Trung Quốc dẫn đầu bảng xếp hạng đánh giá học sinh quốc tế PISA 2018

04/12/2019 - 14:34

PNO - Theo kết quả nghiên cứu giáo dục toàn cầu, thanh thiếu niên từ một số khu vực giàu có nhất của Trung Quốc vượt trội hơn so với bạn bè đồng trang lứa ở các nước giàu nhất thế giới về kỹ năng đọc, toán và khoa học.

Cuộc khảo sát cho thấy, các học sinh 15 tuổi từ Bắc Kinh, Thượng Hải và các tỉnh phía đông của Giang Tô và Chiết Giang được xếp hàng đầu (cấp 4) cho cả ba lĩnh vực: đọc, toán và khoa học. Trong khi đó, học sinh từ Mỹ được xếp cấp 3 về đọc và khoa học, xếp cấp 2 cho môn toán; còn thanh thiếu niên từ Anh đạt cấp 3 ở cả ba hạng mục.

Những phát hiện này nằm trong Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) năm 2018 - một hệ thống giáo dục toàn cầu được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện 3 năm một lần.

Singapore chiếm vị trí hàng đầu trong cuộc khảo sát năm 2015 và đứng thứ hai trong năm nay, mặc dù sự khác biệt về điểm số so với bốn khu vực của Trung Quốc không được coi là "đáng kể về mặt thống kê".

Trung Quoc dan dau bang xep hang danh gia hoc sinh quoc te PISA 2018
Học sinh ngày nay gặp nhiều khó khăn trong việc phân định đúng và sai, thông tin thật và giả

Hiệu suất ấn tượng của Trung Quốc

Một trong những điểm yếu của nghiên cứu là trên thực tế, chỉ có bốn khu vực giàu có nhất của Trung Quốc được khảo sát, nghĩa là kết quả không đại diện cho hàng chục triệu học sinh sống ở các vùng khác của đất nước, đặc biệt tại khu vực nông thôn.

Angel Gurria - tổng thư ký của OECD - cho biết trong lời nói đầu của báo cáo mới nhất rằng hiệu suất tại bốn khu vực ở Trung Quốc rất ấn tượng, vì mức thu nhập của họ dưới mức trung bình của OECD.

Ông Angel nói: "Bốn tỉnh/thành phố ở miền đông Trung Quốc này không đại diện cho toàn bộ Trung Quốc, nhưng quy mô của mỗi khu vực này tương đương với một quốc gia OECD điển hình và dân số kết hợp của họ lên tới hơn 180 triệu người".

"Chất lượng các trường học của họ ngày hôm nay sẽ cung cấp sức mạnh cho nền kinh tế của họ vào ngày mai".

Ở các quốc gia OECD, thu nhập trung bình hộ gia đình được điều chỉnh theo thu nhập bình quân đầu người là khoảng 30.500 USD. Con số này nhiều gấp ba lần mức tương đương cao nhất ở Trung Quốc. Năm 2018, cư dân Thượng Hải có thu nhập trung bình cao nhất cả nước, ở mức 9.100 USD.

Bảng xếp hạng không mang tính ganh đua

OECD cho biết, khoảng 600.000 sinh viên trên 79 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau đã tham dự kỳ thi PISA kéo dài 2 giờ vào năm 2018.

Các tác giả của báo cáo nhấn mạnh rằng, mục tiêu không phải là để các quốc gia cạnh tranh với nhau, mà là "cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà giáo dục và các nhà hoạch định chính sách, liên quan đến các điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống giáo dục tại đất nước họ".

Trung Quoc dan dau bang xep hang danh gia hoc sinh quoc te PISA 2018
Khung cảnh một lớp học chất lượng cao tại Trung Quốc

Cuộc khảo sát cũng cảnh báo về một số xu hướng đáng lo ngại thể hiện tại 36 quốc gia OECD cốt lõi.

Trong thập kỷ qua, các quốc gia này đã tăng chi tiêu cho giáo dục với tỷ lệ hơn 15% cho mỗi học sinh tiểu học và trung học. Nhưng hầu hết các quốc gia đều không thể hiện sự cải thiện về thành tích của học sinh kể từ khi PISA được tiến hành lần đầu vào năm 2000.

Điện thoại thông minh và thông tin sai lệch

Các tác giả của báo cáo cho biết tư duy phê phán và đọc hiểu đặc biệt quan trọng trong thời đại điện thoại thông minh, để từ đó học sinh có thể biết cách chọn lọc sự thật từ nhiều nguồn tin tức.

"Trước đây, học sinh có thể tìm thấy câu trả lời rõ ràng và duy nhất cho câu hỏi của mình trong sách giáo khoa được chính phủ phê duyệt và ban hành; tin tưởng những câu trả lời đó là đúng. Ngày nay, các em sẽ tìm thấy hàng trăm ngàn câu trả lời cho câu hỏi trên mạng trực tuyến. Việc tìm ra điều gì là đúng và điều gì là sai, hay điều gì thực và điều gì ảo đều tùy thuộc vào khả năng của mỗi em".

"Quá trình đọc không còn chủ yếu là trích xuất thông tin, mà còn là xây dựng kiến ​​thức, suy nghĩ chín chắn và đưa ra những đánh giá có căn cứ".

Chưa đến 1/10 học sinh được khảo sát tại các quốc gia OECD có thể "phân biệt giữa thực tiễn và ý kiến, dựa trên các dấu hiệu ngầm liên quan đến nội dung hoặc nguồn thông tin".

Các khu vực trong đó hơn 1/7 học sinh thể hiện khả năng phân biệt thực tế với ý kiến ​​rõ nhất, bao gồm bốn khu vực của Trung Quốc, Canada, Estonia, Phần Lan, Singapore và Mỹ.

Ngọc Hạ (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI