Trung thu, trăng tròn, trăng khuyết…

25/09/2018 - 12:48

PNO - Trung thu đã không trọn vẹn khi nhiều đứa trẻ quá đủ đầy, chẳng màng tới những chiếc bánh bào ngư, vi cá, thì đó đây trên khắp mọi nẻo đường vẫn còn không ít trẻ em nghèo chưa bao giờ nhìn thấy chiếc bánh Trung thu!

Có anh bạn là giám đốc một doanh nghiệp về kiến trúc - xây dựng vừa đăng một status lên mạng với trạng thái đầy thích thú:

“Công trình: lồng đèn Trung Thu; 

Thi công: hai cha con;

Chất liệu: vỏ lon nhôm;

Tổng kinh phí: 11.000 đồng;

Thời gian thực hiện: 25 phút”.

Tôi trêu: “Vật tư dôi dư: nước ngọt”. Anh đáp: “Tình trạng: đã sử dụng”.

Trung thu, trang tron, trang khuyet…
Lồng đèn Trung thu

Vợ chồng anh có hai con. Đứa con gái lớn đã đi du học, nên ngoài công việc, thời gian còn lại hai vợ chồng luôn dành cho đứa con trai vừa vào lớp 6 ở một trường quốc tế. Cuối tuần mùa Trung thu, hai cha con hì hục chế tác lồng đèn. Và tối hôm đó, bên chiếc lồng đèn tự sáng tạo nên độc và lạ, con trai anh đã có một đêm Trung thu trọn vẹn, đáng nhớ.

Cũng mới hôm qua đây thôi, cơ quan tôi tổ chức đêm Trung thu, trao quà cho các cháu nhỏ tận vùng đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên. Con gái của một chị tình nguyện viên nằng nặc đòi đi theo. Thường ngày, ngoài giờ học, cháu làm bạn với chiếc smartphone. Nhà thuộc loại có điều kiện nên Trung thu cháu chẳng màng quà bánh. Chiếc lồng đèn điện tử đắt tiền được trang trí đủ màu sắc đẹp mắt, phát ra âm thanh vui tai cũng chỉ mua vui chốc lát. Thế nhưng khi được cùng vượt núi, băng rừng, dãi nắng, dầm mưa qua hơn 400 km, khi hành trình sắp kết thúc, cháu lại thấy bùi ngùi, lưu luyến: “Mình sắp phải chia tay với mọi người hả mẹ? Năm sau mình có đi nữa không?”.

Trung thu, trang tron, trang khuyet…
Trung thu với trẻ em nghèo

Hoá ra, hạnh phúc của cô con gái “vàng” nơi phố thị rất đỗi giản đơn chứ chẳng phải là những chiếc bánh vun đầy những bào ngư, vi cá… Đến đây, chúng tôi sực nhớ mình từng cảm thấy “đứt ruột đứt gan” khi nhìn thấy những chiếc bánh Trung thu đắt tiền vứt chỏng chơ nơi vỉa hè.

Những ngày qua đã có nhiều các nhân, tổ chức góp sức cùng nhau mang Trung thu đến cho trẻ em nghèo ở khắp các vùng miền còn nghèo khó. Ở phố thị, các tổ chức cũng tổ chức những đêm “phá cỗ” cho con em hàng ngàn lao động nghèo, lao động nhập cư. Những hoạt động nhân ái đó luôn được xã hội ghi nhận và trân trọng.

Trung thu, trang tron, trang khuyet…
Những đứa trẻ ở vùng sâu vùng xa

Trung thu trong tích xưa của người lớn gắn với sự đoàn viên, sum họp. Dần dà, bằng sự hy sinh của người lớn, Trung thu trở thành Tết của trẻ nhỏ, bởi trẻ thích những hoạt động vui chơi như rước đèn, phá cỗ, thích bánh trung thu...

Chỉ tiếc là Trung thu đã không trọn vẹn khi nhiều đứa trẻ quá đủ đầy, chẳng màng tới những chiếc bánh vật chất, thì đây đó khắp mọi nẻo đường thiên lý vẫn còn không ít trẻ cơm không đủ ăn, áo quần không đủ mặc, mặt mũi lấm lem, chân trần, đầu trần, ngày ngày theo mẹ cha lên nương rẫy. Các em, chắc chưa bao giờ nhìn thấy chiếc bánh Trung thu!

Quang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI