Sống trong thời… loạn chuẩn, dạy người trẻ điều gì?

22/05/2019 - 21:06

PNO - Đó là băn khoăn của rất nhiều bậc cha mẹ, giáo viên phổ thông tại buổi tọa đàm
Giải pháp giáo dục nào cho thời loạn chuẩn diễn ra ngày 22/5.

'Loạn chuẩn là từ phù hợp nhất để diễn tả về thời đại 4.0 ở khía cạnh văn hóa', ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED nhấn mạnh.

Thời đại 4.0 đánh dấu sự bùng nổ về công nghệ, kinh tế. Đi đâu cũng nghe người ta nói đến công nghệ thời 4.0, trí tuệ nhân tạo… nhưng văn hóa lại ít được nhắc đến. Những thay đổi của nền kinh tế công nghệ đem đến cho các em nhỏ, bạn trẻ nhiều cơ hội để học tập, mở mang và hội nhập nhưng đồng thời cũng khiến họ hoang mang với những lựa chọn cho chính mình. Bạn trẻ sẽ phân vân: Mình nên yêu cái gì, theo đuổi con đường nào, điều gì là đúng - sai?... Sự hoang mang không thể minh định được mình nên đi về hướng nào dẫn đến những ngộ nhận ở người trẻ.

Ông Giản Tư Trung nêu ra một số ngộ nhận của giới trẻ hiện nay khi nhập nhằng giữa các khái niệm tự do và hoang dã, chân thật và trơ trẽn, cá tính và quái tính, đức tin và mê tín. Ranh giới hai bên rất mong manh và điều làm nên sự khác biệt chính là bạn có định hướng văn hóa hay không?

Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung đã dẫn chứng cho sự loạn chuẩn này bằng một loạt sự việc đáng quên của ngành giáo dục và xã hội trong thời gian gần đây. Từ gian lận từ cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, đến chuyện thỉnh vong ở chùa Ba Vàng, chuyện hãm hiếp bạn học ở Quảng Trị, học sinh đánh bạn dã man ở Hưng Yên, rồi chuyện thần tượng “giang hồ mạng” Khá Bảnh, hiện tượng Phúc XO…

Song trong thoi… loan chuan, day nguoi tre dieu gi?
Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung định nghĩa thời đại 4.0 ở khía cạnh văn hoá là "loạn chuẩn"

Nhà hoạt động giáo dục này cho rằng chúng ta đang sống trong thời đại biến động chóng mặt và khôn lường. Ông ví von rằng nếu lịch sử Việt Nam 4.000 năm cộng lại cũng không bằng sự thay đổi của riêng thế kỷ 20. Nhưng sự thay đổi của cả một thế kỷ cũng không bằng sự biến động của 10 năm đầu thế kỷ 21. Trong cơn biến động chóng mặt và khôn lường đó, mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều niềm tin bị đổ vỡ. Điều này khiến con người ta trở nên hoang mang, không phân biệt được đâu là đúng - sai, phải - trái, chân - giả, thiện - ác, chính - tà.

'Hàng loạt sự việc, hiện tượng tiêu cực xảy ra trong giới trẻ cho thấy nhiều chuẩn mực đang bị đảo lộn, nhiều giá trị bị thách thức, niềm tin bị đổ vỡ', ông Trung nói. Và ông gọi đó là sự loạn chuẩn. Vì sao là loạn chuẩn mà không phải là lệch chuẩn? 'Bởi vì khi tôi nói những biểu hiện đó là lệch chuẩn thì những bạn trẻ đó sẽ phản đối rằng chúng ta không có quyền phán xét họ lệch lạc'.

Ông cho rằng, chúng ta không nên nhìn xã hội 'màu hồng' hay 'màu đen' mà phải là 'màu đúng' của chính nó. Và chính những người lớn cũng đang gặp nhiều thách thức trong việc dạy dỗ con cái, học trò hơn bao giờ hết. Nhà trường và gia đình cần giúp sức để người trẻ đủ tỉnh táo, không 'loạn chuẩn', vững vàng vào đời, kiến tạo những chuẩn mực mới cho chính mình và xã hội. Vậy thì người lớn cần làm gì để dạy con, dạy trẻ trong một xã hội như thế? Đây trở thành câu hỏi của thời đại.

Theo ông Trung, việc đầu tiên cần làm là định nghĩa lại mọi thứ, trả mọi vấn đề về bản chất và chân giá trị của nó, cần hướng tới các giá trị phổ quát và những nguyên lý trường tồn. Đó là những chuẩn mực có giá trị lâu bền trong mọi không gian, thời gian, chứ không phải mình dạy con điều này mà sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng. Ông phân tích: 'Ở tuổi mới lớn, đứa trẻ nào cũng có một chút tính chướng, không chướng thì không phải là tuổi teen. Vấn đề là cha mẹ có giúp cái chướng đó thành cá tính, bản lĩnh hay để nó biến thành quái tính?'.

Lâu nay, người trẻ thường nghĩ tôi là trên hết (me first), khẳng định cái tôi cuả mình một cách ích kỷ, hẹp hòi. Điều này khác hoàn toàn với sự tự tin 'hãy là chính mình' (by myself).

'Con người ai cũng có quyền tự do, các bạn trẻ vẫn thường nhân danh quyền tự do của cá nhân để làm điều mình thích. Nhưng các bạn quên mất rằng tự do cũng giới hạn, nếu vượt qua giới hạn đó thì không còn tự do nữa mà trở thành hoang dã. Hoang dã cũng là tự do, cũng được làm tất cả những điều mình muốn nhưng hoang dã không có giới hạn, còn tự do thì có giới hạn.

Giới hạn đó ở 'bốn đạo': đạo luật (của nhà nước), đạo lý (của xã hội), đạo thiêng (đời sống tâm linh), đạo sống (lương tri của mình). Nếu sống đạp lên các 'đạo' này sẽ là vượt qua ranh giới của tự do, để bước qua thế giới của nổi loạn hay hoang dã', ông Giản Tư Trung phân tích.

Song trong thoi… loan chuan, day nguoi tre dieu gi?
Nhiều nhà giáo, phụ huynh cùng đi tìm lời giải: Dạy gì cho người trẻ?

Giải pháp được ông Trung đề xuất là nhà trường, gia đình cùng hướng đến một nền giáo dục khai phóng (bao gồm khai minh và khai tâm). Ba câu hỏi cho sự học khai phóng gồm 'tại sao phải học và học để làm gì', 'học gì để đạt được mục tiêu đó' và 'học như thế nào'. Theo đó, cần phát triển các chương trình khai phóng ngoại khóa cho học sinh phổ thông và triển khai chương trình song song với chương trình chính khóa của nhà trường hiện có.

Ông Trung nói: Nếu như STEM Education - giáo dục lấy phát triển các kỹ năng, kiến thức khoa học và công nghệ cho người học làm quan trọng thì PLEMS Education (giáo dục về khai minh và khai tâm) là vô cùng thiết yếu, nhất là trong bối cảnh loạn chuẩn hiện nay. Song hành với giáo dục STEM, giáo dục PLEMS sẽ góp phần phát triển con người tổng thể (The Whole Person) cho học sinh. Đó là gì? Là sự kết hợp tổng hòa của 5 thành tố: Philosophy/triết học, Self-Leadership/lãnh đạo bản thân, Entrepreneurship/tinh thần khởi tạo; Mindfulness/thiền tỉnh thức, Life Skills/kỹ năng sống.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI