Tự chủ không có nghĩa tăng học phí

27/10/2018 - 20:13

PNO - Tại tọa đàm trực tuyến “Tự chủ đại học - xu thế phát triển tất yếu” do Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ngày 25/10, nhiều băn khoăn về vấn đề tự chủ đại học đã được mổ xẻ.

Liên quan vấn đề rất được quan tâm là tự chủ tài chính đồng nghĩa với việc tăng học phí, làm mất cơ hội học tập của các sinh viên nghèo, các đại biểu cho rằng tăng học phí là chuyện các trường phải cân nhắc, không phải muốn tăng bao nhiêu thì tăng, mà phải cân đối giữa học phí với điều kiện đảm bảo chất lượng và thực tế xã hội.

Chính phủ cũng đã cho phép các trường gửi tiền vào ngân hàng thương mại, dùng lãi suất đó để đưa vào quỹ hỗ trợ sinh viên. Các trường dùng tiền này để hỗ trợ học phí, hoạt động phong trào của sinh viên…

Tu chu khong co nghia tang hoc phi
Sinh viên đại học Việt Nam

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định Bộ GD-ĐT đã đưa vào trong luật quy định về việc Nhà nước phải có trách nhiệm liên quan đến vấn đề học bổng và chính sách cho sinh viên nghèo. Bộ GD-ĐT cũng quy định các trường đại học phải công bằng trong nguồn thu của mình để cấp học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đến thời điểm này, hiện có 23 trường đại học công lập được tự chủ và việc thực hiện quyền tự chủ đại học vẫn còn một số hạn chế. Về phía cơ quan nhà nước, tự chủ đại học hiện được tiếp cận từ góc độ tài chính, chủ yếu là mức độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động mà chưa chú trọng tới tổ chức, nhân sự, quản trị, tiềm lực và kinh nghiệm về hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ cũng như các điều kiện khác. Trong khi đó, các trường cho rằng, tự chủ là quyền đương nhiên được hưởng mà không thấy rằng việc thực hiện tự chủ phụ thuộc vào năng lực thực hiện của đơn vị đáp ứng các tiêu chí về chi phí và kết quả hoạt động. 

Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng từng đưa ra nhận xét, câu chuyện tự chủ đang đặt nặng tự chủ về tài chính và việc các trường lo được toàn bộ kinh phí mới được thí điểm giao quyền tự chủ cao là chưa hoàn toàn phù hợp.  

Thứ trưởng Phúc thừa nhận khi mới thực hiện tự chủ đại học vấn đề tài chính được nhấn mạnh nhiều. Sau khi triển khai trong thực tế, mặc dù vấn đề tài chính rất quan trọng, nhưng đã mở rộng hơn là tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự, bộ máy, nghiên cứu khoa học… 

Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI