Thị trường ngầm 'mua bán' thông tin thí sinh

22/05/2019 - 10:06

PNO - Dữ liệu thông tin cá nhân của thí sinh được 'trao đổi' một cách thoải mái, từ họ tên, địa chỉ nhà, email, số điện thoại riêng cho đến đăng ký môn thi gì, xu hướng chọn ngành..., chỉ cần xin, mua là có.

Có thể thấy, từ khi thi THPT quốc gia đến nay, kể cả khi thí sinh chưa thi thì các trường đại học đã có đầy đủ thông tin cá nhân của thí sinh. Việc các trường giành giật gọi điện, tư vấn, mời nhập học đã khiến cho tình hình thêm xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh. 

Thi truong ngam 'mua ban' thong tin thi sinh
 

Dữ liệu thông tin cá nhân của thí sinh được 'trao đổi' một cách thoải mái, từ họ tên, địa chỉ nhà, email, số điện thoại riêng cho đến đăng ký môn thi gì, xu hướng chọn ngành nào… đều có thể biết, chỉ cần xin, mua là có. Một trường đại học có thể mua dữ liệu thí sinh của rất nhiều tỉnh, thành và một chủ nguồn dữ liệu cũng có thể bán cho hàng chục trường khác nhau.  

Ngày trước, khi còn thi đại học theo hình thức '3 chung', thí sinh đăng ký trực tiếp với trường đại học nên người bán là các trường đại học công lập có tổ chức thi. Nhưng từ khi thi THPT quốc gia '2 trong 1' thì địa chỉ 'bán' được đổi thành các sở GD-ĐT địa phương. Và người mua là các trường đại học tư thục. Mức giá để có được toàn bộ dữ liệu thí sinh trong địa bàn tuyển sinh tiềm năng cũng không hề rẻ. Bởi vậy, trường công thường không mua, mà có quan hệ nên xin.

Nhưng người quen 'cho' thì cũng phải 'cảm ơn' để giữ mối quan hệ. Trường tư có kinh phí nên thường mua đứt bán đoạn một lèo hàng loạt tỉnh. Một vị phó phòng tuyển sinh của trường tư 'bật mí': thường thì tùy vào số lượng thí sinh của mỗi sở GD-ĐT mà giá thành sẽ khác nhau, từ 2, 3 đến 10 triệu đồng.

Với những trường tư thục, nhất là trường đóng đô ở tỉnh thì việc đi gom dữ liệu thí sinh về để khai thác, gọi cho thí sinh là tất yếu. Có trường mỗi năm phải tốn gần trăm triệu chi riêng cho việc thu thập dữ liệu 'khách hàng tiềm năng'. Trường tư có cơ chế khoán cho bộ phận tuyển sinh với điều kiện phải đạt được chỉ tiêu nên bằng mọi giá phải có được dữ liệu của thí sinh.

Ngoài việc đi tư vấn tuyển sinh, các trường phải tháp tùng thật nhiều ngày hội tuyển sinh để thí sinh đến trường tham quan, tổ chức hoạt động vui chơi, tư vấn cả ngày. Nhưng những hoạt động đó chỉ là phụ, khâu chính là phát phiếu khảo sát để lấy thông tin của thí sinh nhằm phục vụ cho công đoạn xét tuyển sau đó. 

Sau khi gom được dữ liệu, các trường sẽ phân loại. Đầu tiên là chia theo từng nhóm ngành nghề để tư vấn trực tiếp cho từng em. Sau khi có điểm sẽ phân loại những thí sinh có mức điểm rớt trường cao hơn và đủ đậu trường mình để gọi… hỏi về nguyện vọng. Và cuối cùng là gửi giấy báo mời nhập học. Hằng năm, rất nhiều thí sinh nhận được thư gọi nhập học của cả chục trường mà bàng hoàng không biết mình đã đăng ký vào trường đó lúc nào mà bỗng dưng trúng tuyển. Còn các trường cứ rải giấy báo nhập học và chờ thí sinh…

Trường công thì có cách làm khác, vì ngoài sức hút vốn có của 'mác công lập' thì các trường cũng có mối quan hệ ngang hàng với các sở GD-ĐT. Mỗi khi đi tư vấn tuyển sinh, các trường đại học có gửi kèm các phiếu khảo sát thông tin, khai thác triệt để mạng xã hội, xây dựng hệ thống chatbot để tìm kiếm khách hàng tiềm năng từ internet. 

Việc mua bán để khai thác thông tin thí sinh này hầu như rất nhiều trường làm nhưng phải giữ đúng cam kết không được lộ thông tin vì sai quy định. Tất nhiên là không đúng khi tự ý đem bán thông tin cá nhân của thí sinh, nhưng với áp lực tuyển đủ chỉ tiêu trong tình hình cạnh tranh nguồn tuyển như hiện nay, nhiều trường vẫn cứ mua và có người mua, ắt có người bán… 

   Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI