Thầy trò cùng ‘về đích’ trong cuộc thi... cắm hoa

20/10/2019 - 10:53

PNO - Thay cho những lời tung hô hoặc tiệc tùng ồn ào… các học sinh được trải nghiệm một không khí xúc động. Tôi nghĩ sau buổi sinh hoạt này, các em sẽ biết sống tốt hơn với mẹ, với chị...

Hơn 400 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 của Trường THCS - THPT Phạm Ngũ Lão (Q.Gò Vấp) đã có tiết học thú vị qua cuộc thi cắm hoa với chủ đề Phụ nữ Việt. Chỉ trong vòng 30 phút trổ tài, những bông hoa đã được các em cắt tỉa, uốn, cài và tạo hình khéo léo chẳng khác gì ở tiệm.

Vừa tới vị trí của lớp 10A1, học sinh Nguyễn Hùng Chiến đã nhanh nhảu bước ra chào thầy: “Lát nữa, thầy sẽ thấy tụi em sáng tạo như thế nào”. Tôi khá ngạc nhiên. Vì Chiến là học sinh chưa ngoan của lớp, không hiểu sao giáo viên chủ nhiệm lại giao cho em nhiệm vụ quan trọng này.

Thay tro cung ‘ve dich’ trong cuoc thi... cam hoa
Các nam sinh cắt tỉa cành và cắm hoa khéo léo không thua gì ở tiệm

Khi gặp cô chủ nhiệm của lớp, cô cho biết: Nhà trường cố tình để những em học sinh chưa ngoan đảm nhiệm việc này. Đặc thù của cuộc thi là sự tỉ mỉ, sáng tạo và ý tưởng mới. Khi thực hiện, học sinh sẽ nhận ra ý nghĩa thiết thực từ những việc làm nhỏ của mình.

Tôi hỏi một học sinh lớp 11A1, tại sao chọn đôi quang gánh để bày trí hoa. Em chia sẻ: “Chúng em thấy phụ nữ lúc nào cũng chịu nhiều gánh nặng từ cuộc sống. Hình ảnh quang gánh này tượng trưng cho điều đó”. Các em còn giải thích rằng, đóa hoa rạng rỡ ở mỗi đầu quang gánh tượng trưng cho phụ nữ dù gặp nhiều áp lực, gánh nặng, thử thách… họ vẫn luôn quyến rũ và lung linh.

Thay tro cung ‘ve dich’ trong cuoc thi... cam hoa
Phần thuyết trình về chủ đề cắm hoa

Phần dự thi còn có nội dung thuyết trình. Mỗi lớp cử từ một đến hai học sinh lên để truyền tải thông điệp từ sản phẩm. Thầy Phạm Xuân Trường, hiệu trưởng nhà trường, nhận xét: Mặc dù lời lẽ của các em còn chưa được gãy gọn, ý tứ còn vụng về nhưng thành công nhất của buổi sinh hoạt này khi hình ảnh người mẹ, người chị được nhắc lên, cả trường không cần phải nhắc nhở trật tự mà các em vẫn biết tự lắng lòng, suy nghĩ...

Tôi cũng thấy rằng, nơi này không còn là một cuộc thi hay một buổi mít tinh kỷ niệm gì nữa. Đó là một tiết học ngoài trời của nhà trường. Học sinh đã cảm nhận được nhiều bài học bổ ích của cuộc sống. Nhất là về tình mẫu tử.

Trong phát biểu của giám khảo Hoàng Văn, giáo viên bộ môn toán tại trường, tôi thấy đôi mắt thầy ươn ướt. Thay vì nhận xét về cuộc thi, thầy Văn lại lên trước sân trường để cảm ơn học sinh các lớp: “Chính các em đã nhắc nhở thầy về ý nghĩa của ngày Phụ nữ Việt Nam. Ngày ngày rong ruổi, mệt nhoài tới lớp, thầy đôi khi còn quên cả việc mẹ của mình ngày hôm nay như thế nào...”.

Thay tro cung ‘ve dich’ trong cuoc thi... cam hoa
Nam sinh thuyết trình về chủ đề "Đôi quang gánh" 

Gửi gắm xong tâm tư, thầy Hoàng Văn cũng đã dặn dò các em học sinh rằng hãy luôn biết thương mẹ của mình. Em nào đã từng mắc lỗi, hãy cố gắng sửa. Nghe những lời tâm tư chân thành đó của đồng nghiệp, tôi cũng thấy khóe mắt mình cay cay.

Không gian trường học tạm lắng những tiếng ồn ào của học sinh. Tất cả đã nhường lại cho một vài giây phút tĩnh lặng và êm đềm. Xong buổi lễ, nhiều người hơi trầm tư. Chắc họ đang suy nghĩ về những người phụ nữ đã lặng thầm cống hiến cho cuộc sống của họ.

Thay cho những lời tung hô hoặc tiệc tùng ồn ào… các học sinh được trải nghiệm một không khí xúc động thực sự. Tôi nghĩ sau buổi sinh hoạt này, các em sẽ biết sống tốt hơn với mẹ, với chị. Ở đâu đó tại nơi làm việc, hoặc đang cặm cụi với bếp núc gia đình… những người phụ nữ sẽ thực sự thấy hạnh phúc vì điều này.

Hoàng Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI