Sao lại 'đẻ' ra quy định phạt tiền giáo viên?

09/10/2018 - 06:00

PNO - Kỷ luật luôn có tính hai mặt. Nếu dùng tiền để đổi lấy sai phạm thì còn đâu là giáo dục!

Sao lai 'de' ra quy dinh phat tien giao vien?
Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục với nhiều chế tài nhằm ngăn chặn những hành vi tiêu cực, trong đó có quy định phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.

Ngoài ra, giáo viên còn buộc phải xin lỗi công khai học sinh hoặc bị đình chỉ giảng dạy từ 1 - 6 tháng.

Nhiều nhà giáo đã phẫn nộ bởi quy định ấy thiếu cái tình. Càng phẫn nộ hơn khi biết chính Bộ Giáo dục và Đào tạo đã soạn thảo ra quy định ấy.

Phải chăng, do bất lực trước một số hành vi sai trái của cấp dưới nên bộ đã nghĩ ra hình thức phạt tiền như chiếc “vòng kim cô”? Nhưng, như thế thì còn đâu ý nghĩa của việc dạy làm người?

Đồng ý rằng, trong thời gian qua, không ít thầy cô giáo đã có những hành vi thiếu kiểm soát và phản sư phạm. Nhưng, phải đặt đúng bối cảnh để tìm nguyên nhân thì mới có giải pháp thuyết phục.

Với đồng lương vài triệu đồng/tháng, giáo viên lấy đâu ra mấy mươi triệu đồng để đóng phạt? Vả lại, các vi phạm của giáo viên đã có Luật Viên chức và nhiều bộ luật khác điều chỉnh. 

Kỷ luật luôn có tính hai mặt. Nếu dùng tiền để đổi lấy sai phạm thì còn đâu là giáo dục!

Chúng ta vẫn phê bình những giáo viên tự ý phạt tiền học sinh, chẳng lẽ lại chấp nhận việc dùng tiền để khống chế thầy cô giáo? Cho nên theo tôi, giải pháp này chẳng những không thuyết phục mà coi chừng còn phản tác dụng. 

Mỹ Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI