Cha mẹ ngừng áp đặt, hãy tin tưởng con!

26/04/2017 - 10:25

PNO - TS Nguyễn Thị Bích Hồng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ ra rằng cha mẹ thường mắc lỗi áp đặt suy nghĩ lên con trẻ, dè bỉu khi con học kém…

Đó là những chia sẻ của TS Bích Hồng tại hội thảo "Dạy con tư duy độc lập và sống có trách nhiệm" do Học viện Anh quốc vừa tổ chức. Đây là lý do khiến đứa trẻ mất dần sự tự tin, tư duy độc lập và đẩy trẻ vào lối sống ỷ lại, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ Việt còn thường xuyên mắc “lỗi” chiều chuộng con quá mức, thay con làm hết mọi việc. Lúc nào cũng xem con còn bé nhỏ, không tin tưởng giao việc gì cho con ngoài chuyện học.

TS Nguyễn Thị Bích Hồng cho rằng hiện nay có rất nhiều bé thiếu kỹ năng tư duy độc lập và sống thiếu trách nhiệm. Điều này có nhiều nguyên do gia đình, môi trường sống và cả nhà trường. Về phía gia đình, nhiều cha mẹ chỉ chú trọng cho con học, ít cho con chơi, không giao việc nhà cho con, ít cho con chịu trách nhiệm. Như vậy rất bất lợi cho con. Nhà dơ đã có người khác quét, phòng bừa bộn đã có osin dọn dẹp, chuyện lớn hơn đã có cha mẹ lo. Trẻ không tự làm gì cả. Đến việc học, mẹ cũng năn nỉ: “Tới giờ đi học bài dùm mẹ đi con”... Chính những việc nhỏ tích cóp dần tạo cho trẻ thói quen ỷ lại.

Trong khi đó, rất nhiều giáo viên, phụ huynh chưa hiểu tâm lý học sinh, áp đặt suy nghĩ của người lớn khiến trẻ không dám đưa ra chính kiến của mình. Trong giờ học truyện Thạch Sanh Lý Thông, khi cô giáo hỏi các em thích nhân vật nào, hầu hết học sinh sẽ thích Thạch Sanh vì đó là người tốt, ghét Lý Thông bởi đây là kẻ xấu. Tuy nhiên có học sinh cho biết mình thích Lý Thông. Cô giáo cô liền “nhắc nhở”: cả lớp thích Thạch Sanh sao em lại thích Lý Thông, Lý thông là người xấu. Con nghĩ lại đi, giờ thì thích ai? Học sinh sau đó gãi đầu lí nhí: Dạ, con thích Thạch Sanh.

“Thay vì hỏi vì sao lại thích Lý Thông để học sinh có thể trình bày suy nghĩ của mình. Nếu quan điểm đó chưa đúng thì uốn nắn thì rất nhiều giáo viên không tôn trọng quan điểm khác biệt của HS, “bóp chết” ngay khả năng sáng tạo của các bé, làm theo số đông, theo áp đặt của cô”.

 Người lớn cũng bị thành tích cuốn theo vì thế o ép con học để đạt điểm cao, và phải học vẹt theo những điều có sẵn. Điều nãy dẫn đến hệ lụy trẻ không dám phát biểu ý kiến, không dám bảo vệ chính kiến, thiếu quyết đoán, để người khác quyết định thay” - bà Hồng nói thêm.

Là người trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau, ông Christian Routin, Hiệu trưởng Học viện Anh quốc cho rằng, yếu tố văn hóa có tác động rất lớn đến việc giáo dục cũng như hình thành tính cách con người. Ở Phương Đông, nếp văn hóa người nhỏ phải tôn trọng người lớn ăn sâu vào cả ứng xử hàng ngày. Ở nhà, ba mẹ nói gì con cái thường phải nghe theo. Tới trường, thầy nói gì học sinh ít khi phản biện. HS thông minh, học giỏi nhưng ít khi dám nghĩ và làm khác. Đến khi đi làm ở công ty nước ngoài mới thấy sự khác biệt rõ rệt. Ở đó mỗi người đều có suy nghĩ riêng, tự đưa ra ý kiến của mình, khả năng quyết định, giải quyết vấn đề được đề cao trong khi các nhân viên người Việt lại bỡ ngỡ với việc này.

Để hình thành tư duy độc lập và trách nhiệm ở trẻ, TS Nguyễn Thị Bích Hồng cho rằng muốn con có tư duy độc lập là cả một quá trình, điều này không dễ dàng.

Hãy lắng nghe ý kiến của con, trân trọng suy nghĩ của con, đừng coi thường và vội dè bỉu ý kiến của con. Trẻ con cần sống với cảm xúc và mơ ước của mình. Chúng ta hướng dẫn cách thể hiện chứ không cấm đoán. Trẻ phát biểu có gì đúng, hay thì chúng ta phải khen ngợi. Khi con có thắc mắc hãy chia sẻ ý kiến của mình và con có thể thảo luận cùng nhau. Khi con làm sai, đạt điểm kém cũng không vội chê bai mà hãy động viên và đồng hành cùng con tiến bộ. Bên cạnh đó, hãy để con có trách nhiệm bằng cách giao việc cho trẻ, chẳng hạn việc chăm sóc bản thân, làm việc nhà...

“Tôi có gặp một tình huống thực tế. Một đứa trẻ đi ăn sáng cùng cha mẹ và bé nhất quyết không ăn. Che mẹ vẫn gọi đồ ăn và vừa ăn, vừa khen ngon. Một lúc sau bé lại đòi ăn nhưng cha mẹ không cho bé ăn và giải thích rằng, lúc nãy con đã nói không ăn nên hãy ngồi đợi chờ ba mẹ ăn xong rồi về.

Hãy tập cho bé tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình từ nhỏ. Dạy con chịu trách nhiệm với bản thân, biết bảo vệ phẩm giá của mình; có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Có thể trẻ sẽ thất bại những lần đầu nhưng đó cũng là một bài học đáng giá giúp trẻ trưởng thành hơn”, TS Hồng đưa ra lời khuyên.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI