Tâm sự nghẹn lòng của những cô giáo dạy trẻ tự kỷ

19/11/2019 - 20:15

PNO - Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy một trẻ tự kỷ còn khó gấp trăm, ngàn lần. Đối với những nữ giáo viên dạy trẻ tự kỷ, điều hạnh phúc nhất chỉ đơn giản là khi các con làm được những việc... bình thường.

Gần chục năm gắn bó với trẻ tự kỷ, đó cũng là ngần ấy thời gian cô Tôn Thị Trí - 34 tuổi, dạy học tại Quỹ bảo trợ trẻ em Nghệ An - gắn bó với hàng trăm câu chuyện về những đứa con đặc biệt của mình.

Ngoài những lần phải “vật lộn” với chính học sinh của mình để tránh bị thương, nữ giáo viên này cũng không ít lần rơi nước mắt khi chứng kiến học trò của mình làm được những điều quá đỗi bình thường như ngồi ghế, khoanh tay, đọc số đếm...

Vật lộn với trò

“Những điều tưởng như đơn giản đó lại là một kỳ tích đối với không ít đứa trẻ tự kỷ”, cô Trí nói. Cô cho hay giáo viên dạy trẻ bình thường đã vất vả, còn các cô giáo dạy trẻ tự kỷ không chỉ có khó khăn mà còn muôn vàn áp lực. Bởi thế, ngoài kỹ năng sư phạm, giáo viên cần có sự quan sát, yêu mến, cảm thông và coi học trò như chính con em của mình vậy.

Tam su nghen long cua nhung co giao day tre tu ky
Dạy trẻ tự kỷ ngoài chuyên môn còn cần tình thương và lòng nhẫn nại

Buộc lại mái tóc của mình trước khi chuẩn bị đón trẻ, nữ giáo viên này mỉm cười cho hay đã quyết định cắt ngắn mái tóc dài sau khi trị liệu cho một cô bé có tên thường gọi là San. San là một cô bé hiếu động, thường giật tóc cô mỗi khi gặp vấn đề.

“Có những hôm, cô bé cứ nắm chặt tóc cô giật mà không chịu buông. Hai ba cô phải vừa thuyết phục vừa gắng gỡ tay con mãi mới được”, cô Trí kể.

Niềm nở dắt tay bé gái 5 tuổi đi vào lớp rồi hướng dẫn con trẻ vẫy tay chào mẹ, cô Trí cho hay phải mất gần bốn tháng trời tập luyện, bé gái này mới học được thói quen đơn giản ấy.

Nữ giáo viên này cho hay, việc trị liệu cho trẻ tự kỷ ở độ tuổi càng nhỏ thì sẽ càng có tỷ lệ tiến bộ cao. Ký ức về lần vật lộn để giải thoát cho bản thân bởi vòng kìm kẹp của một cậu bé to khỏe 10 tuổi bảy năm trước đến nay vẫn còn in đậm trong tâm trí cô Trí.

Tam su nghen long cua nhung co giao day tre tu ky
Cô Ngân hướng dẫn học trò cách phát âm một số đồ dùng thường gặp hằng ngày

“Sợ nhất là những em đã lớn tuổi, khi đó các em có sức khỏe nên việc cô bị tấn công rất dễ xảy ra. Có lần, mình bị một cậu bé 10 tuổi vật ngã xuống nhà, không biết làm sao thể thoát ra được. Bốn cô khác thấy vậy cũng chạy tới ứng cứu nhưng chẳng dễ gì, rồi ai cũng bị trầy xước hết cả da”, cô Trí kể.

Dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp vì không hề có giáo án hay phương pháp cụ thể mà hầu hết là tùy vào tình trạng của từng trẻ để có cách dạy và trị liệu riêng. Việc trị liệu cho trẻ tự kỷ phụ thuộc một nửa vào trẻ, một nửa còn lại là giáo viên và gia đình.

Cô Trí cho hay đây cũng chính là áp lực lớn mà giáo viên dạy trẻ tự kỷ gặp phải bởi nhiều phụ huynh ít hợp tác song lại đòi hỏi sự tiến bộ của con quá cao.

Tam su nghen long cua nhung co giao day tre tu ky
Cô Trí cẩn thận xem lại các bảng đánh giá học trò để điều chỉnh phương pháp trị liệu cho trẻ sau mỗi giờ lên lớp

Người lái đò thầm lặng

Gần 10 năm trong nghề với bao nhiêu kỷ niệm, cô Trí có nhiều những nỗi niềm mà chỉ những ai đã từng trải qua nghề dạy trẻ tự kỷ mới thực sự thấu hiểu. Nhìn những món quà, lẵng hoa... hay chí ít là lời chúc mừng ngày lễ 20/11 mà đồng nghiệp mình nhận được, cô Trí cười: “rồi cũng quen cả thôi.

Đối với giáo viên dạy trẻ tự kỷ như chúng tôi, điều vui nhất là nhìn trẻ ngày một tiến bộ, sớm tái hòa nhập cộng đồng”.

Ấy thế nhưng vẫn có những nồi buồn từ sâu thẳm mà cô Trí cùng các đồng nghiệp ở Quỹ bảo trợ trẻ em Nghệ An chỉ còn biết động viên nhau. Nữ giáo viên này vẫn đùa với đồng nghiệp “bọn mình cũng là người lái đò nhưng trong thầm lặng”.

Gặp lại trăm học trò trên đường thì hầu như đến 99 em chẳng còn nhận ra cô là điều dễ hiểu, song nhiều giáo viên tỏ ra buồn khi ngay cả phụ huynh cũng hiếm khi dám nhận người quen.

Tam su nghen long cua nhung co giao day tre tu ky
Các cô giáo kiên nhẫn hướng dẫn trò cách xếp và phân biệt những con số

“Trò thì đương nhiên là không mấy ai nhận ra cô. Thế nhưng cũng buồn khi gặp lại phụ huynh ở ngoài nhưng chẳng mấy ai dám chuyện trò hay chào xã giao. Bởi ai cũng né tránh và ngại để mọi người biết con, em mình đang học ở lớp tự kỷ” - cô Trí chia sẻ.

Nhẫn nại đọc chậm, mở rộng khẩu hình miệng hướng dẫn cậu bé bốn tuổi cách phát âm về một số vật dụng, cô Võ Thị Ngân (26 tuổi) cho biết, đối với trẻ tự kỷ, mỗi em sẽ có một triệu chứng.

Em thì thu mình vào thế giới riêng, không nói chuyện với ai; em lại nói quá nhiều, em lại mắc chứng không tập trung. Có bé tiếp thu chậm, cũng có nhiều bé thông minh, tiếp thu nhanh nhưng dễ quên. 

Bên cạnh những áp lực, nữ giáo viên 26 tuổi này vẫn tìm thấy trong đó nhiều điều đáng yêu từ học trò của mình.

“Nó khó diễn tả lắm, có những lúc trẻ vừa biểu lộ cảm xúc vừa chậm rãi tập nói trông đang yêu và buồn cười lắm” - cô Ngân nói. Chính những cảm xúc ấy là động lực để một cô gái học ngành y quyết định vào dạy học cho trẻ tự kỷ như Ngân.

Tam su nghen long cua nhung co giao day tre tu ky
Những việc hết sức bình thường như nhặt bóng bỏ vào giỏ song vẫn được hai cô trò miệt mài luyện tập

Bà Nguyễn Thị Lài - Phó giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Nghệ An - cho biết, hiện tại trung tâm có 12 giáo viên trực tiếp giảng dạy khoảng 50 trẻ tự kỷ. Khác với những trung tâm dạy trẻ tự kỷ tư nhân, các giáo viên ở Quỹ Bảo trợ trẻ em Nghệ An chỉ dạy học sinh trong 1 tiếng, sau đó các em sẽ được đón quay lại trường học.

“Chúng tôi muốn các em vẫn có thể tiếp xúc dần với thế giới bên ngoài để có thể sớm tái hòa nhập cộng đồng hơn so với việc chỉ học gò bó trong một môi trường kín” - bà Lài nói.

Sau nhiều năm dạy trẻ tự kỷ, Nguyễn Thị Uyên - 29 tuổi, quê huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - đã quyết định chọn hướng đi riêng cho mình bằng cách mở một cửa hàng hoa để làm nơi giúp trẻ tự kỷ dần “lấy lại chính mình”. Đây cũng chính là nơi để cô thỏa niềm đam mê về hoa song song với việc dạy trẻ tự kỷ.

“Cửa hàng hoa này không chỉ là nơi giúp trẻ vui chơi, tập làm việc mà còn là nơi để tôi giải tỏa stress sau mỗi buổi dạy trẻ tự kỷ. Những người dạy cho trẻ tự kỷ vẫn thường sẽ chọn cho mình một nơi để giải tỏa căng thẳng, áp lực như tập yoga, tập đàn, hát... Riêng tôi thì chọn vườn hoa” - Uyên nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI