Tiền ngân sách, cứ vô tư xài

24/06/2019 - 08:15

PNO - Kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM về nhiều vấn đề tại Sở GD-ĐT TP.HCM đã cho thấy những bức xúc của giáo viên, dư luận là có thật và những sai phạm này cần phải được chấn chỉnh ngay lập tức.

Những tiêu cực trong ngành GD-ĐT TP.HCM diễn ra từ lâu, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có nhiều loạt bài đề cập. Đầu năm 2016, giáo viên của nhiều trường THPT gửi đơn tố cáo lên Thành ủy và UBND TP.HCM. Chưa phải là tất cả, nhưng kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM về nhiều vấn đề tại Sở GD-ĐT TP.HCM đã phần nào cho thấy những bức xúc của giáo viên, dư luận là có thật và những sai phạm này cần phải được chấn chỉnh ngay lập tức.

Xài tiền bất chấp các yêu cầu

Với kiểu đào tạo, bồi dưỡng mà Sở GD-ĐT TP.HCM đã làm không thể không khiến người ta nghĩ rằng đơn vị này vẽ ra các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chỉ để… xài tiền. Liên quan đến những sai phạm về tiền nong, nổi bật là hợp đồng đào tạo giáo viên dạy các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh ngày 4/7/2017 do sở GD-ĐT ký với một công ty cổ phần quản lý giáo dục và đầu tư trị giá hơn 36 tỷ đồng. 

Tien ngan sach, cu vo tu xai

Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có nhiều loạt bài phản ánh những sai phạm của Sở GD-ĐT TP.HCM

Về chương trình này, ngày 31/5/2017, sở GD-ĐT có văn bản xin ý kiến chọn đơn vị tổ chức đào tạo giai đoạn 2017 - 2020 và đề xuất UBND TP.HCM cho phép chọn đơn vị trên là đơn vị phối hợp với sở tổ chức đào tạo với chuẩn đánh giá là Chứng chỉ đào tạo quốc tế cấp độ II do Pearson Education (Anh) cấp. Sau đó, UBND thành phố có văn bản chấp thuận chủ trương, nhưng để đảm bảo đúng pháp luật, UBND thành phố đã đưa ra các điều kiện.

Tuy nhiên, sở GD-ĐT đã không thực hiện các nội dung như: xác định trên thực tế có còn đơn vị nào khác có thể thực hiện đào tạo; không có quyết định đầu tư được phê duyệt và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Căn cứ duy nhất để sở GD-ĐT ký hợp đồng là Chứng thư thẩm định giá số 21850/17SG ngày 28/6/2017 của Công ty cổ phần Giám định Ngân Hà.

Nhưng chứng thư thẩm định này thực chất không có giá trị, vì chỉ dựa vào giá học phí tham khảo tại một số trung tâm dạy tiếng Anh tại TP.HCM mà không có nội dung - chương trình “đào tạo giáo viên dạy các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh” nào, cũng như chi phí để tham khảo. Thanh tra cho rằng chứng thư nói trên “chưa đủ cơ sở để xác định giá trị”. 

Đặc biệt, theo đề nghị của sở Tài chính tại văn bản số 4949/STC-HCSN ngày 22/6/2017, sở GD-ĐT phải trình UBND thành phố xem xét quyết định về giá dịch vụ đào tạo, nhưng sở GD-ĐT đã “bỏ qua” khâu quan trọng này(!?). Thanh tra kết luận: “Trách nhiệm đối với thiếu sót, khuyết điểm này thuộc về Giám đốc Sở GD-ĐT, các cá nhân phân công phụ trách”.

Ngoài vụ xài tiền nói trên, năm 2017, sở còn tổ chức hai chuyến học tập bồi dưỡng ở nước ngoài cho giáo viên. Chuyến thứ nhất - tổ chức cho cán bộ đi bồi dưỡng quản lý ngành học mầm non tại Nhật Bản - thanh tra phát hiện “chi phí phụ cấp tiền tiêu vặt là 46,4 triệu đồng không đúng quy định, vì khoản tiền này không được thanh toán trực tiếp cho các cá nhân đi công tác nước ngoài”.

Còn chuyến thứ hai - tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh cốt cán các cấp tại Mỹ từ ngày 3-16/12/2017 là sai, vì: thứ nhất, sở GD-ĐT căn cứ vào quyết định số 448/QĐ-UBND ngày 31/1/2012 của UBND thành phố (về phê duyệt đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2011 - 2020) để đề xuất UBND thành phố phê duyệt chủ trương và kinh phí. Theo thanh tra, đề xuất này là “không có căn cứ”, vì quyết định 448 không đề cập chuyện “tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm tại nước ngoài (Mỹ)”.

Thứ hai, giám đốc sở ban hành quyết định 2483/QĐ-GDĐT-TC ngày 1/12/2017 cử đoàn cán bộ, giáo viên cốt cán tham gia khóa bồi dưỡng tiếng Anh tại Mỹ năm 2017 là vượt thẩm quyền, bởi theo quy định tại khoản 1, điều 6, quyết định 05/2013/QĐ-UBND ngày 23/1/2013 của UBND TP.HCM thì chỉ có Chủ tịch UBND thành phố mới được ra quyết định và xét duyệt cho cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài.

Thứ ba, hợp đồng mà sở ký với đối tác là Công ty cổ phần IIG Việt Nam để thực hiện “khóa bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh cốt cán các cấp tại Mỹ” trong hai tuần lễ không thể hiện nội dung chương trình.

Với kiểu đào tạo, bồi dưỡng mà Sở GD-ĐT TP.HCM đã làm không thể không khiến người ta nghĩ rằng đơn vị này đã vẽ ra các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chỉ để… xài tiền.

Nhà dột từ nóc

Qua kiểm tra hơn 2.708 tỷ đồng ngành GD-ĐT đã sử dụng năm 2017 và đề nghị thành phố quyết toán, thanh tra phát hiện, sau khi nhận ngân sách của thành phố giao, sở GD-ĐT thực hiện phân bổ lại cho các đơn vị trực thuộc theo các tiêu chí, định mức khác nhau và chưa phù hợp theo quy định về mức phân bổ chi ngân sách trong lĩnh vực giáo dục mà UBND thành phố quy định. Kiểm tra tại tám đơn vị trực thuộc, thanh tra phát hiện, năm 2017, sở GD-ĐT cấp ngân sách cho sáu đơn vị nhiều hơn số học sinh thực tế lên đến hơn 563 triệu đồng và chi vượt lương, phụ cấp cho Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai hơn 458 triệu đồng. 

Tien ngan sach, cu vo tu xai

Không chỉ ở sở GD-ĐT, những sai phạm về tài chính ở các trường THPT cũng trở nên phổ biến. Ví dụ, trong năm 2017, Trường THPT Marie Curie còn để tồn quỹ tiền mặt lên tới hơn 3 tỷ đồng vào cuối mỗi tháng; số tiền học phí thu được từ học sinh là 3,3 tỷ đồng nhưng trường chỉ nộp 348,5 triệu đồng.

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chi thanh toán cho các đơn vị cung cấp dịch vụ xe đưa rước học sinh, suất ăn học sinh, dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh với tổng số tiền lên đến 822 triệu đồng nhưng không có hóa đơn. Trường THPT Nguyễn Thị Diệu báo cáo trích kinh phí cải cách tiền lương năm 2017 với số tiền gần 470 triệu đồng, lệch rất nhiều so với số tiền gần 1,2 tỷ đồng trường còn gửi trong kho bạc và ngân hàng. 

Nhưng sai phạm nổi cộm vẫn là việc các trường THPT mang tài sản công cho thuê. Cuối năm 2012, Trường THPT Marie Curie ký hợp đồng hợp tác đầu tư trong 10 năm (thực chất là cho thuê mặt bằng) với Công ty cổ phần Văn hóa Ngôi Nhà Xanh ngay trên đất của trường. Với việc làm sai trái này, ngày 4/3/2015 UBND thành phố đã ra văn bản số 1077/UBND-TM giao Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ đạo hiệu trưởng nhà trường phải chấm dứt ngay việc cho thuê, thu hồi mặt bằng sử dụng đúng mục đích làm trường học, đồng thời báo cáo UBND thành phố.

Nhưng phớt lờ chỉ đạo của UBND thành phố, ngày 16/9/2016, hiệu trưởng trường này tiếp tục ký hợp đồng hợp cho thuê 1.600m2 tại góc đường Điện Biên Phủ - Lê Quý Đôn với Công ty TNHH GYM ONE. Với văn bản chỉ đạo 1077/UBND-TM của UBND thành phố trước đó, ngày 21/9/2015, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie đã ký biên bản thanh lý hợp đồng với Công ty cổ phần văn hóa Ngôi Nhà Xanh, nhưng đến nay, sau gần ba năm, sự thực vẫn đang trêu ngươi tất cả, Công ty Ngôi Nhà Xanh vẫn trực tiếp sử dụng nhà đất của trường này! 

Cho đến nay, tổng số tiền mà Trường THPT Marie Curie đã nhận từ hai công ty thuê đất là hơn 1,5 tỷ đồng. Còn tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, số tiền thu được trái quy định từ cho thuê phòng học, nhà thi đấu thể dục thể thao, sân bóng đá, lắp máy ATM lên đến 5,3 tỷ đồng. Ngoài số tiền chi nộp thuế và trích Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, số tiền còn lại gần 3,2 tỷ đồng (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) và hơn 1,1 tỷ đồng (Trường THPT Marie Curie) các trường đã trích lập không hợp pháp vào các quỹ khen thưởng, phúc lợi, bổ sung hoạt động, cải cách tiền lương, khấu hao tài sản và chi trực tiếp cho các hoạt động.

Không chỉ ở hai trường THPT Lê Hồng Phong và Marie Curie mà rất nhiều trường THPT tại TP.HCM hiện cũng làm sai và bị giáo viên kiện thưa, đặc biệt là về thu chi tài chính. Nhiều giáo viên đã lý giải hiện tượng này là do “nhà dột từ nóc” với ý rằng: lãnh đạo Sở GD-ĐT không gương mẫu thì bảo sao hiệu trưởng các trường không sai. 

Minh Nhật

Xử lý khiếu nại, tố cáo theo kiểu... sở GD-ĐT!

Trong năm 2017, Sở GD-ĐT TP.HCM nhận 186 đơn thư, trong đó 57 đơn tố cáo, 25 đơn khiếu nại, 104 đơn kiến nghị - phản ánh. Nhưng việc giải quyết đơn thì thật sự “hài hước” và khiến người gửi đơn vô cùng thất vọng. 

Trong 186 đơn thư tố cáo, khiếu nại, phản ánh nói trên, sở GD-ĐT chuyển tám đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng không thông tin kết quả xử lý cho người gửi đơn theo quy định tại điều 28 Luật Tiếp công dân năm 2013. 

Với đơn tố cáo Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ, Q.8, Văn phòng UBND thành phố có văn bản giao sở GD-ĐT kiểm tra, giải quyết theo đúng thẩm quyền và báo cáo kết quả, nhưng sở không làm mà chuyển về Phòng GD-ĐT Q.8 và cũng không báo cáo. Với đơn tố cáo sai phạm tại Trường THPT Trần Phú được đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chuyển và đơn tố cáo sai phạm ở Trường THPT chuyên Năng khiếu Thể dục thể thao Nguyễn Thị Định do Thanh tra TP.HCM chuyển, sở GD-ĐT có xử lý nhưng không có văn bản trả lời đoàn đại biểu Quốc hội và Thanh tra thành phố theo quy định. 

Có bảy lá đơn tố cáo, phản ánh, kiến nghị không thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, thay vì phải chuyển đến những cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì sở lại… giữ đơn. 

Trong số 25 đơn khiếu nại, sở GD-ĐT không thụ lý giải quyết bất kỳ đơn nào vì… “không đủ điều kiện thụ lý”. 

Về 57 đơn tố cáo, sở thụ lý giải quyết ba đơn, trong đó có đơn tố cáo Ban giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Bình Thạnh. Và việc giải quyết đơn thư tố cáo của sở thật “hài hước”: thanh tra sở làm việc với người tố cáo và xác định 10 nội dung tố cáo, nhưng khi ra quyết định thụ lý giải quyết và kết luận tố cáo thì chỉ còn năm nội dung. Sở giải trình có hai nội dung trùng lắp và ba nội dung người tố cáo không cung cấp được chứng cứ liên quan (!). Thanh tra thành phố cho rằng: “Đối tượng thụ lý giải quyết tố cáo và hành vi vi phạm pháp luật đã được xác định tại bước xử lý đơn, nên sở phải thụ lý giải quyết cả 10 nội dung để kết luận”. 

Đó là chưa kể, quá trình thanh tra xác minh, biên bản làm việc của thanh tra sở với giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Bình Thạnh thì không có chữ ký của giám đốc trung tâm. Biên bản làm việc với kế toán trung tâm thì không có chữ ký của cả hai bên. Đã vậy, sở chỉ niêm yết kết luận nội dung tố cáo trong vòng năm ngày thay vì 15 ngày theo quy định.

Trong năm 2017, sở GD-ĐT tổ chức sáu đoàn thanh tra hành chính và 26 đoàn thanh tra chuyên ngành. Ngoài việc ghi nhật ký không đúng, không ban hành thông báo kết thúc thanh tra, chậm báo cáo kết quả, không ban hành kết luận, thì sở còn không niêm yết công khai 26 kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra theo quy định tại khoản 3, điều 39 Luật Thanh tra 2010 và khoản 1, điều 37 Thông tư 05/2014/ TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI