm ran từ lâu nhưng không bị xử lý. Để bảo vệ con mình và làm cho ra lẽ trắng đen nên phụ huynh quyết tâm bí mật đặt máy quay, thu thập bằng chứng.

Nếu không có bằng chứng cụ thể, phụ huynh sợ lại xử cho qua rồi lại chìm xuồng. Phụ huynh lo lắng cũng có cái lý, bởi dư luận đã có từ lâu, nhưng “ở trên” vì sao vẫn không có một biện pháp nào trước khi sự việc vỡ lở?

Nhiều nhà quản lý giáo dục hay cho rằng, quy định về hành vi cũng như cách xử lý những sai phạm về đạo đức nhà giáo luôn lạc hậu, “chạy sau” thực tế. Kèm theo đó, hiệu trưởng rất khó đuổi việc một viên chức, nếu làm không kéo sẽ bị người lao động kiện thành ra… không dám liều.

Nhà quản lý chọn cách này cũng không sai  bởi nó có thể bảo vệ họ an toàn trước cấp dưới của mình và đẩy sự bất an về cho những đứa học trò. Có một nhà giáo dục từng nói, xử lý tình huống sư phạm cần cái tâm của người đứng đầu, không có mẫu số chung vẫn có thể có đáp án, đó là bản lĩnh của nhà quản lý. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI