Từ sai lầm của Tiến Dũng: Phải đón nhận chỉ trích mới trưởng thành

03/12/2019 - 12:48

PNO - Cho đến trước trận đấu gặp U22 Indonesia, Bùi Tiến Dũng đã mắc tới bốn sai lầm dẫn tới bàn thua ở các đội bóng, các cấp độ mà thủ thành này tham gia (chưa kể những sai lầm không phải trả giá).

Tôi đồng ý với tác giả Gia Tuệ trong bài Từ sai lầm của Bùi Tiến Dũng nghĩ về thất bại của nền giáo dục về việc ai cũng có thể mắc sai lầm. Cả việc tránh vùi dập để những người mắc sai lầm có cơ hội làm lại, phát quang những tố chất tiềm tàng bên trong bản thân họ. Song, nếu đặt trong trường hợp Bùi Tiến Dũng, tôi thấy điều này đúng nhưng chưa đủ.

Bốn sai lầm ấy lần lượt ở vòng loại AFC Cup 2018 - giải đấu mà sau này Dũng trở thành người hùng - U23 Việt Nam đã suýt bị loại ngay từ vòng gửi xe bởi sai lầm của Dũng dẫn tới bàn thua Hàn Quốc ở sân Thống Nhất. Tình huống đó, Dũng bắt hụt bóng. Rất may, Việt Nam vào vòng chung kết nhờ đội nhì có thành tích tốt.

Tu sai lam cua Tien Dung: Phai don nhan chi trich moi truong thanh
Câu "Tôi sai đã có các bạn sửa" lẽ ra không nên được nói ra dễ dàng như vậy

Tại chung kết cúp Quốc gia 2018 giữa Thanh Hóa và B. Bình Dương (lúc này, Dũng ở đội Thanh Hóa), Tiến Dũng đã mắc tới 2 sai lầm dẫn tới 2 bàn thua của đội bóng xứ Thanh. Tình huống đầu, Dũng phán đoán sai hướng tạt bóng dẫn đến bàn thua. Đội Thanh Hóa rút ngắn tỉ số. Để rồi, Tiến Dũng lại mắc sai lầm bằng việc… chuyền bóng vào chân đội bạn dẫn tới thất bại cuối cùng của Thanh Hóa.

Hay như trận chung kết Liên Khu vực AFC Cup 2019, thời điểm này Dũng bắt cho CLB Hà Nội, Dũng đã đứng sai vị trí để để đối thủ gỡ hòa trên sân nhà dẫn tới việc đội nhà bị thua vì luật bàn thắng sân khách.

Không thể phủ nhận sự thăng hoa của Dũng ở U23 AFC Cup tại Trung Quốc đóng góp một phần không nhỏ cho thành công của đội tuyển U23 năm đó. Song, cái mác “người hùng Thường Châu” không thể mãi là tấm lá chắn cho những sai lầm của thủ môn này được. Nhất là khi sai lầm lặp đi lặp lại, liên tiếp ở các trận đấu quan trọng. Điều này không chỉ gây tổn hại tới những đội bóng Dũng tham gia mà còn ru ngủ chính bản thân Dũng khiến cậu khó phát triển.

“Tôi sai đã có các bạn sửa”, câu nói của Dũng đưa ra ngay sau trận đấu, lẽ ra, không nên là một câu nói dễ dàng như vậy.

Và người hâm mộ có quyền lo lắng rằng SEA Games năm nay, Bùi Tiến Dũng có lặp lại những nỗi ám ảnh về thủ môn như những mùa SEA Games trước không? Nhất là lần này, U22 đang có trong tay mọi yếu tố để đoạt tấm HCV lịch sử. Và cũng lần này, Dũng đã mắc hai sai lầm trong trận gặp U22 Indonesia: 1 pha dẫn đến bàn thua, 1 pha gây nguy hiểm nhưng không bị thủng lưới.

Tôi vẫn tin, Dũng cần được nghe những lời chỉ trích xây dựng về mình (vẫn biết lời chỉ trích thường khó nghe hơn những lời tung hô kiểu “thủ môn quốc dân”). Có hiểu những điều chưa tốt của bản thân mà đối măt, hoàn thiện nó mới là đích của giáo dục.

Còn việc tốt khen, xấu… lờ đi không bao giờ giúp phát triển con người. Ngược lại, nó là biểu hiện của bệnh thành tích. Mà bệnh thành tích không bao giờ giúp học sinh phát triển được. Nói như lời nhà thơ Nguyễn Duy, nó chỉ làm “sự thật hôn mê - ngộ độc ca ngợi”, mà thôi.

Tác giả Gia Tuệ có nói tới việc ông Park đã nhận trách nhiệm về phần mình và toàn đội thay vì chỉ đổ lỗi cho một mình Tiến Dũng như một bài học sư phạm. Vấn đề này, tôi không đồng ý. Bản thân mỗi HLV có 2 vai trò: thứ nhất là chiến tướng; thứ 2 là thầy.

Ông Park là người luôn nhắc về biến số và cân đong đo đếm các biến số trên sân để đem lại kết quả có lợi cho đội nhà. Nên việc ông nhận trách nhiệm này là việc một “chiến tướng” nhận lỗi của mình và ban huấn luyện (BHL) khi để Tiến Dũng (với những ưu nhược điểm mà BHL đã biết) đứng trước cầu môn. Khi biến số bất lợi diễn ra, ông nhận lỗi đã về tính toán của bản thân cũng như những trợ lý. Đó là động thái chuyên môn.

Nếu ông Park - dưới vai trò và trách nhiệm của người cầm quân - chọn Dũng hay không chọn Dũng hôm nay đều không lạ. Ông có những tính toán riêng, ngắn hạn và dài hạn. Ngay cả việc Dũng được ra sân và tỏa sáng hôm nay cũng là điều có thể xảy ra. Có điều, đó là câu chuyện của chuyên môn liên quan tới chiến thuật, tính toán xác suất. Nó không phải sư phạm. 

Trường hợp Thành Chung ra ôm động viên Dũng sau khi đã sửa chữa xong sai lầm của đồng đội, tôi đồng ý rằng đó là vai trò giáo dục của ông Park. Bởi các cầu thủ Việt (nhất là những cầu thủ trẻ) dưới thời ông Park luôn có tinh tập thể, hướng về đồng đội rất cao. Điều này được ông Park truyền đạt qua các buổi tập, sinh hoạt cùng cầu thủ.

Ngoài việc chê trách giúp Dũng trưởng thành thì Dũng cũng cần quen với môi trường thể thao đỉnh cao ở một môn được kỳ vọng lớn. Đó là môi trường vinh quang và khắc nghiệt mà mọi thành công đều được ghi nhận xứng đáng và mọi sai lầm đều phải trả giá rất đắt. Nếu nhìn sang đội tuyển bóng đá nữ, thắng - thua đều không được khán giả chú tâm thì sẽ hiểu rằng được người xem kỳ vọng cũng là may mắn rất lớn.

Dũng đã từng được tung lên mây, trở thành gương mặt vàng để đóng quảng cáo, vậy việc sai lầm và bị chê trách từ truyền thông và người hâm mộ là chuyện dễ hiểu. Đó là hai mặt của đồng xu. Dũng đã góp mặt ở đội bóng gồm các hảo thủ số 1 quốc gia lứa tuổi dưới 22, nên trên cao lắm gió là lẽ thường.

Hôm nay, đội tuyển lại thi đấu trận đấu quan trọng gặp U22 Singapore. Ai cũng mong các cầu thủ có thể thi đấu tốt nhất có thể để đạt kết quả có lợi. Cá nhân tôi cũng vậy. Và tôi còn mong những sai lầm cũ sẽ mãi cũ khi cầu thủ mắc lỗi học được bài học từ sai lầm thay vì chỉ lo “xử lý truyền thông”.

Phạm Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI