Trường học tiền tỷ thành nơi... chứa rác

26/11/2015 - 07:37

PNO - Trường học có vốn đầu tư trên 3,1 tỷ đồng, sau 5 năm bàn giao vẫn chưa một lần hoạt động, nay đã thành nhà hoang.

Hai công trình điểm trường tiểu học và mầm non thuộc xã Triệu Thượng, H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị có vốn đầu tư trên 3,1 tỷ đồng, sau 5 năm bàn giao vẫn chưa một lần hoạt động, nay đã thành nhà hoang.

Hai trường trên nằm trong dự án khu di dân tránh lũ, tái định cư Tây Triệu Phong, có diện tích 140ha. Dự án này có tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng nhằm di dân tránh lũ, nhưng mới giải ngân được 20 tỷ vào năm 2010.

Truong hoc tien ty thanh noi... chua rac
Điểm trường tiểu học bị bỏ hoang, trở thành nơi chứa nông sản, nơi chăn bò và tập trung rác thải của người dân

Điểm trường tiểu học gồm năm phòng học trên diện tích 424m2 được xây dựng kiên cố, nằm ở khu đất cao ráo, bằng phẳng bên cạnh đường rải nhựa. Ngay cạnh đó là trường mầm non với bốn phòng học trên diện tích 507,6m2 , có phòng vệ sinh bên trong, phòng nghỉ cho giáo viên, nhà bếp.

Các trường được đầu tư hiện đại với gạch lát hoa, hệ thống điện, quạt trần, thiết kế rộng rãi, thông thoáng. Thế nhưng, cả hai công trình đều trong tình trạng không hoạt động kể từ ngày bàn giao đến nay. Mặt tiền của hai điểm trường bị phủ lấp bởi cỏ dại, khuôn viên trường trở thành bãi chứa rác sinh hoạt của người dân.

Nhiều người tiếc nuối bởi trong khi nhiều ngôi trường tại tỉnh Quảng Trị xuống cấp, chật hẹp, các lớp vùng núi có khi chỉ là tranh nứa dột nát, không có kinh phí khắc phục, thì hai điểm trường kiên cố lại bị bỏ hoang.

Ông Võ Nguyên Hồng, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Triệu Thượng cho hay, nhà trường chỉ nhận được phần vỏ, còn bàn ghế, thiết bị dạy học và tường rào, cổng ngõ không có nên không thể đưa vào dạy học. Hơn nữa, số lượng học sinh ở khu vực này còn ít, nếu mở thì mỗi lớp chỉ khoảng 10 em. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thể tổ chức dạy học.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2010 đến nay, đã có 260 hộ được di chuyển lên khu tái định cư Tây Triệu Phong. Mặc dù hệ thống đường, điện, nước cơ bản đã hoàn thành, nhiều ngôi nhà ở vị trí mặt tiền nhưng vẫn không có người ở. Trong số 260 hộ di dân lên ở thì gần phân nửa không sống ổn định tại khu tái định cư. Nguyên nhân chủ yếu là do ở đây không có đất sản xuất, người dân phải trở về quê cũ để làm ăn.

Ông Phan Văn Khoa - Phó chủ tịch xã Triệu Thượng - cho biết, nhiều hộ sau khi nhận tiền hỗ trợ, được cấp đất nhưng chỉ xây nhà tạm rồi để hoang, bỏ về quê cũ hoặc đi làm ăn xa. Đây cũng là lý do dẫn đến việc thiếu học sinh, nên điểm trường mầm non và tiểu học không mở được.

Dư luận đặt dấu hỏi, tại sao một dự án ngốn hàng chục tỷ đồng ngân sách mà lại để dân “chê” không ở vì thiếu môi trường sản xuất? Tại sao công trình tiền tỷ phải đắp chiếu vì thiếu học sinh? Phải chăng những “nhà” lập dự án cứ làm bừa khi chưa có sự điều nghiên kỹ, khi chưa bảo đảm tính khả thi của dự án? Phải chăng “tiền chùa” nên không ai xót?

Thanh Hiếu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI