'Sang chảnh' như… ngành giáo dục TP.HCM

09/10/2017 - 10:22

PNO - Là một ngành mà cứ đụng đến chuyện tiền bạc là “than nghèo kể khổ”, nhưng thực tế, ngành giáo dục TP.HCM cũng “sang chảnh” không kém bất kỳ ngành “nhà giàu” nào khác.

Mỗi lần hội nghị là mỗi lần các cán bộ ngành giáo dục (GD) TP “dắt dìu” nhau lên Đà Lạt, Nha Trang, ra Côn Đảo, Phú Quốc, có khi còn “hành quân” đến tận Tây Bắc, vào khách sạn 5 sao mở… hội nghị.  Chi phí cho việc dự hội nghị, tập huấn cứ thế đổ lên đầu các trường, có khi lên đến cả trăm triệu đồng mỗi năm; nhưng các trường chỉ biết cắn răng mà chịu. 

'Sang chanh' nhu… nganh giao duc TP.HCM
Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 của Sở GD-ĐT TP.HCM tại Phú Quốc

Những cuộc “tổng - tập” sang chảnh

Trong 4 ngày từ 22-25/8, hàng trăm cán bộ quản lý của  ngành GD TP.HCM, từ mầm non, tiểu học, THPT, GD thường xuyên, GD chuyên nghiệp, đến phòng GD các quận huyện… đã nườm nượp kéo nhau ra hòn đảo du lịch Phú Quốc để dự Hội nghị tổng kết năm học cũ và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học mới 2017-2018, tại khách sạn sang trọng nhất đảo - khách sạn Mường Thanh, chuẩn 5 sao.

Chi phí cho chuyến đi, vì thế, cũng chỉ… 11,4 triệu đồng/người, tính theo hợp đồng mà các trường ký với Công ty (CT) cổ phần du lịch quốc tế Đảo Ngọc. Lãnh đạo một phòng GD cho biết: “Vì tổng kết nhiều bậc học nên chúng tôi phải cử 2 phó phòng và 1 chuyên viên đi dự, tổng chi phí cho chuyến đi 4 ngày này hết 34 triệu đồng”.

Dư âm chuyến hội nghị tổng kết còn chưa phai, ngày 7/9, tức 13 ngày sau, các đơn vị GD lại nhận được kế hoạch đi dự Hội nghị tổng kết công tác tổ chức cán bộ, thanh tra, kiểm định chất lượng GD năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 tại Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc! Đối tượng được triệu tập là thủ trưởng và cán bộ phụ trách các lĩnh vực của các trường.

Mỗi phòng giáo dục cũng cử 3 cán bộ quản lý đi dự. Thời gian dự kiến cho chuyến “công tác” về tổ chức cán bộ và thanh tra là 7 ngày 6 đêm (29/10-4/11), cho công tác khảo thí là 6 ngày 5 đêm (29/10-3/11). Và “ngẫu nhiên”, đơn vị tổ chức chuyến đi vẫn là CT cổ phần du lịch Đảo Ngọc! Bản kế hoạch này do Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn ký ban hành.

20 ngày sau, ngày 27/9, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Bùi Thị Diễm Thu lại ban hành kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết công tác giáo dục chính trị tư tưởng năm học 2016-2017 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2017-2018.

“Lãnh đạo cứ triệu tập, cứ tổ chức họp hội ở những nơi thật xa, thật sang mà không cần biết chúng tôi lấy tiền đâu để đi. Trường công thì lấy từ ngân sách, trường tư thì lấy từ học phí của học sinh. Trường học không phải doanh nghiệp nên không có cách tăng thu, chỉ có thể tiết kiệm. Kinh phí chỉ bấy nhiêu, chi nhiều cho hội họp thì phải “bóp” lại các hoạt động khác của thầy, trò”.

Cũng tương tự 2 hội nghị trước, “tour hội nghị” lần này có tên Trải nghiệm cung đường Tây Bắc, đi qua Hà Nội - Sơn La - Điện Biên - Sapa - Ninh Bình, kéo dài 7 ngày kể từ ngày 29/10, với hầu hết hoạt động trong lịch trình là tham quan các thắng cảnh. Duy nhất buổi chiều ngày thứ 5 là dự hội nghị, nhưng những cán bộ không dự hội nghị thì đã xếp lịch tiếp tục tham quan làng cổ Đường Lâm.

Giá “tour hội nghị” lên đến 14,7 triệu đồng/cán bộ. Đúng một tuần sau, ngày 4/10 Sở GD-ĐT TP lại thông báo về chuyến học tập thực địa môn công nghệ, nghề phổ thông, mỹ thuật cấp THCS, THPT tại Pleiku (Gia Lai) 4 ngày, từ 19-22/10. Thật khó có thể hình dung được những cán bộ này sẽ học tập được gì về việc dạy công nghệ, nghề phổ thông và mỹ thuật từ… Tây Nguyên!

Những ngày này (từ 6-8/10), đại diện của khoảng 100 trường THPT cùng các cán bộ Sở GD-ĐT TP lại bay ra Côn Đảo để dự Hội nghị chuyên đề về quy trình phối hợp giữa Sở GD-ĐT với các quận huyện, quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lý, công tác phát triển đảng viên trong ngành GD-ĐT TP.HCM.

Có vẻ như các đơn vị đã quá ngán với các “tour hội nghị” nên từ khi ra thông báo về chuyến đi (ngày 8/9) đến tận ngày 21/9, chỉ có 78 trường THPT công lập đăng ký. Vì thế, ngay ngày hôm đó, ông Nguyễn Huỳnh Long - Phó bí thư thường trực Đảng ủy Sở GD-ĐT, đã ra thông báo khẩn “nhắc nhở” các đơn vị khẩn trương đăng ký.

Một tuần sau danh sách tham gia đã lên 100 trường, dù kinh phí đến 7,9 triệu đồng/người. Có lẽ, “nhiệt tình” nhắc nhở của sở đã khiến nhiều trường dù “xót của” cũng không dám thờ ơ. Hiệu trưởng một trường phổ thông thẳng thắn: “Họp hội xa xôi, tốn kém kinh khủng. Chúng tôi không muốn đi nhưng vì sở triệu tập, làm sao dám vắng?”. 

Tiền từ đâu, đi đâu và về đâu?

Đó chỉ là những “tour” hội nghị, tập huấn được liệt kê trong 3 tháng gần nhất; tính chung cả năm học còn nhiều tour “hay ho” không kém. Đáng nói là, việc tổ chức là do lãnh đạo, nhưng chi phí thì các đơn vị phải tự cân đối từ kinh phí hoạt động của mình, nghĩa là từ cắt xén ngân sách.

Theo một hiệu trưởng, mỗi năm có hàng chục cuộc họp, hội, tập huấn xa, khiến chi phí đi họp của đơn vị có khi đến cả trăm triệu đồng. Quyết toán cho những chi phí này cũng không đơn giản, vì phải chi hợp lý mới được quyết toán. Vì thế, để hợp thức hóa những khoản chi cho các chuyến du lịch - hội nghị, các trường phải “biến hóa” nó vào các khoản chi khác. 

Năm 2016, một trong những nội dung mà tập thể giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11) tố cáo có khoản “chi phí tập huấn hè” cho giáo viên đến 84 triệu đồng. Hóa ra, chẳng có giáo viên nào được tập huấn mà gần trăm triệu đó là tiền chi cho 10 cán bộ trong ban giám hiệu, công đoàn, trợ lý thanh niên, tổ trưởng chuyên môn tham gia các tour “tập huấn du lịch” tại Nha Trang, Đà Lạt, Hà Nội và cả… Singapore!

Hiệu trưởng trường than: “Tất cả những chuyến đi đều do Sở GD-ĐT triệu tập, không đi không được. Mỗi chuyến đi gần như Nha Trang, Đà Lạt cũng mất 4-5 ngày. Xa như Hà Nội thì 1 tuần. Mà đã ra Hà Nội thì phải đi luôn Tây Bắc mới… trọn vẹn, trong khi thời gian họp chỉ… chưa đến một ngày”. 

Theo phản ánh từ các trường, chi phí của các chuyến đi là quá cao so với giá thị trường. Thử khảo sát lại, chúng tôi dễ dàng nhận ra tour Côn Đảo 3 ngày 2 đêm, giá của CT du lịch Việt là 6 triệu đồng, của Chợ Lớn Tourist chưa đến 5 triệu đồng, trong khi giá Sở GD-ĐT đưa ra trong thông báo là 7,9 triệu đồng; tour Phú Quốc 4 ngày 3 đêm của Saigon Tourist gần 8 triệu đồng/người, của Viettravel cũng tương đương cho resort từ 4 sao trở lên, trong khi các trường phải đi với giá 11,4 triệu đồng.

Hiệu trưởng một trường tư thục kể, có lần ông “được” triệu tập tập huấn ở Đà Nẵng với chi phí “cắt cổ”, hội đồng quản trị của trường đã không duyệt chi; ông đành tự mua vé máy bay, tự thuê khách sạn, họp xong là bay về ngay, nhờ vậy chỉ tốn khoảng 1/3 so với chi phí đi chung với đoàn.

Trong ngành cũng từng kháo nhau chuyện một số trường rủ nhau lập nhóm bay ra Hà Nội rồi tự thuê xe lên Tây Bắc dự hội nghị để tiết kiệm chi phí.

Những người đặt tour có thể biện minh là giá đắt vì dịch vụ cao cấp hơn; nhưng vấn đề là có cần thiết phải chơi ngông và phô trương như thế, phải hội họp xa xôi đến thế, khi ngành GD-ĐT luôn than thiếu kinh phí hoạt động và phải thường xuyên vận động phụ huynh? Đây cũng là nỗi bức xúc của nhiều nhà giáo.

Một cán bộ quản lý lâu năm trong ngành nói: “Lãnh đạo cứ triệu tập, cứ tổ chức họp hội ở những nơi thật xa, thật sang mà không cần biết chúng tôi lấy tiền đâu để đi. Trường công thì lấy từ ngân sách, trường tư thì lấy từ học phí của học sinh. Trường học không phải doanh nghiệp nên không có cách tăng thu, chỉ có thể tiết kiệm. Kinh phí chỉ bấy nhiêu, chi nhiều cho hội họp thì phải “bóp” lại các hoạt động khác của thầy, trò”.

Sở GD-ĐT tuy không bắt buộc nhưng luôn “nhiệt tình” đôn đốc, nhắc nhở các trường tham gia các “tour họp hội”, khiến lòng người không tránh khỏi tạp niệm: Sở GD-ĐT TP.HCM quả là chịu chơi! Là chịu chơi hay “chơi chịu” nếu sở có lợi ích nào đó phía sau các hoạt động sang chảnh và nặng mùi tiền này? 

Tiêu Hà - Minh Nhật 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI