Vì sao mới vô lớp Một đã bị chê học dở?

21/09/2018 - 06:08

PNO - Với đà không thể kéo giảm sĩ số theo đúng điều lệ trường tiểu học là không quá 35 học sinh/lớp, vấn nạn cho trẻ học chữ trước khi vào lớp Một còn kéo dài, kéo theo nhiều hệ lụy.

Những trẻ chưa biết chữ trước thì thiệt thòi vì giáo viên không đủ thời gian, thậm chí không có giờ ra chơi, bị chê học dở…

Vi sao moi vo lop Mot da bi che hoc do?
Chương trình nặng khiến nhiều cha mẹ phải cho con học chữ trước khi vào lớp Một

Giờ ra chơi phải ngồi rèn chữ

Năm nay, bé Thư vào lớp Một tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.7, TP.HCM). Dù không cho con học trước chương trình, nhưng chị Mỹ, mẹ bé, cũng có sự chuẩn bị cần thiết khi đăng ký cho tham gia khóa học hè ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi của quận để vừa vui chơi, vừa làm quen  với nét chữ, con số. Tuy nhiên, chỉ hai tuần sau khai giảng, chị lại bắt đầu rối với việc học của con.

Cho rằng cháu viết không đạt yêu cầu, vì đa số các bạn trong lớp đều đã viết rất đẹp nên cô giáo thường xuyên bắt bé Thư ở lại lớp để rèn viết vào giờ ra chơi. Chị Mỹ cho biết, lớp Thư có hơn 40 học sinh, trong đó chỉ khoảng một phần tư lớp học “chậm” như Thư. Đã hai tuần trôi qua nhưng rất ít ngày cháu được cô giáo cho ra chơi nên chị Mỹ nóng ruột. Chị cảm thấy ân hận về quyết định trước đây của mình. Vì muốn con được chơi đùa thoải mái ở tuổi mầm non mà giờ đây con phải ngồi luyện chữ. 

Trường hợp của chị Tuyết Minh, mẹ bé Bình An (Q.Bình Tân), cũng tương tự. Chị cho biết, liên tục bị cô giáo phàn nàn chuyện bé An học chậm, không theo kịp các bạn vì chị không cho con học chữ trước. Tệ hại hơn, bị cô giáo giữ lại lớp để kèm thêm vào giờ ra chơi đã khiến An tự ti, nghĩ là mình yếu kém thật. Những ngày đầu năm học, cháu háo hức đến trường bao nhiêu thì bây giờ lại tìm đủ lý do để trì hoãn việc đến lớp vì bị các bạn chê học dở.

Chia sẻ những lo lắng của mình với một người bạn làm giáo viên để tìm hướng khắc phục, chị Tuyết Minh càng phân vân hơn khi “người trong ngành” quy lỗi do chị không cho con học trước: “Phần đông học sinh trong lớp đã biết chữ trước thì giáo viên chỉ dạy lướt qua rồi cho bài tập thôi. Không thể ép họ chỉ vì một vài học sinh chưa biết mà chậm được đâu. Rất khó cho họ”.

Nhiều năm đứng lớp, cô Hồ Hoàng Điệp - giáo viên tiếng Việt bậc tiểu học tại Trường quốc tế Canada (Q.7) - chia sẻ: “Đồng ý là có những bé có khả năng nổi trội hơn so với các bạn cùng lớp, một phần là do gia đình có điều kiện quan tâm con nhiều hơn hoặc cho con đi học trước. Nhưng không thể mặc định cả lớp đều biết để giáo viên “lướt qua” kiến thức hoặc gây áp lực với những trẻ chưa biết. Nhiều phụ huynh nóng lòng khi con chậm hơn các bạn, nhưng tôi luôn trấn an họ rằng, ở độ tuổi này, bé chỉ mới bước đầu làm quen với mặt chữ. Việc làm quen này cũng cần một quá trình chứ không thể ngày một ngày hai, nên phụ huynh không phải lo lắng”.

Chương trình nặng, sĩ số gấp rưỡi

Cô Lê Thị Ngọc Hạnh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Long Trường, Q.9, TP.HCM - cho biết: theo quy định của Bộ GD-ĐT, trẻ vào lớp Một sẽ được học từ đầu, từ nét cơ bản cho đến âm “e” đầu tiên. Nhưng thực tế, trẻ nào được học trước thì mới bắt nhịp được. Bất cập ở chỗ, giá như một lớp có 35 học sinh như quy định thì dù học sinh không biết gì, giáo viên vẫn sẽ dạy rất khỏe. Trong khi đó, sĩ số lớp luôn gấp rưỡi (trung bình 50 học sinh), mà chương trình quá nặng, yêu cầu trong một tiết, học sinh phải biết viết hai chữ cái “e”, “b”. Với những học sinh chưa cầm bút, các em chỉ có thể đồ chữ chứ chưa thể viết được. Khó có thể tiếp cận, các em sẽ cảm thấy nặng nề, chán nản với chuyện học. 

“Nhưng phụ huynh cũng không nên hoang mang, mà nên biết rằng, các con chưa được học chứ không phải “chậm” hơn các bạn. Đối với những lớp học quá lệch như vậy, nhiệm vụ của giáo viên là vẫn phải dạy từ đầu, nhưng cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong quá trình giúp trẻ rèn luyện thêm”, cô Hạnh chia sẻ.

Cũng phải thấy rằng, sĩ số lớp quá đông và chương trình nặng, thì rất khó để khắc phục tình trạng học sinh học trước chương trình. Trong khi đó, việc học trước chương trình gây nhiều hệ lụy như: làm cho trẻ chủ quan, ỷ lại vì cái gì cũng biết rồi, ảo tưởng rằng mình giỏi hơn các bạn, không tìm thấy điều gì mới mẻ khi đến trường. Học chữ trước còn đẻ ra vấn nạn dạy thêm học thêm đang tràn lan hiện nay.

Không phủ nhận rằng, đối với trẻ vào lớp Một, việc biết trước âm (chứ không phải biết đọc, biết viết) rất có lợi. Nhưng chỉ nên dừng lại ở các trò chơi kích thích khả năng học tập, tìm tòi ở trẻ. Điều cần thiết là làm sao để con trẻ cảm nhận được niềm vui mỗi ngày đến lớp, nơi các con khám phá được những điều mới lạ. Phải như thế thì con mới tự tin, đón nhận kiến thức, nuôi dưỡng sự sáng tạo. 

Thu Lê 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI