Vĩnh biệt nhà giáo nhân dân Trần Thanh Đạm: Yêu thương gửi lại cho trần thế

04/11/2015 - 11:15

PNO - Thật lạ, có những bậc tài hoa, dù nhiều đóng góp cho đời nhưng lúc nào cũng khiêm tốn, nhún mình, không hề khoe khoang.

“Tôi thấy mình là một kẻ kém tài. Nếu có gì đáng kể chẳng qua là chút học vấn văn chương, tích lũy được qua nhiều năm tháng, cộng với lòng yêu say, ý thức sứ mệnh cao cả của văn học Việt Nam đối với dân tộc ta hôm nay và ngày mai”.

Trong tập Nhà văn Việt Nam hiện đại, PGS, NGND Trần Thanh Đạm đã khiêm cung tự bạch. Thật lạ, có những bậc tài hoa, dù nhiều đóng góp cho đời nhưng lúc nào cũng khiêm tốn, nhún mình, không hề khoe khoang. Thầy Trần Thanh Đạm là một trong những nhà văn, nhà sư phạm đáng quý như thế.

Vinh biet nha giao nhan dan Tran Thanh Dam: Yeu thuong gui lai cho tran the

PGS, NGND Trần Thanh Đạm sinh năm 1932 tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), từ năm 1949 tham gia kháng chiến, đồng thời viết văn, rồi chuyển sang nghiên cứu phê bình và chuyên tâm với nghề dạy học. Tin thầy qua đời lúc 8g15 ngày 2/11/2015 khiến nhiều thế hệ môn sinh thương tiếc, bùi ngùi.

Những năm tháng theo học tại trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, chúng tôi có dịp gặp thầy nhiều lần. Ấn tượng khó quên nhất ở thầy là giọng Huế nhỏ nhẹ, lúc tâm tình thường lắng nghe trước rồi mới từ tốn phát biểu.

Còn nhớ, dịp kỷ niệm 25 năm khoa Ngữ văn và báo chí (1975-2000), sau đó, thầy Huỳnh Như Phương có nhã ý mời một số thầy cô, cựu sinh viên ghé quán trong Thảo Cầm Viên tiếp tục ôn lại kỷ niệm. Tôi ngồi gần thầy Đạm nghe kể chuyện lúc vừa mới giải phóng thầy cùng các đồng nghiệp vào “tiếp thu” Đại học Văn khoa.

Trong câu chuyện thầy nhắc nhiều và bày tỏ sự kính phục đến các trí thức lớn của Sài Gòn như các GS Giản Chi, Nghiêm Toản, Lê Ngọc Trụ, Thanh Lãng… Thầy hào hứng kể lại câu chuyện đáng nhớ ngày 7/5/1975 các thầy hai miền lần đầu tổ chức kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Qua câu chuyện, tôi hình dung thế hệ PGS, NGND Trần Thanh Đạm là “gạch nối” của nền giáo dục hai miền Nam - Bắc, sau ngày thống nhất đất nước. Khi cùng mục tiêu về sự nghiệp trồng người, các trí thức dễ dàng tìm được tiếng nói chung và không còn khoảng cách.

Kể xong, thầy trầm ngâm: “Không phải bao giờ cuộc sống và con người cũng được trọn vẹn như lý tưởng, song những điều tốt đẹp như lý tưởng bao giờ cũng căn bản và lâu dài”. Trong ý thức đó, suốt một đời cầm bút và giảng dạy, PGS, NGND Trần Thanh Đạm đã miệt mài thể hiện trên từng trang viết.

Có thể kể đến Vấn đề giảng dạy tác phẩm văn học theo loại thể, Tục ngữ và vấn đề nguồn gốc văn chương, Sự chuyển tiếp của văn chương Việt Nam sang thời kỳ hiện đại… đã là tài liệu, giáo trình của nhiều thế hệ sinh viên.

Điều may mắn cho một nhà văn - nhà giáo, có thể kể ra nhiều nhưng chắc chắn không thể thiếu vai trò của người bạn đời. Thầy Trần Thanh Đạm có hậu phương vững chắc cùng nghề, cùng lý tưởng là nhà giáo, nhà nghiên cứu Phạm Thị Hảo.

Cô là dịch giả, biên soạn nhiều tác phẩm như Kinh thi tinh tuyển, Độc chiếm hoa khôi, Khái niệm lý luận văn học Trung Quốc… Đáng chú ý nhất, vợ chồng thầy đã tâm đầu ý hiệp khi dịch tác phẩm Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp một cách mẫu mực.

PGS-TS Đoàn Lê Giang cho biết, cả hai “đã căn cứ vào những tài liệu chú giải mới nhất của giới nghiên cứu Trung Quốc mà dịch toàn bộ và giới thiệu rất kỹ càng cuốn sách, có kèm theo nguyên tác chữ Hán rất tiện cho người nghiên cứu. Sách trở thành sách “gối đầu giường” của các nghiên cứu sinh, học viên cao học ngữ văn và các thầy cô giáo dạy văn”.

Khi hay tin thầy mất, thế hệ học trò chúng tôi lại nhớ đến phu nhân của thầy qua đời vào ngày 3/11/2012. Thầy ra đi sau cô đúng ba năm, một ngày. Nhớ lại chuyện này, PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh bùi ngùi cho biết, ngày đó, ít ai biết là thầy Trần Thanh Đạm có làm hai bài thơ tiễn biệt người vợ hiền, thủy chung gắn bó cả cuộc đời:

“Đến cuối cuộc đời tiễn biệt nhau/ Thôi em về trước, anh về sau/ Hẹn nhau ở phía bình minh ấy/ Lấp lánh phương trời một ánh sao”; “Một cuộc bình sinh đã vẹn tròn/ Sáng trên ngọn lửa một tâm hồn/ Yêu thương gửi lại cho trần thế/ Về với vợ hiền nhớ cháu con”.

Và bây giờ thầy cũng đã đi theo cô về “phía bình minh ấy”. Tang lễ PGS-NGND Trần Thanh Đạm tổ chức tại Nhà Tang lễ Thành phố 25 Lê Quý Đôn, động quan 6g ngày 5/11 (24/9 Ất Mùi), sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Thắp nén nhang và xin lấy câu thơ “Yêu thương gửi lại cho trần thế” vĩnh biệt thầy.

Lê Minh Quốc (Niên khóa 1983-1987)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI