Vào lớp Mười sao mà khổ thế!

07/05/2018 - 06:00

PNO - Với gần 90.000 học sinh (tăng khoảng 20.000 so với năm ngoái) đăng ký thi tuyển vào lớp Mười cho hơn 65.000 chỉ tiêu, nghĩa là có khoảng 25.000 học sinh sẽ bị văng ra khỏi các trường THPT công lập.

Khoảng 90.000 học sinh lớp Chín tại TP.HCM sẽ “đấu” với nhau để giành 65.000 chỗ ngồi lớp Mười ở các trường THPT công lập. Như vậy, năm nay có đến 25.000 học sinh sẽ bị loại. Điều này đang làm hàng trăm ngàn phụ huynh, học sinh rối bời vì không biết mình đăng ký các nguyện vọng đã hợp lý, an toàn hay chưa.

Căng như… thi vào lớp Mười

Chị Kim Thủy, phụ huynh lớp Chín Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), lo lắng: “Lần đầu phải “đối phó” với bài toán chọn nguyện vọng (NV), tôi lo lắng, bối rối nên ghi sai hết 6 phiếu đăng ký. Hai mẹ con bàn tính, rồi nhờ người tư vấn chọn trường sao cho trúng.Đã dự tính trong đầu là trường này gần nhà, trường kia có sân rộng… nhưng đến khi giáo viên chủ nhiệm phát cho bảng thống kê điểm chuẩn của các trường, tôi lại hoảng vì những trường mình nhắm đến đều có điểm cao chót vót, không thể chọn cùng lúc, mà phải phân ba NV ra theo tốp trường”.

Vao lop Muoi sao ma kho the!
Học sinh TP.HCM dự thi lớp Mười năm 2017

Vừa qua ải đăng ký NV, các bậc cha mẹ có con chuẩn bị vào lớp Mười lại phát hoảng vì tỷ lệ chọi vào lớp Mười trường công năm nay quá khủng khiếp. Trường nào cũng có số đăng ký và tỷ lệ “chọi” tăng cao, đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh càng lớn. 

“Theo số liệu đăng ký Sở GD-ĐT TP.HCM công bố, tôi thấy lo quá. Năm rồi, Trường trung học thực hành Sài Gòn chỉ lấy 24 điểm, Trường THPT Trưng Vương điểm cũng giảm, nên con tôi đăng ký vào. Ai dè năm nay, lượng đăng ký ở cả hai trường đều tăng bất ngờ. Trường THPT Trưng Vương có 1.782 thí sinh đăng ký cho 630 chỉ tiêu NV1, tỷ lệ 1 chọi 2,83; Trung học thực hành Sài Gòn 1 chọi 2,05. Mẹ con tôi chưa biết tính sao ở đợt đổi NV tới”, cô Hà Thị Vân, phụ huynh tại Q.3, than thở.

Áp lực cạnh tranh vào lớp Mười công lập tại TP.HCM năm nay cao còn do đây là lứa tuổi “dê vàng”. Với gần 90.000 học sinh (tăng khoảng 20.000 so với năm ngoái) đăng ký thi tuyển vào lớp Mười cho hơn 65.000 chỉ tiêu, nghĩa là có khoảng 25.000 học sinh sẽ bị văng ra khỏi các trường THPT công lập. Con số này đủ sức ám ảnh bất cứ phụ huynh nào. Vì vậy, sự lựa chọn đăng ký NV càng trở nên căng thẳng. Càng cận ngày thi, học sinh càng luyện thi điên cuồng.

Theo số liệu Sở GD-ĐT vừa công bố, tỷ lệ chọi vào lớp Mười chuyên ở trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Nguyễn Thượng Hiền tăng rất cao: 1 chọi 4,39 (năm trước, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền: 1 chọi 4,06; Trường THPT Lê Hồng Phong: 1 chọi 3,9). Các trường còn lại có tuyển lớp chuyên như THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Gia Định, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hữu Huân cũng có tỷ lệ chọi tăng đáng kể.

Ở phân khúc “đua” lớp Mười thường, hầu hết các trường THPT cũng đều có số thí sinh đăng ký vượt xa chỉ tiêu tiếp nhận, đẩy tỷ lệ chọi tăng đột biến. Ngay cả những trường ở vùng ven, sự cạnh tranh cũng không kém căng thẳng: THPT Lý Thường Kiệt (H.Hóc Môn): 1 chọi 2,22; THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức): 1 chọi 2,95; THPT Thủ Đức: 1 chọi 2,25...

Nên đổi hay không đổi nguyện vọng?

Đây là câu hỏi mà phụ huynh gửi đến Báo Phụ Nữ TP.HCM nhiều nhất, sau khi có số liệu thống kê NV đăng ký từ Sở GD-ĐT. Phụ huynh, học sinh có cơ hội điều chỉnh NV từ ngày 4 đến 10/5. Nhưng cơ hội cũng dễ trở thành “dao hai lưỡi” nếu tính toán sai. Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng đã có rất nhiều trường hợp “sụp hố” từ cơ hội điều chỉnh NV này.

Nhà giáo Trần Mậu Minh - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, chuyên gia tư vấn tuyển sinh lớp Mười - dẫn chứng: những năm trước, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có điểm chuẩn thấp hơn Trường THPT Bùi Thị Xuân. Thấy vậy, phụ huynh lại đổ dồn đăng ký vào Nguyễn Thị Minh Khai, khiến điểm chuẩn vào trường này tăng cao, vượt qua Bùi Thị Xuân.

Theo ông Minh, chuyện đổi hay không đổi NV không đơn giản, vì phụ huynh không đoán được người khác có như mình hay không. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên căn cứ vào thực lực của con mình (điểm thi học kỳ II) gia giảm khoảng 15% để chọn trường, không nên chạy theo xu hướng.

Tỷ lệ chọi càng cao thì tính cạnh tranh càng cao. Nhưng mọi sự tính toán lúc này đều chỉ là dự báo tạm thời, bởi việc đăng ký NV - chọn trường trước khi thi - đã đặt người học vào sự lựa chọn đầy may - rủi. Đôi khi, trường có rất đông thí sinh đăng ký nhưng chất lượng thí sinh không cao thì điểm chuẩn cũng không cao, hoặc tình huống ngược lại. Quy chế tuyển sinh lớp Mười tạo ra sự hên - xui mà đến các chuyên gia tuyển sinh cũng không thể lường hết được. Nếu “chạy” theo con số mà ngành giáo dục công bố thì rất dễ sai, dẫn đến rớt oan.

Một giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10) nhắc nhở học sinh: “Với tình hình thí sinh tăng như năm nay, hiển nhiên tỷ lệ chọi hầu hết các trường tăng, chạy chỗ nào cũng không thoát, tốt nhất vẫn nên dựa vào sức học và điểm chuẩn của từng trường mà đăng ký. Ở những trường tỷ lệ chọi quá cao như THPT Nguyễn Thượng Hiền thì nên xem xét lại, nếu không thật sự giỏi thì nên đổi”.

Nhiều người hy vọng sẽ có thêm nhiều trường công lập hơn để học sinh sau khi học xong lớp Chín sẽ chuyển cấp nhẹ nhàng, có thể vào bất kỳ trường nào mình mong muốn mà không phải cân não chọn trường, đổi NV, luyện thi... Nhiệm vụ phân luồng hay hướng nghiệp vào trường nghề cũng là để người học tự nguyện chứ không phải vì rớt công lập rồi mới bắt buộc đi vào. Ví như tình hình tuyển sinh năm nay, dù có sự chọn lựa thế nào thì kết quả “không được vui” cũng sẽ đến với 25.000 học sinh lớp Chín.

“TP.HCM đã hoàn thành phổ cập trung học. Điều này có nghĩa học sinh hoàn thành lớp Chín mặc nhiên sẽ có chỗ học ở trường công lập. Chỉ những trường chuyên, trường năng khiếu mới cần thi tuyển nhằm tìm người phù hợp. Người học có thể rẽ sang các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường tư hoặc học nghề nếu như họ thấy mình phù hợp, tự nguyện chọn chứ không phải kiểu phân luồng là ép chạy vào cái luồng của mình đã định. Điều này chắc còn phải chờ rất lâu”, nhà giáo Trần Mậu Minh phân tích.  

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI