Từ kiến trúc sư trở thành bác sĩ tại Mỹ

08/11/2019 - 07:48

PNO - Nếu không có sự ngoan cố năm ấy để bắt đầu lại từ đầu thì cộng đồng người Việt tại Mỹ sẽ không có một bác sĩ thân thuộc của hôm nay.

“Tôi là kiến trúc sư, có công việc ổn định. Nếu năm nay tôi không đậu được vào trường y của bạn thì tôi sẽ tiếp tục nộp đơn đến khi nào đậu mới thôi”, chàng kiến trúc sư Trần Huỳnh khi ấy đã 26 tuổi, vẫn “lì lợm” khẳng định chắc nịch trước người phỏng vấn tuyển sinh đầu vào ngành y của các đại học (ĐH) Mỹ.  

“Vũ khí lớn nhất của tôi là… lì đòn”

Nhớ lại thời điểm quyết định đầy tính tranh đấu đó, anh ví mình giống như một người đang đi trên con thuyền mà đích đến là con tàu ở giữa biển. Anh tự vấn: “Đường đến đó đầy nguy hiểm, có nên đi hay ở lại trên con thuyền của mình? Tôi phải làm sao? Phải nhảy xuống biển cái đã, có bơi đến được con tàu kia hay không cũng không chắc, có bị cá mập nuốt hay không vẫn chờ hên xui. Nhưng tôi chắc chắn mình phải nhảy. Đó là sự đoạn tuyệt với cái cũ để dồn tâm sức theo đuổi cái mới”. Khi anh kể đến đây, tôi buột miệng “đã liều còn lì”. Anh không giận, còn đắc ý: “Cảm ơn chị đã dành lời khen. Vũ khí của tôi chính là… lì!”. 

Trần Huỳnh có nghề chính là bác sĩ, nghề tay trái là viết sách, còn nghề cũ là kiến trúc sư. Một tập hợp tưởng là mâu thuẫn nhưng kỳ thực lại giúp việc trị bệnh cứu người trở thành một nghệ thuật.

“Những trải nghiệm trong quá trình làm kiến trúc, viết văn giúp tôi có kinh nghiệm sống phong phú để không chỉ trị bệnh mà còn chữa tâm bệnh, chia sẻ cùng bệnh nhân, bởi vì niềm tin, tinh thần là thứ quan trọng cần chữa lành hơn cả bệnh lý” - bác sĩ Trần Huỳnh nói.

Bác sĩ Trần Huỳnh sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu. Năm 1999, khi đang là sinh viên năm ba Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, anh sang Mỹ định cư cùng gia đình. Bỏ dở ngành học kiến trúc ở Việt Nam, sau nhiều nỗ lực, Huỳnh được nhận vào Trường Kiến trúc của ĐH Michigan với học bổng toàn phần. Tốt nghiệp Trường Kiến trúc, anh có hai năm làm việc như một kiến trúc sư với mức lương mới ra trường khoảng 35.000 USD/năm, sau đó tăng lên 60.000 - là công việc có thu nhập mơ ước của nhiều người Việt tại Mỹ. Nhưng anh cảm thấy có gì đó không ổn, không hài lòng.

“Khi đó, trong đầu tôi liên tục đặt câu hỏi: 5-10 năm sau mình sẽ trở thành một người như thế nào?”. Anh quyết định từ bỏ công việc ổn định để theo đuổi ngành y. 

Tu kien truc su tro thanh bac si tai My
Bác sĩ Trần Huỳnh (thứ hai từ trái sang) cùng các bác sĩ thực tập khác tại Bệnh viện Bassett, Columbia University (Mỹ)

Vì sao lại là ngành y - một trong những ngành cạnh tranh khắc nghiệt nhất ở Mỹ? “Chính cú sốc đêm đầu đặt chân đến Mỹ đã thay đổi ước mơ của cuộc đời tôi”. Bác sĩ Huỳnh bộc bạch: hơn 20 năm trước, tôi và người thân đặt chân đến Mỹ là 23g30 một đêm cuối thu. Khi vừa bước ra cửa sân bay, từng cơn gió rét tạt vào mặt chúng tôi - cảm giác lúc đó vừa giá lạnh vừa xa lạ. Ba giờ sáng, ba tôi đau ngực và khó thở. Má tôi hoảng loạn khóc. Chị gái mặt trắng bệch, nắm tay ba tôi mà lay. Em trai còn nhỏ chỉ biết mím môi nhìn.

“Từ giây phút đó, tôi mang ơn những bác sĩ. Họ đã ảnh hưởng tích cực đến tôi. Và tôi muốn tạo ra sự ảnh hưởng theo hướng tốt đẹp hơn đến người khác”. Đó là lý do mà anh dùng để thuyết phục những nhà tuyển sinh và cũng là cho bản thân mình: “Tương lai 5-10 năm nữa, tôi muốn trở thành bác sĩ nội trú”.Tôi với vốn tiếng Anh ít ỏi, chỉ có thể cầu cứu qua điện thoại “help, help” và chờ cứu hộ tìm đến chỗ chúng tôi. Bác sĩ cấp cứu ở Bệnh viện Holland đã tìm mọi cách để chẩn bệnh cho ba tôi - một người không biết nói tiếng Anh. Họ dùng hết hình ảnh đến con số để biết ba tôi đau ở đâu, đau cỡ nào... Vị bác sĩ đó tiến đến vỗ vai tôi trấn an: “Ba cậu sẽ ổn!”. 

Tại Mỹ, cùng với ngành luật thì ngành y là ngành sau ĐH, yêu cầu rất cao. Khi anh quyết định theo học y là chấp nhận quay lại vạch xuất phát. Anh phải học xong một bằng cử nhân y sinh, sau đó mới tham gia kỳ thi MCAT - kỳ thi để xét tuyển vào trường y - kéo dài tám giờ và vô cùng khó khăn.

“Tôi đã phải “mài” kỳ thi này đến ba lần mới đủ điểm ứng tuyển vào các trường y khoa MD. Có 125 trường MD trải rộng khắp 50 tiểu bang. Năm đầu tiên, tôi nộp đơn 30 trường và kết quả bị 29 trường từ chối. Nhưng tôi vẫn quả quyết với giáo sư phỏng vấn: nếu năm nay, tôi không đậu được vào trường y của ông thì tôi sẽ tiếp tục nộp đơn vào trường y cho đến khi nào đậu mới thôi”. Ở lần thứ hai, có 9/40 trường đồng ý phỏng vấn và anh đã chọn vào ĐH New York. 

Với người trưởng thành đi học lại, khó khăn lớn nhất là tiền, chưa kể ngành y rất đắt đỏ. “Danh sách những việc phải làm để chuẩn bị cho nghề y tương lai của tôi dài hơn ba trang giấy”, bác sĩ Huỳnh kể. Để rút ngắn thời gian học và tiết kiệm tiền, anh dự tính sẽ phải nhận số tín chỉ nhiều gấp rưỡi hoặc gấp đôi sinh viên bình thường.

“Tôi sẽ đi làm thêm sau giờ học để có thêm tiền trả nợ. Khi người ta chưa biết mùi thất nghiệp thì họ ít có cảm giác thiếu thốn. Cái thiếu thốn giờ đã hiện ra rất rõ, dù chỉ là một chi tiết rất nhỏ", vị bác sĩ chia sẻ.

Ngay tuần thứ hai đến Buffalo (New York) đi học, khi xe sắp hết xăng, anh móc ví và phát hiện chỉ còn vỏn vẹn 5 USD. “Tôi chợt nhớ ra mình đã nghỉ việc. Tôi đổ xăng vừa đúng 5 USD và cố chạy tiết kiệm nhất có thể. Chiếc Honda Civic số tay cũ mèm nên lên dốc tôi dùng trớn xe, ít đạp ga, chỉ để xe vừa đủ lên dốc. Những lúc xuống dốc, tôi trả cần số về 0 và giữ ga tối thiểu. Sau này, tôi vẫn nhớ lại cảm giác những lần chạy kiểu tiết kiệm đó”.

Tu kien truc su tro thanh bac si tai My

Bác sĩ Trần Huỳnh trong một buổi chia sẻ cho sinh viên y tại California, Mỹ

Anh không chỉ đi làm nail, chạy bàn cho nhà hàng, còn làm phiên dịch cho bệnh nhân người Việt ở bệnh viện. Suốt những năm học nghề y, lịch học và làm việc của anh kín mít. Buổi sáng, anh học gấp đôi so với bạn cùng lớp. Buổi chiều học xong, anh về ăn rồi lăn ra ngủ. Đến đêm, anh lại thức làm dịch thuật qua điện thoại đến sáng rồi đi học tiếp.

“Tôi hy sinh thêm một buổi ngủ nướng cuối tuần xin làm tình nguyện ở bệnh viện. Trong những ngày tháng cực nhọc, kể cả lúc mệt quá ngủ quên trên xe, tôi luôn nghĩ tới viễn cảnh một ngày sẽ trở thành bác sĩ, mặc áo blouse trắng khám bệnh”, anh bộc bạch. Đó là những ngày tháng cơ cực nhất, là thời điểm mà đã có lúc anh muốn vứt bỏ hết để quay về Việt Nam. “Nhưng nếu bỏ cuộc ở đó, tôi đã không học được cách vượt qua khó khăn trong cuộc đời mình”.

Phải thoát khỏi vùng an toàn

Nếu năm đó anh chọn sự dễ dàng thì giờ đây anh cũng không trở thành một người thất bại, bởi kiến trúc sư vẫn là nghề rất khá tại Mỹ. Nhưng anh sẽ mãi tiếc nuối vì đã từ bỏ ước mơ. Đó là lời khuyên mà anh thường truyền lửa cho các sinh viên Việt Nam khi có cơ hội.

Lời khuyên của anh càng có “sức nặng” với các bạn trẻ khi anh đã trở thành phó giáo sư tại Trường ĐH Y khoa California Northstate University; là chủ của hai trung tâm y khoa tại Mỹ; tham gia văn phòng luật để bảo vệ các bác sĩ trước các vụ kiện y tế; mỗi trang fanpage, buổi diễn thuyết của anh thu hút hàng chục ngàn fan theo dõi. Sự thành công đó không có chỗ cho những từ “giá như”, “tiếc nuối” hay “chần chừ”. 

“Tôi cho rằng không bao giờ là muộn với những người trẻ, quan trọng phải dám xông thẳng vào đam mê”, bác sĩ Huỳnh nói. Anh cho rằng, khi đã chọn sống và làm việc ở Mỹ, hãy tìm cách thoát khỏi vùng an toàn của mình. Muốn ổn định, anh vẫn sẽ là một kiến trúc sư. Muốn an toàn, anh chỉ sống và làm việc cùng với cộng đồng người Việt. Nhưng làm như thế sẽ không đi xa được. Anh cho rằng cần tự tin sống chung với người bản địa, với văn hóa bản địa. 

Ngoài việc là chủ phòng khám tư ở một khu người Việt phía đông Los Angeles, Trần Huỳnh còn là bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Methodist Hospital, chuyên nhận bác sĩ nội trú đến phòng khám của mình để giảng dạy. Trải qua rất nhiều năm lăn lộn mọi ngóc ngách của nghề y, anh chia sẻ “tham vọng” tương lai của mình là mở một trường đào tạo y tại Mỹ. 

Muốn bệnh nhân Việt Nam được chăm sóc tốt hơn

Năm nhất học ngành y với lịch học kín, làm thêm, làm thiện nguyện nhưng Trần Huỳnh đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận VietMD. Anh kể: “Lúc ấy, bác sĩ hướng dẫn tôi đi lâm sàng là người Ấn Độ. Tôi hỏi bác sĩ học y khoa ở đâu. Bác sĩ nói học ở Ấn Độ nhưng đã nhắm vào nội trú Mỹ từ những năm đầu đi học”. Ngay lập tức, anh nghĩ nếu bác sĩ Ấn Độ làm được thì tại sao bác sĩ Việt Nam không làm được. Về nhà, anh tìm hiểu chương trình nội trú Mỹ, cách học USMLE, cách nộp đơn xin vào nội trú chuyên khoa và cách phỏng vấn vào nội trú. 

VietMD được thành lập nhằm hỗ trợ bác sĩ và sinh viên y khoa Việt Nam tìm hiểu về bác sĩ nội trú Mỹ. Đến nay, VietMD đã hỗ trợ nhiều bác sĩ Việt Nam xin được làm bác sĩ nội trú ở Mỹ. Mục đích cuối cùng là họ sẽ có được cơ hội học tập, bồi dưỡng chuyên môn tốt hơn, trở thành bác sĩ quốc tế. “Ước mơ lớn nhất của tôi là bệnh nhân Việt Nam được chăm sóc tốt hơn, giống như bệnh nhân ở Mỹ”, bác sĩ Huỳnh nhấn mạnh.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI