Truyền cảm hứng ‘sống xanh’ cho học sinh: Không thể lý thuyết!

05/08/2019 - 10:00

PNO - Ngôi trường này không dạy các em “sống xanh” bằng lý thuyết mà thu hút sự tò mò, niềm hứng khởi của những đứa trẻ từ các sáng kiến áp dụng vào thực tế.

Cha mẹ là tấm gương cho con trong mọi chuyện. Nhưng với chị Aban Gandhi (32 tuổi, sống ở Delhi, Ấn Độ), con gái Rhea mới là tấm gương giúp chị ngày càng hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ “sức khỏe” môi trường. Người truyền cảm hứng “sống xanh” ấy cho Rhea không ai khác chính là thầy cô của em. 

12 tuổi, Rhea là một đứa trẻ trưởng thành vì em thật sự nghiêm túc với suy nghĩ mình là người phải có trách nhiệm kiểm soát lượng rác thải mà bản thân và gia đình thải ra môi trường. Em khuyến khích mẹ dùng túi vải thay cho túi nhựa, từng bước hướng dẫn mẹ phân loại rác với mong muốn tiết kiệm thời gian cho quy trình xử lý rác sau đó. 

Chị Aban đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác trước những khái niệm quá mới mẻ mà con gái “dạy” lại cho mình. Rhea tiết kiệm tối đa những nguồn lực mình sử dụng, từ điện, nước đến vật dùng trong nhà. Nếu không cần thiết, em sẽ hạn chế mua hoặc dùng vì không muốn để lại rác thải hoặc tiêu tốn quá nhiều nguồn lực không cần thiết. 

Truyen cam hung ‘song xanh’ cho hoc sinh: Khong the ly thuyet!

Trường học là nơi truyền cảm hứng "sống xanh"

Cảm hứng “sống xanh” ấy là cả quá trình nhà trường lan tỏa đến Rhea. Ngôi trường Rhea theo học là Trường Ấn Độ ở Delhi. Nơi đây không có những buổi học kéo dài tận 5-6 tiếng, trẻ chìm ngập trong bài tập, tiết kiểm tra.

Tiết học tại trường không bó buộc trong không gian kín bưng mà học sinh được học cách sống và giữ sự phát triển bền vững cho môi trường, xã hội. Đây là nền tảng mà nhà trường đan cài vào tất cả các môn học và xem đó là triết lý cần theo đuổi dù lĩnh vực học thuật các em lựa chọn sau này là gì. 

Ngôi trường này không dạy các em “sống xanh” bằng lý thuyết mà thu hút sự tò mò, niềm hứng khởi của những đứa trẻ từ các sáng kiến áp dụng vào thực tế. Nhà trường xây dựng hai hệ thống thu gom, quản lý nước mưa và dùng lượng nước đó “rửa” lại nước ô nhiễm trong mạch nước ngầm mỗi năm.

Các em được tận mắt chứng kiến cả quy trình. Từ đó, các em hiểu được không bao giờ là hiển nhiên để có môi trường sạch mà cần nỗ lực của tất cả mọi người.

Với rác thải, trường trang bị hệ thống ủ phân giúp chuyển hóa rác hữu cơ thành phân bón. Các học sinh cùng tham gia quy trình này và đây chính là giờ học hữu ích, tạo hứng thú cho trẻ. Chưa hết, các em còn được tham gia “làm việc” ở trang trại trong khuôn viên trường, có cơ hội “nhìn tận mắt, sờ tận tay” các loại rau củ quả hữu cơ thu hoạch được. 

Ngoài ra, trường của Rhea còn áp dụng hệ thống năng lượng mặt trời để sản xuất điện. 65% lượng điện nhà trường sử dụng thu được từ hệ thống trên. Mỗi năm, trường tiết kiệm được khoảng 15.000 USD. Từ sinh hoạt hằng ngày, các em đã ý thức được việc hạn chế rác thải nhựa là cần thiết. Trong căng-tin nhà trường, không bao giờ xuất hiện những đồ chứa nhựa xài một lần, thay vào đó là các vật dụng bằng chất liệu thân thiện với môi trường.

Học cách sống tôn trọng tự nhiên để cùng tồn tại một cách bền vững, đó chính là cách mà các thầy cô đã gieo trong những đứa trẻ như Rhea về khái niệm “sống xanh”. Chẳng quá khó khăn hay phức tạp mà cần có sự kiên trì và sự thực hành bắt đầu từ những đứa trẻ. 

 Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI