Sao cứ gán tội cho trò!

23/01/2018 - 08:56

PNO - Nếu thầy cô ứng xử không khéo, có thể để lại những thương tổn sâu sắc trong lòng học sinh, khiến trường học trở thành nỗi ám ảnh đối với các em.

Trong các tình huống ứng xử, nếu giáo viên khéo léo, chân thành, chắc chắn học sinh sẽ cảm thấy dễ chịu và dễ chấp nhận sửa chữa. Nhưng, nếu giáo viên nóng vội, sẽ dễ dẫn đến những hành động sai lầm khiến quan hệ thầy - trò thêm căng thẳng. Tiếc là trong rất nhiều tình huống ứng xử sư phạm hiện nay, giáo viên lại thiếu bình tĩnh lắng nghe và thấu hiểu, nên để lại ấn tượng không tốt cho học sinh.

Sao cu gan toi cho tro!
 

"Con cãi cô vì... tức"

“Thầy cô không chịu lắng nghe tụi con, cứ muốn học sinh (HS) phải nhất nhất làm theo ý mình. Tụi con cũng cần được tôn trọng chứ!” - Phương Mai, HS lớp Chín một trường THCS ở Q.7, phân trần khi bị mẹ la. Trước đó, lớp học của Phương Mai vừa nhốn nháo vì “cuộc chiến” giữa cô bé và cô giáo chủ nhiệm.

Theo quy định của trường, HS đến trường phải mang tất trên mắt cá nên khi thấy đôi tất của Phương Mai tụt dưới mắt cá, cô giáo đã la mắng và bắt em thay ngay đôi khác. Phương Mai cúi xuống kéo chiếc tất lên rồi phân trần: “Do tất của con hơi rộng nên khi đi nhanh đã bị tụt xuống. Bình thường nó vẫn trên mắt cá”.

Cho là HS không vâng lời lại còn cãi bướng, cô chủ nhiệm bắt Phương Mai cởi đôi tất ra rồi chính cô đem vứt vào sọt rác. Quý đôi tất do ba mua, Phương Mai không giữ được bình tĩnh: “Đó không phải là thứ có thể ném vào sọt rác! Nếu cô không chấp nhận thì để em mang nó ở chỗ khác”. Vậy là “chiến cuộc” bùng nổ giữa hai cô trò trước sự chứng kiến của cả lớp. “Ba mẹ dạy thế nào mà em hỗn hào như vậy? Tôi sẽ điện thoại nói chuyện với phụ huynh…”.

Ứng xử sư phạm muôn màu muôn vẻ, vì mỗi tình huống cần có cách ứng xử phù hợp. Tuy nhiên, có một nguyên tắc GV cần chú ý là luôn tôn trọng HS. Thực hiện đúng nguyên tắc đó, khi góp ý với HS, người thầy phải thể hiện thái độ chân thành, nhẹ nhàng; thể hiện tình cảm yêu quý HS thì các em sẽ yêu quý và tôn trọng lại thầy cô. Ngược lại, nếu GV ứng xử không phù hợp sẽ để lại những hậu quả trong sự phát triển tâm lý - nhân cách HS.

Thứ nhất, HS có xu hướng dễ xem thường, không tôn trọng người khác. GV cũng giống như cha mẹ, là những “hình mẫu”cho HS, nên trong ứng xử, nếu GV thiếu chuẩn mực, có thể khiến các em học theo và ứng xử với người khác như vậy. Thứ nhì, cách ứng xử không tốt của GV, khi lặp đi lặp lại, sẽ khiến HS dễ có xu hướng “bạo lực” với người khác. Thứ ba, các em sẽ thiếu bình tĩnh, lắng nghe, chia sẻ với người khác và dễ gặp bất lợi trong các mối quan hệ.

ThS tâm lý học Phạm Thị Hồng Thái 

Chưa hết tức giận, cô lại chuyển sang “cuộc chiến” khác khi phát hiện cả lớp đang chuyền tay nhau cái clip ghi lại cảnh cô đang lớn tiếng trách mắng HS. Tạm bỏ qua Phương Mai, cô quay sang bắt “tác giả” clip phải xóa ngay trước mặt cô. Lớp học biến thành một “bãi chiến trường” vì không xác định được kẻ “tội đồ”.

Cả lớp còn râm ran to nhỏ: “Nếu cô không làm gì sai thì việc gì phải sợ?”. Suốt 2 tiết học, cô giáo cứ loay hoay cay cú với HS, thậm chí bật khóc vì “đám học trò hư” (theo suy nghĩ của cô), quên hẳn việc dạy học. Về nhà, cho là mình bị mẹ mắng oan, Phương Mai cũng khóc rưng rức: “Sau khi con giải thích, nếu cô vẫn không cho phép mang đôi tất đó thì có thể nói với con một cách nhẹ nhàng, sao lại vứt đồ của con. Con cãi cô vì con... tức. Trường học chứ có phải tòa án đâu mà cứ chăm chăm buộc tội người khác!”.

Tương tự Phương Mai, Minh Hùng, HS lớp 11, đã “ghét cay ghét đắng” ngôi trường mình đang học vì sự cứng nhắc của một số giáo viên (GV). Bị đau bụng, Hùng xin phép đi vệ sinh nhưng cô giáo không đồng ý vì “giờ nghỉ giải lao sao không đi?”.

Bí quá, Hùng đành bất chấp, vẫn chạy đi và bị cô giáo phê vào sổ đầu bài là “có thái độ không tốt với GV trong giờ học”. Hùng bất bình: “Em mong thầy cô linh hoạt hơn trong một số trường hợp, đừng cứ lúc nào cũng lấy quyền của mình ra để buộc tội HS”.

Thầy cô là hình mẫu của học sinh

Ở lứa tuổi học trò, phần lớn thời gian của các em gắn liền với trường học, nên không phải tự nhiên mà xã hội đặt ra những chuẩn mực riêng đối với người thầy. Trên hết, người thầy phải là một tấm gương, vì mọi tác phong, hành xử của họ sẽ ít nhiều tác động lên quá trình hình thành và phát triển nhân cách của HS.

Một đứa trẻ dễ kích động nếu gặp được người thầy tốt sẽ dần điềm tĩnh hơn trong ứng xử và hòa nhập tốt hơn với bạn bè. Ngược lại, nếu thầy cô ứng xử không khéo, có thể để lại những thương tổn sâu sắc trong lòng HS, khiến trường học trở thành nỗi ám ảnh đối với các em.

Cô Hoàng Diệp - GV tiếng Việt tại một trường quốc tế ở Q.7, kể: “Ngày ấy, do gánh nặng mưu sinh của mẹ nên tôi thường xuyên đến lớp trễ. Vì thế, mỗi khi tôi xuất hiện là bị cả lớp chế nhạo. Các bạn làm hình ảnh con rùa đang bò ném về phía tôi, kèm theo là những tràng cười nhạo báng. Tôi như bị cô lập. Đáng buồn là hành động của các bạn là do chính cô giáo nghĩ ra để phạt tôi nên cô cũng đứng về phía các bạn. Tôi càng ngày càng mặc cảm, hạn chế giao tiếp, co mình lại trong cái vỏ lỳ lợm. Tính cách rụt rè, nhút nhát của tôi hình thành từ đó. Những ngày đó tôi chỉ mong mỗi sáng thức dậy không phải đến trường. Câu chuyện hơn 20 năm trước khiến tôi luôn tự nhắc mình, đã là một GV thì phải hết sức thận trọng để tránh làm tổn thương HS”.

Về cách ứng xử cần thiết trong trường hợp của Phương Mai, thạc sĩ tâm lý học Phạm Thị Hồng Thái - giảng viên khoa Tâm lý học sư phạm, Trường đại học Văn Hiến - phân tích: GV nên gọi HS lên và nhẹ nhàng “cô thấy tất của con tụt xuống dưới mắt cá rồi kìa! Con kéo lên lại đi”. Nếu nhắc nhở khéo léo, chân thành, với riêng HS, thì em đó sẽ cảm thấy dễ chịu và vui vẻ sửa ngay.

Nếu nóng vội, GV sẽ dễ quy kết rằng hành động phân trần, giải thích của HS là “cãi lời cô” và tiếp tục sai với những hành động khác như ném đồ của HS vào sọt rác, khiến quan hệ thầy trò càng thêm căng thẳng. Tiếc là trong rất nhiều tình huống ứng xử sư phạm hiện nay, GV thường thiếu bình tĩnh để lắng nghe và thấu hiểu, nên để lại ấn tượng không tốt với HS.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI