'Uber' trong giáo dục: Bao giờ?

25/02/2019 - 08:42

PNO - Nhà trường công nhận sinh viên có thể “nhảy” sang trường khác, nước khác học là xu hướng giáo dục chia sẻ thú vị và có lợi. Nhưng hình thức này khó phát triển bởi tâm lý lo sợ cạnh tranh, quay lưng của người học.

Lợi người học, tiện nhà trường

Mới đây, hai trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và ĐH Kinh tế TP.HCM “bắt tay” công nhận và chia sẻ nguồn lực giáo dục qua lại. Trước mắt, cho phép sinh viên ngành quản lý công nghiệp khóa 2019 của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có thể đăng ký học các môn trong chương trình đào tạo tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Những năm tới, các môn học về kinh tế và quản lý chương trình đào tạo khối ngành kỹ thuật công nghệ, sinh viên trường này sẽ được phép học ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nếu muốn. Ngược lại, khi Trường ĐH Kinh tế TP.HCM mở các ngành có sự kết hợp giữa hai lĩnh vực kinh tế và công nghệ, sinh viên cũng được phép học tại trường còn lại. 

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng ký liên kết với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong đào tạo các ngành kỹ thuật y sinh, chẩn đoán hình ảnh; công nhận tín chỉ, sử dụng chung phòng thí nghiệm, học liệu số và nghiên cứu khoa học trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo và Big Data trong lĩnh vực y sinh… Những cuộc bắt tay đầu tiên này mong muốn mở ra kỷ nguyên chia sẻ trong giáo dục. 

Việc chia sẻ nguồn lực vốn được thực hiện rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, điển hình là mô hình rất thành công của Uber. Thế nhưng, việc này còn rất hạn chế trong lĩnh vực giáo dục, nhất là tại Việt Nam. Đây chỉ mới là những cái “bắt tay” nhỏ lẻ.

'Uber' trong giao duc: Bao gio?
Sinh viên được hưởng lợi nhiều từ giáo dục đại học chia sẻ

Là đơn vị tiên phong xu hướng này, phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết: xu thế sẻ chia trong giáo dục ĐH xuất phát từ xu hướng các nền kinh tế trên thế giới đang dịch chuyển theo hướng dịch vụ dùng chung để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực, đặc biệt là tài sản, trong đó có tài sản hữu hình và cả thời gian của con người, như: Uber, Grab, Lyft (dùng chung xe), Airbnb (dùng chung nhà)... Giáo dục cũng vậy, có thể tối ưu nhiều nguồn lực nếu chịu dùng chung.

Ông Dũng đưa ra ví dụ, phòng thí nghiệm vật lý của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM rất hiện đại nhưng số lượng người dùng ít, sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nếu có nhu cầu có thể qua sử dụng. Các sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM nếu nhà gần Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, có thể sang đây học môn chính trị đại cương…

Là người muốn thúc đẩy xu hướng này trong giáo dục ĐH, phó giáo sư Dũng chia sẻ: “Làm như vậy là vì sinh viên. Trong bối cảnh tự chủ ĐH, học phí các trường tăng rất nhanh khiến đa số sinh viên gặp khó khăn. Sự ra đời của giáo dục ĐH chia sẻ sẽ giúp giảm chi phí đào tạo, tiến tới giảm học phí, giúp sinh viên bớt khổ”.

Với cơ chế linh hoạt trong việc chọn nơi tích lũy tín chỉ, nếu việc chia sẻ này được mở rộng ở nhiều trường hơn sẽ giúp sinh viên tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian đi lại.

Nhiều giảng viên sẽ… sợ

Các trường có thể học hỏi lẫn nhau

'Uber' trong giao duc: Bao gio?

Mỗi trường có một thế mạnh, vì thế việc hợp tác, công nhận qua lại sẽ giúp học hỏi lẫn nhau và trên hết là tiện lợi cho người học. Trường chúng tôi chưa hợp tác như vậy với trường trong nước nhưng đã làm với hai trường ĐH Bangkok (Thái Lan) và ĐH Mở của Malaysia. Sinh viên đăng ký học 1-2 học kỳ ở trường bên đó để rèn luyện ngoại ngữ, môi trường mở và tích lũy những môn học mà họ thích. Tất nhiên, đó là những môn tương thích với chương trình đào tạo của trường, được trường công nhận. Quan trọng là các trường trong nước có chịu ngồi lại và hợp tác như thế nào thôi. 

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Tại hội nghị hội đồng hiệu trưởng khối ngành sư phạm diễn ra gần đây tại TP.HCM, khi đối chiếu lại chương trình đào tạo giữa các trường thấy sự trùng lắp rất nhiều, các nhà giáo dục ý thức được rằng, Uber hóa là điều mà giáo dục ĐH phải làm để mang lại tiệc ích cho người học và cho chính các trường. Nhà trường sẽ tiết kiệm chi phí và thời gian nhờ sử dụng chung nguồn lực: con người, học liệu số, phòng học và đặc biệt là các phòng thí nghiệm có kinh phí xây dựng và duy trì hoạt động đắt đỏ. Nếu chịu dùng chung, nhà trường sẽ giảm chi phí đầu tư, chi phí đào tạo, dẫn đến giảm học phí.

Thực tế, cuộc cách mạng số đang tạo ra những công nghệ mới trong giảng dạy, phù hợp để thực hiện kiểu Uber hóa giáo dục, cho phép người học được học bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Công nghệ thông tin là công cụ hỗ trợ đắc lực cho phép các trường chuyển đổi và công nhận tín chỉ mà sinh viên tích lũy một cách dễ dàng.

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhấn mạnh: khi lấy nhu cầu người học làm gốc, mọi sự kết nối nhẹ nhàng, chất lượng và hiệu quả. Sinh viên các trường sẽ lựa chọn học phần, giảng viên, thưởng thức phòng lab, thư viện của trường bạn trong hệ thống liên kết. Đây là việc làm cần thiết. 

Cũng như cuộc “đụng độ” giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, hình thức chia sẻ nguồn lực giữa các trường sẽ làm thay đổi môi trường, hình thức giáo dục, tạo ra những cuộc cạnh tranh khác giữa các trường, giữa “giảng viên thời công nghệ” và “giảng viên truyền thống”. Chính điều này khiến nhiều người e dè. 

Phó giáo sư Dũng chỉ ra: sẽ xảy ra sự cạnh tranh quyết liệt, nhất là giảng viên giữa các trường. Họ sợ sự quay lưng của người học với giờ dạy của mình. Sự cạnh tranh này làm ảnh hưởng tâm lý của lãnh đạo - là rào cản đối với giáo dục ĐH chia sẻ. Bởi vì, lãnh đạo các trường sợ giảng viên phản ứng nên vẫn muốn khép kín trong đơn vị mình, không dám hợp tác.

Thêm nữa, những trường yếu thế hơn sẽ sợ mất nguồn thu sang trường khác khi sinh viên được tự do đăng ký học ở trường khác. “Vì thế, rất khó để mở rộng mạng lưới trở thành đại trà nhưng tôi vẫn sẽ theo đuổi triết lý này. Nếu mở rộng chia sẻ được với các trường nước ngoài thì người học càng được lợi”, ông Dũng nhấn mạnh. 

Rào cản cho xu hướng giáo dục chia sẻ theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, là: hiện nay, ngoài các trường công chưa tự chủ thì phần lớn trường ĐH đều vận hành dựa vào nguồn thu chính là học phí của sinh viên. Nguy cơ bị mất nguồn thu nếu áp dụng giáo dục chia sẻ là rất cao. Chưa kể, mức học phí giữa các trường không đồng đều để thực hiện.

Quan trọng nhất là chương trình và chuẩn đào tạo thiếu tương thích, sự thích ứng của người học cũng là rào cản. “Ví dụ ngay trong cùng hệ thống giáo dục của Tập đoàn Giáo dục HUTECH, hai trường ĐH theo hai chuẩn khác nhau, một là chương trình đại trà, trường còn lại theo chuẩn song ngữ. Nếu đem sinh viên đại trà sang học chương trình song ngữ thì chưa chắc các em theo kịp. Rào cản khách quan cho mô hình này còn rất nhiều”, ông Quốc Anh chỉ ra. 

Tuy vậy, rào cản để thực hiện Uber hóa giáo dục có thể được khắc phục nếu cơ chế chính sách theo kịp với sự phát triển của giáo dục ĐH. Điều quan trọng hơn cả là sự thừa nhận của tư duy để mạnh dạn bước ra môi trường giáo dục mở có sự cạnh tranh tự do. Sự cạnh tranh không chỉ đến từ đồng nghiệp trong trường, trong nước mà còn đến từ các nước khác, thậm chí từ những khóa MOOCs (khóa học thông qua internet không giới hạn số người tham dự). Nếu vì người học, thay vì người thầy hay nhà quản lý, thì tất cả những khó khăn này chỉ là chuyện nhỏ. 

Năm khó khăn với Uber hóa giáo dục

Tuy có nhiều lợi ích nhưng phó giáo sư Đỗ Văn Dũng cho rằng: việc triển khai mô hình giáo dục ĐH chia sẻ sẽ gặp nhiều khó khăn. Một là, các trường chậm thay đổi tư duy. Hai là, giảng viên sợ áp lực cạnh tranh từ các trường khác khiến giảm thu nhập. Ba là, mức độ tự chủ của các trường khác nhau dẫn đến mức học phí khác nhau. Bốn là, mức độ liên thông giữa chương trình đào tạo của các trường thấp khiến việc xác định môn học tương đương gặp khó khăn. Năm là, cơ sở vật chất, trình độ giảng viên của các trường vẫn còn chênh lệch khá lớn. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI