Trường học biến thành chốn kinh doanh

14/11/2018 - 08:08

PNO - Từ những hạng mục lớn như công trình phụ huynh, mua sắm đồng phục cho đến những khoản tủn mủn như nước uống, chụp hình kỷ yếu… đều lấp ló mùi tiền.

Không có hoa hồng, mời đi chỗ khác

Cán bộ văn phòng một trường THPT kể điều trần trụi nhưng thực tế: “Bộ đồng phục muốn được chào bán đến tay phụ huynh phải qua các bước chọn mẫu, chọn giá, chọn nhà sản xuất... Ban giám hiệu và kế toán nằm trong tổ xét duyệt này. Muốn trơn tru thì phải biết điều. Giá đồng phục đến tay học sinh đương nhiên phải bao gồm cả chiết khấu hoa hồng cho sếp, trả công lưu kho và nhân viên đứng bán”. Bởi thế trường nào cũng ôm khâu bán đồng phục, chứ không nhả ra cho học sinh tự mua. 

Trường THCS N.V.P. từng sử dụng cùng lúc hai thương hiệu nước khác nhau cho học sinh uống. Giáo viên lẫn phụ huynh đều không thể hiểu được quyết định này của hiệu trưởng nên đã làm đơn tố. Sự việc đổ bể, người ta mới té ngửa: một thương hiệu do hiệu trưởng chọn, thương hiệu còn lại do ở trên ấn xuống. Hóa ra, nước uống cho học sinh cũng phải… có gì đó. “Sếp chỉ xuống thì hiệu trưởng còn gì để hưởng, nên họ phải chia nhau”, một giáo viên đoán già đoán non.

Thực tế, doanh nghiệp hoặc tổ chức nào muốn đưa sản phẩm hay chương trình của mình vào trường học, ngoài chất lượng còn phải "biết điều" với ban giám hiệu. Làm ăn lớn có khi phải quan hệ với cấp trên của hiệu trưởng. Nếu không thì đừng mơ. Từ bán sách tham khảo, tổ chức du lịch, cung cấp suất ăn công nghiệp, thầu căng-tin, bãi giữ xe… đều phải chiết khấu phần trăm, nhiều hay ít tùy giá thành sản phẩm.  

Truong hoc bien thanh chon kinh doanh
Những tấm bảng tương tác được đưa vào các trường từ tiểu học đến THPT tại TP.HCM với giá hơn 180 triệu đồng, đắt gấp đôi giá thị trường.

Trường đông học sinh, nằm ở vị trí đẹp còn có thêm lợi thế bán vị trí treo băng-rôn, cho thuê mặt bằng để tổ chức các sự kiện kiểu như tư vấn hướng nghiệp - quảng cáo tuyển sinh… Tất cả đều có chi phí theo gói hoặc theo số học sinh tham gia.

Trưởng phòng đào tạo một trường đại học công lập bức xúc: “Tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh tại các trường phổ thông là đưa thông tin cần thiết đến cho học sinh của các trường. Thế nhưng, các trường cũng chẳng nghĩ gì đến lợi ích học sinh, thẳng tay lấy phí rồi để các trường đại học, cao đẳng muốn quảng cáo thế nào cũng được”.

Nhiều trường đại học tư còn chơi bạo bằng cách đếm học sinh vào học trường mình để tặng quà cho hiệu trưởng và chuyên viên tư vấn hướng nghiệp trường phổ thông. 

Với danh nghĩa cấp học bổng, Trường đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM đưa ra chính sách học bổng trừ trực tiếp vào học phí cho con em lãnh đạo các sở GD-ĐT, hiệu trưởng các trường…

Cụ thể, học bổng áp dụng cho các thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng là con, em ruột của giám đốc, phó giám đốc sở GD-ĐT, lãnh đạo các phòng, ban của sở; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường THPT; cán bộ, nhân viên sở GD-ĐT, các đơn vị trực thuộc sở; giáo viên, nhân viên các trường THPT. Học bổng có giá trị 50% học phí, trừ trực tiếp vào học phí trong suốt khóa học. Nhiều người nghi ngờ việc cấp học bổng trên chỉ là để các trường phổ thông tạo điều kiện thuận lợi cho trường này quảng bá chiêu sinh. 

Không gắn với lợi ích người học

Đánh vào tâm lý phụ huynh chiều con, rất nhiều trường chỉ cần dụ được học trò coi như bán được hàng.

Một phụ huynh trường tiểu học ở Q.5 kể: “Cô giáo cứ nói mé mé với tôi về sách kể chuyện B., sách tham khảo A., đồ dùng học tập này, đĩa CD kia… rất tốt cho bé. Nhưng tôi thấy những thứ đó thật sự không cần thiết nên ậm ừ cho qua. Vài hôm sau, con mình về cứ nhèo nhẹo đòi mua sách cô bán”. 

Phụ huynh một trường tiểu học ở Q.6 nói: “Con gái tôi mới lớp Một, chưa biết xài tiền nhưng cứ nài nỉ xin 10.000-20.000 đồng để mua đồ linh tinh trong căng-tin của trường. Hôm rồi, tôi vừa đến cổng trường đón, con nằng nặc kéo tôi vô căng-tin để mua nhẫn, kẹo son môi (vừa ăn vừa tô môi)… Bước vào căng-tin, tôi giật mình với ma trận những món rất bắt mắt nhưng không rõ xuất xứ như nhẫn, hoa tai, kẹo son môi. Họ bán cuộn dây, chẳng biết để làm gì nhưng hầu như bé gái nào cũng đòi mua…”.

Ai cũng hiểu, căng-tin buộc phải bán đủ thứ, kể cả đồ không rõ xuất xứ miễn sao có doanh thu, bởi chi phí phải nộp lại cho trường không nhỏ.

Gần cuối năm, các trường mầm non, tiểu học lại bày ra chuyện chụp ảnh cho các bé. Trường sẽ gọi trung tâm ảnh về trang điểm, mặc trang phục bắt mắt cho học sinh rồi chụp, sau đó gợi ý phụ huynh rửa ảnh với chi phí cao hơn thị trường.

Đợt cuối năm học vừa qua, Trường mầm non H.H.D. (Q.Bình Tân) thu tiền phóng ảnh từ 250.000 đồng/ảnh (kích thước 30x45cm, khung gỗ) đến 850.000 đồng/ảnh (khung pha lê), 150.000 đồng/lịch ảnh… Với chiêu thức này, ở hầu hết các trường mầm non, tiểu học, mỗi bé sau khi học xong bậc tiểu học sẽ có cả bộ sưu tập ảnh chân dung từ trường học vào các dịp khai giảng, tổng kết năm học, tết, Giáng sinh, 20/11... Không ai tiếc vài trăm ngàn cho con nhưng phải thừa nhận những dịch vụ này không gắn với lợi ích của người học. 

Có thể thấy, bất kỳ hoạt động dịch vụ hàng hóa nào, từ những thứ có giá trị lớn như tấm bảng tương tác, du lịch cho học sinh và giáo viên, tổ chức hoạt động ngoại khóa - học tập trải nghiệm, dạy tiếng Anh bản ngữ, đến từng bữa cơm trẻ ăn, hộp sữa trẻ uống, quyển sách trẻ đọc… đều có mùi hoa hồng. Môi trường học tập biến thành chốn kinh doanh. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI