Sự im lặng của… một người

24/06/2019 - 14:23

PNO - Im lặng, không phản hồi trước những bức xúc, bất công trong môi trường giáo dục, trong sự lây lan sang môi trường xã hội - gia đình, kéo dài trong sự khuất tất, lấp liếm thì chắc chắn sẽ dẫn đến khủng hoảng về lòng tin.

Trong bốn kỹ năng cơ bản, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM có vẻ thông thạo kỹ năng nói.

Thì đây: từ tháng 10/2017, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có nhiều bài viết về việc sở liên tục tổ chức các hội nghị tổng kết, các đợt tập huấn, bồi dưỡng ở tỉnh xa, rất tốn kém; Thành ủy TP.HCM chỉ đạo chấn chỉnh, sở vẫn bỏ ngoài tai.

Tháng 4/2018, buộc phải đăng ký tham dự chuyến “Học tập kinh nghiệm xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” ở Đà Lạt, một hiệu trưởng trường mầm non ở Q.5 nổi nóng với chúng tôi, bảy triệu rưỡi mỗi người chứ ít gì, giá thực chỉ một nửa. Nhưng họ không ghi vào thông báo mà chỉ… truyền đạt miệng thôi.

Su im lang cua… mot nguoi
Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 của Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức tại Phú Quốc

Lời nói mang tính “chủ trương” của sở, theo gió mà bay về các phòng giáo dục, hiệu trưởng các trường; thế là các cuộc hội họp, hội thảo, tập huấn vẫn cứ nở rộ, trên tinh thần… tự nguyện, tự túc của các đơn vị tham gia. Gần thì Bà Rịa - Vũng Tàu, 2 ngày; xa thì các tỉnh miền núi phía Bắc, 5-7 ngày, học thì ít mà tập hợp tham quan, du hí thì nhiều. Giá tour lại… bao đắt hơn giá thị trường.

Kỹ năng yếu nhất của sở chính là kỹ năng nghe. Có lắng nghe thì mới hiểu, hiểu để làm, làm tiếp cái đúng và chấn chỉnh cái chưa đúng, cái đang sai, cái bất chấp sai đúng.

Trong nhiều quyết định liên quan tới kinh phí dịch vụ đào tạo, cử đoàn cán bộ, giáo viên bồi dưỡng chuyên môn ngoài nước, sở đều phớt lờ vai trò của cơ quan cấp trên, tức UBND TP.HCM, tự mình ra quyết định vượt thẩm quyền. Những sai phạm nghiêm trọng về việc cho thuê và sử dụng sai mục đích mặt bằng tại các trường học, UBND TP.HCM giao sở chỉ đạo hiệu trưởng chấn chỉnh, nhưng hầu như hiện trạng vẫn tiếp tục diễn ra.

Đặc biệt, trong công tác xử lý khiếu nại, tố cáo, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã phản hồi bằng một chữ không to tướng: không thông tin kết quả xử lý cho người gửi đơn; Văn phòng UBND TP.HCM chuyển đơn, giao sở kiểm tra, giải quyết thì sở không làm mà chuyển về cho phòng giáo dục Q.8, cũng không báo cáo lại văn phòng ủy ban; sở cũng không trả lời kết quả xử lý đơn tố cáo do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Thanh tra TP.HCM chuyển; nhưng có đến 7 lá đơn tố cáo, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của sở thì sở lại giữ lại; hoặc với 26 kết luận thanh tra, sở cũng chẳng thèm niêm yết công khai tại trụ sở của các cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra…

Sự im lặng không chỉ diễn ra trong bốn tháng; mà chỉ bốn tháng thôi, trên bục giảng, cũng đã đủ làm cho những đứa trẻ không thể lặng im như bầy cừu. Chúng có tiếng nói của sự chân thành, phản kháng và chính đáng.

Huống gì, im lặng - không phản hồi trước những bức xúc, bất công trong môi trường giáo dục, trong sự lây lan sang môi trường xã hội - gia đình, kéo dài trong sự khuất tất, lấp liếm thì chắc chắn sẽ dẫn đến khủng hoảng về lòng tin, khi giáo dục lại chính là nơi sản sinh ra sự bất tín.

Nói trắng ra, đằng sau sự im lặng của một tập thể lãnh đạo, đúng ra là của cá nhân người đứng đầu - ông giám đốc sở Lê Hồng Sơn - là sự không tuân thủ chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM; sự bất chấp, phớt lờ mọi khiếu nại, phản ánh, phản biện của các cơ quan giám sát, báo chí; cũng chính là bỏ qua tiếng nói từ trong chính đội ngũ nhà quản lý, nhà giáo, phụ huynh, học sinh.

Chút an ủi sau cùng, những thành quả giáo dục, những thành tựu quản trị giáo dục và khoa học đã được gieo trồng, gặt hái, kết tinh từ mảnh đất này, cho thành phố này hẳn đã không trông cậy vào sự im lặng vô hồn ấy, thậm chí, nó đã vượt qua mọi hạn hẹp, hỏng hóc, toan tính để vươn mình đón nhận, tìm tòi và cả thách thức để chiếm lĩnh tri thức, để truyền đi trách nhiệm vì cộng đồng, "trồng người" cho mai sau...

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI