Trường đại học Công nghiệp TP.HCM: Phụ huynh lo lắng về tư cách trưởng khoa

07/11/2018 - 06:44

PNO - Một số phụ huynh có con học tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM thắc mắc với Báo Phụ Nữ TP.HCM: tại sao 1 người có lý lịch “bất hảo” như ông Đặng Công Tráng vẫn được tiếp tục giảng dạy và làm trưởng khoa Luật của trường?

“Nếu ông ấy có tài, nên dùng vào việc khác”

Đầu năm 2018, báo chí phanh phui việc ông Đặng Công Tráng đạo luận văn thạc sĩ của một luật sư để làm công trình nghiên cứu khoa học cấp trường, kèm hồ sơ phong phó giáo sư (PGS). “Nếu cơ quan ngôn luận không phát hiện thì có thể ông Tráng đã đạt học hàm PGS rồi. Điều tối cần thiết đối với một nhà giáo là có liêm sỉ, nhưng dường như ông này không có điều đó” - phụ huynh (PH) viết trong thư phản ánh. 

Ngoài ra, PH còn bày tỏ lo lắng với thông tin ông Tráng từng dính vào một vụ án hình sự và bị kết án tù: “Năm 2005, khi đang là giảng viên Trường ĐH An ninh Nhân dân TP.HCM, ông Tráng cấu kết với bọn tội phạm làm giả giấy báo chứng nhận kết quả thi của trường này, bị truy tố tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và bị Tòa án nhân dân TP.HCM kết án tù treo và bị trường trên sa thải”.

PH của sinh viên Trường đại học Công nghiệp (ĐHCN) TP.HCM cho rằng, việc mở ngành đào tạo luật kinh tế rồi đưa ông Tráng lên làm trưởng khoa Luật, quản lý và giảng dạy hàng trăm sinh viên luật - những thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, công chứng viên, chấp hành viên, cán bộ tư pháp… tương lai - là điều trái với các nguyên tắc cơ bản về giáo dục.

Truong dai hoc Cong nghiep TP.HCM: Phu huynh lo lang ve tu cach truong khoa
PH có con đang theo học tại Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cảm thấy lo lắng về tư cách của ông Đặng Công Tráng

“Thầy cô phải là tấm gương cho sinh viên về học tập, rèn luyện đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là sinh viên ngành luật. Không có lý do gì để biện minh cho việc dùng cựu tội phạm để đào tạo nhân sự cho ngành nghề liên quan đến pháp luật. Chúng tôi có quyền đòi hỏi nhà trường phải tạo lập một môi trường giáo dục tử tế để con em mình học tập và rèn luyện, trở thành các luật sư, thẩm phán. Nếu ông ấy có tài thì nên dùng vào việc khác, chứ không thể để quản lý và dạy học như thế...” - PH đề nghị.

Bị kỷ luật cảnh cáo, vẫn làm trưởng khoa

Chúng tôi đã đem những băn khoăn của PH trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Thiên Tuế - Hiệu trưởng Trường ĐHCN TP.HCM. Ông Tuế cho biết, tháng 10/2005, ông Tráng về công tác ở Khoa Quản trị kinh doanh của trường. Năm 2008, ông được bổ nhiệm làm Phó bộ môn Kinh tế luật thuộc khoa này. Năm 2011, ông lần lượt làm Trưởng bộ môn Kinh tế luật, Phó rồi Trưởng phòng Tổ chức hành chính của trường. Năm 2013, ông Tráng làm Phó khoa Quản trị kinh doanh.

Thời điểm đó, khoa này có 6 phó khoa nên ông xin thôi chức để làm công tác giảng dạy. Năm 2015, trường thành lập hai khoa mới là luật và xây dựng. Năm 2016, bắt đầu có tổ bộ môn luật, trường cử ông Tráng làm trưởng bộ môn do ông này hội đủ điều kiện: có bằng tiến sĩ luật ở Liên Xô, từng làm phó khoa. Thời gian sau, bộ môn luật được nâng cấp lên thành Khoa Luật, ông Tráng được bổ nhiệm làm trưởng khoa.

Về chuyện đạo văn mới xảy ra đầu năm nay, ông Tuế khẳng định là có. “Khi nghe thông tin, tôi mời anh Tráng lên thì được biết, đề tài khoa học cấp trường có tới ba người cùng làm, nhưng anh Tráng làm chủ nhiệm nên phải đứng ra chịu trách nhiệm chính. Anh thừa nhận sau khi kiểm tra lại, có một số đoạn văn trích dẫn từ một luận văn thạc sĩ của người khác mà không để tên tác giả. Anh nhận khuyết điểm, xin hủy đề tài và xin rút tên khỏi danh sách xét đề cử PGS” - ông Tuế cho hay.

Theo đó, hội đồng khoa học nhà trường đã thẩm định lại, quyết định hủy đề tài, chuyển sang hội đồng kỷ luật xem xét. Tất cả những người có liên quan đã bị kỷ luật, công bố trước toàn trường và báo cáo lãnh đạo cấp trên. Ông Tráng bị kỷ luật cảnh cáo cả về mặt Đảng lẫn chính quyền.

Tiến sĩ Tuế nhận định: “Trong vụ đạo văn, nhà trường đã làm rất nghiêm khắc. Nhưng Luật Sở hữu trí tuệ không có chế tài nào cho mức độ vi phạm liên quan đến các đề tài khoa học, chỉ có thể xử lý hủy đề tài thôi. Chúng tôi vận dụng thêm Luật Viên chức để xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.

Trước những lo lắng của PH về việc hiện nay ông Đặng Công Tráng vẫn đang là trưởng khoa Luật của trường, ông Tuế cho biết, đối với viên chức, có 4 mức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc. Ông Tráng đã bị cảnh cáo. “Lo lắng của PH là đúng, nhưng vi phạm ở mức nào thì xử lý ở mức đó thôi” - ông Tuế nói.

Về tiền án của ông Tráng, theo ông Tuế, nhà trường hoàn toàn không biết. Khi xét bổ nhiệm trưởng khoa, trong hồ sơ của ông Tráng chỉ ghi bị cảnh cáo Đảng tại Quận ủy Q.Gò Vấp vào năm 2004, đã xóa kỷ luật Đảng vào năm 2005. “Thời điểm anh Tráng về trường, chỉ có bấy nhiêu thông tin trong hồ sơ thôi, cũng không hiểu sao lại thuộc Đảng bộ Q.Gò Vấp, cũng không biết công tác ở đâu” - ông Tuế cho hay. 

Theo thông tin đã đăng trên các báo từ những năm 2004-2005, Tòa án nhân dân TP.HCM đã kết án 6 bị cáo trong vụ Đinh Thanh Nhã cùng đồng bọn làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trong đó, ngoài Đinh Thanh Nhã - nguyên là giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, còn có Đặng Công Tráng - sinh năm 1962, thường trú tại 5B Quang Trung, P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM, giảng viên Trường ĐH An ninh Nhân dân TP.HCM. 

Hội đồng xét xử tuyên Nhã 3 năm tù giam, tuyên Đặng Công Tráng cùng hai người khác từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù, cho hưởng án treo. Đường dây này đã làm giả giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh cho 18 thí sinh để nộp vào các trường ĐH dân lập xin xét tuyển.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI