Trường THPT Long Trường (Q.9, TP.HCM): Sai chưa sửa, tiếp tục sai

22/07/2017 - 08:23

PNO - Mới đây tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên lại tiếp tục thất vọng với hàng loạt sai phạm mới của hiệu trưởng trong việc ký kết các hợp đồng cho thuê căng-tin, bãi giữ xe, phòng photocopy và dịch vụ cung cấp suất ăn bán trú…

Tháng 8/2016, sau khi báo Phụ Nữ đăng bài “Trường THPT Long Trường (Q.9, TP.HCM): Muốn chuyển trường, phải nộp… máy lạnh, chậu kiểng?”, Sở GD-ĐT TP.HCM đã chỉ đạo ông Đào Phi Trường - Hiệu trưởng (HT) trường này giải quyết sai phạm, trả lại tiền và hiện vật cho các trường hợp bị “làm khó”. Nhưng đến nay, sai phạm cũ vẫn chưa được khắc phục thì tại trường này lại “xì” ra những sai phạm mới.

Truong THPT Long Truong (Q.9, TP.HCM): Sai chua sua, tiep tuc sai

Vào tháng 3/2017 vừa qua, tức hơn nửa năm sau khi báo Phụ Nữ phản ánh và Sở GD-ĐT yêu cầu nhà trường phải giải quyết sai phạm, tại hội nghị cán bộ công chức viên chức, Ban Thanh tra nhân dân Trường THPT Long Trường cho biết, ông Đào Phi Trường vẫn chưa thực hiện việc khắc phục hậu quả.

Cô T. - một giáo viên (GV) đã chuyển công tác sang trường khác, đồng thời cũng là “nạn nhân” - cho chúng tôi biết, đến nay cô vẫn chưa được nhận lại chiếc máy lạnh mà cô đã phải “đóng góp” cho ông Trường. Cũng không nghe nhà trường đề cập đến chuyện này.

Trong khi chuyện cũ chưa khắc phục thì mới đây tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên (CBGVNV) lại tiếp tục thất vọng với hàng loạt sai phạm mới của HT Đào Phi Trường trong việc ký kết các hợp đồng cho thuê  căng-tin, bãi giữ xe, phòng photocopy và dịch vụ cung cấp suất ăn bán trú… với nội dung rất khó hiểu mà không thông qua tập thể hội đồng sư phạm nhà trường.

Đơn cử, vào tháng 1/2016, ông Trường tự ý ký hợp đồng cho phép bà Lương Ngọc Ch. kinh doanh căng-tin và bãi giữ xe của trường với giá 300 triệu đồng/năm mà không tổ chức đấu thầu đúng theo quy định tại Thông tư số 245/2009/TT-BTC. Hợp đồng này có giá trị đến ngày 31/12/2016 nhưng đến nay vẫn chưa ký lại, bà Ch. vẫn tiếp tục kinh doanh. Tương tự, hợp đồng cho thuê phòng đặt máy photocopy tại trường với mức giá 150 ngàn đồng/tháng cũng không có ngày kết thúc. 

Truong THPT Long Truong (Q.9, TP.HCM): Sai chua sua, tiep tuc sai

Đặc biệt, vào tháng 6/2016, ông Trường cũng tự mình ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ TTH.com cung cấp suất ăn bán trú cho gần 400 HS của trường với rất nhiều điều khoản “mập mờ”, có lợi cho đối tác và bất lợi cho nhà trường. Ngay như giá cả của mỗi suất ăn là 24.000đ ông Trường cũng không thông qua ý kiến của Ban đại diện cha mẹ HS.

Theo hợp đồng, Công ty THT.com được sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường làm nơi nấu nướng và đầu tư mở rộng để làm nơi ăn uống nhưng lại không phải đóng bất kỳ một khoản phí nào trừ tiền điện nước theo mức giá nhà nước. Khó hiểu hơn, hợp đồng còn quy định: nếu hết hạn mà không tiếp tục ký lại thì nhà trường sẽ phải “bồi thường” bằng cam kết mua lại hoặc sang nhượng cho bên thứ ba toàn bộ tài sản mà công ty này đã đầu tư sau khi đã khấu hao.

Nhiều GV khi biết về hợp đồng này đã lo lắng, bởi nếu vì lý do nào đó, chẳng hạn phụ huynh không chấp nhận suất ăn của công ty này, thì nhà trường sẽ phải gánh chịu những thiệt hại. 

Trong công tác nhân sự, ông Đào Phi Trường đang thực sự gây bức xúc cho tập thể CBGVNV. Theo đó, trường có nhiều nhân viên có trình độ và kỹ năng chuyên môn đang làm việc tại khối văn phòng, nhưng ông Trường lại bổ nhiệm một nhân viên bảo vệ làm Tổ trưởng Tổ văn phòng.

Trong phân công giảng dạy, ông HT cũng ưu ái cho những người mới về trường, trong khi lại cắt bớt tiết hoặc gạt những GV có kinh nghiệm ra làm giám thị mà không cho biết lý do, khiến GV có cảm giác HT đang cố tình tạo phe cánh, gây chia rẽ nội bộ.

Với bản thân mình, “ông Trường lại không gương mẫu trong công tác chuyên môn, giảng dạy, không thực hiện chỉ đạo của cấp trên. Cụ thể, ông luôn yêu cầu GV dạy đúng chương trình của Bộ nhưng ông (dạy văn) lại tự ý cắt xén giờ lên lớp, cắt xén chương trình, muốn dạy bao nhiêu tiết thì dạy.

Trong 93 tiết phụ trội của ông Trường thì ông đã nhờ một giám thị dạy đến 63 tiết nhưng vẫn nhận đủ tiền 93 tiết, mỗi tiết gần 200.000đ. Với công việc chung như việc tổ chức hội nghị CBCNVC hàng năm thì ông Trường thường viện cớ để chậm trễ so với quy định. Việc này chẳng những bị sở nhắc nhở nhiều lần mà hoạt động của nhà trường cũng bị ảnh hưởng” - cô H., một GV, khẳng định.

Chúng tôi đã đến tận nơi với mong muốn được làm sáng tỏ những điều tập thể CBGVVN nhà trường đang bức xúc, nhưng ông Trường lại từ chối tiếp xúc mà yêu cầu báo Phụ Nữ phải có công văn gửi đến tận tay ông! 

Năm học 2015-2016, ông Đào Phi Trường tự đứng ra kinh doanh ba lô, phù hiệu, sách giáo khoa trong trường; các khoản thu chi từ hoạt động này không rõ ràng và không thông qua bộ phận kế toán.

Nhưng gây bức xúc nhất chính là việc ông tự ý sử dụng khoản dư từ quỹ phụ huynh đóng góp cho công việc bảo vệ cảnh quan môi trường và nước uống để mua rất nhiều chậu kiểng (không trồng cây bên trong) đặt dọc các dãy hành lang làm choán lối đi và gây nguy hiểm cho HS; trong khi đó, bàn ghế của HS đang hư hỏng nặng, nhiều lớp HS phải ngồi ghế nhựa thì không được quan tâm, đầu tư.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI