Vì sao TP.HCM luôn có kết quả thi tiếng Anh cao nhất?

29/07/2019 - 09:30

PNO - TP.HCM tiếp tục là địa phương có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất với 5,79 điểm (mức trung bình chung cả nước là 4,36) tại kỳ thi THPT quốc gia 2019, lập cú “hat trick” 3 năm đứng đầu liên tiếp.

Địa phương này thường xuyên “ẵm” vị trí quán quân trong cuộc đua về tiếng Anh trong trường phổ thông, vì sao?

Quán quân bất biến

Phân tích kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019 cho thấy, TP.HCM xếp thứ 5/63 tỉnh, thành, không chỉ có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất cả nước (5,79 điểm) mà còn có môn toán đứng thứ hai và môn ngữ văn đứng thứ sáu.

Điểm bình quân môn tăng 24,5% so với năm 2018, tỷ lệ điểm trên 5 của các môn đều cao hơn từ 13,8% đến 33,48%. Kết quả này có được hẳn không chỉ nhờ “ăn may” bởi đây là năm thứ ba liên tiếp thành phố này có điểm trung bình tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia cao nhất cả nước. Cụ thể, năm 2017 điểm trung bình là 5,92 điểm, năm 2018 là 5,06 điểm, năm 2019 là 5,79 điểm. Đồng thời “giành” luôn vị trí số 1 về tỷ lệ thí sinh có điểm từ 8 trở lên.

 Trong khi số thí sinh cả nước có điểm thi dưới trung bình xấp xỉ 70% số thí sinh dự thi thì ngôi quán quân của môn này vẫn “bất biến”, vẫn là TP.HCM có kết quả cao nhất.

Trang bị hành trang hội nhập quốc tế cho học sinh

Giáo dục TP.HCM thuộc hàng năng động, nhất là giáo viên chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy và nhanh chóng tiếp cận cái mới. Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thành phố luôn tiên phong thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục. Không chỉ triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả và mở rộng chương trình giáo dục tiên tiến theo xu hướng hội nhập quốc tế, TP.HCM đặc biệt chú trọng mục tiêu phát triển năng lực cần thiết cho học sinh thời toàn cầu hóa. Đó chính là các năng lực đáp ứng đòi hỏi cao của thị trường lao động, phải biết tự học, có tư duy độc lập, mở rộng giao tiếp, biết hợp tác làm việc nhóm, sáng tạo và linh hoạt giải quyết vấn đề, đặt ra trong cuộc sống... Về năng lực chuyên môn, học sinh được quan tâm phát triển ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, tin học, thẩm mỹ, thể chất...

Khi được “bật đèn xanh” để dạy học theo các chủ đề tích hợp, liên môn, nhiều trường học và đội ngũ giáo viên ở TP.HCM đã chủ động sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Các hoạt động này không chỉ tăng hứng thú học tập, tạo đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh mà còn góp phần giảm tải chương trình, khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết - nhẹ về thực hành... “Nói đơn giản là chúng tôi dạy cho học trò biết cách học, có tư duy để biết vận dụng kiến thức, trao cho các em cái cần câu chứ không chỉ con cá”, cô Tâm Anh, giáo viên toán tại quận 5, cho biết.

Cách đây 20 năm, khi mà cả nước còn đang loay hoay với chương trình giáo dục phổ thông cũ, nhiều địa phương còn dạy tiếng Anh theo hệ 3 năm thì TP.HCM đã khai sinh ra chương trình tiếng Anh tăng cường từ bậc tiểu học. Theo đó, học sinh từ lớp Một trong trường công lập của thành phố được học tiếng Anh với thời lượng 8 tiết/tuần. Nhờ bước đột phá - đổi mới dạy và học tiếng Anh này, đến nay, đã có 94,5% học sinh lớp Một ở thành phố được học tiếng Anh ngay trong trường tiểu học. Nhờ chủ trương xã hội hóa giáo dục, học sinh ở các trường công lập có thể lựa chọn giữa đa dạng chương trình học tiếng Anh như tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tự chọn, chương trình tiếng Anh của bộ...

Vi sao TP.HCM luon co ket qua thi tieng Anh cao nhat?
Giờ học tiếng Anh và các môn khoa học với giáo viên nước ngoài

Để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông, từ năm học 2015-2016, TP.HCM thực hiện đề án “Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” (gọi tắt tiếng Anh tích hợp) tại các trường công lập trên địa bàn TP.HCM. Từ đây, học sinh được học 8 tiết/tuần các môn toán, khoa học và tiếng Anh với giáo viên người bản ngữ.

Và vấn đề cốt lõi là muốn nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông thì phải chuẩn hóa giáo viên theo chuẩn. Để thực hiện mục tiêu quan trọng này, TP.HCM có chính sách riêng về đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Anh trong trường phổ thông. Thời gian qua, thành phố đã quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để ngành giáo dục - đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh thành phố. 

 Thanh Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI