Rong ruổi... học văn

17/05/2019 - 07:48

PNO - Thay vì dạy những bài văn trong sách giáo khoa, giáo viên đã không ngần ngại “quẳng” học sinh ra đường để nhìn, nghe, chạm từng hơi thở của cuộc sống để biết nhiều thứ ngoài sách vở. Mục đích là học văn để sống sâu sắc hơn…

Tìm kiếm sự rung động chân thành

Đó dự án học văn từ cuộc sống của thầy Đỗ Đức Anh và cô Lê Cúc Anh, tổ ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) cùng với học sinh (HS) của hai lớp 11A9 và 11A12 thực hiện. “Thay vì dạy những bài trong sách giáo khoa - rất khỏe, tôi muốn dạy cho HS nhìn thấy những điều xung quanh mình một cách sâu sắc, hiểu về cuộc sống, biết nhiều thứ ngoài sách vở. Cuộc sống mà chúng tôi muốn phơi bày cho các em có cả sự lấp lánh và lấm lem”, thầy Đức Anh chia sẻ. Thế là thầy trò ròng rã từ cuối năm 2017 để đi tìm đối tượng, gặp và phỏng vấn trực tiếp. Sau đó chọn ra những người mà các bạn có tình cảm, có sự ngưỡng mộ để viết thư gửi đến họ. 

Đó là những ngày cuối tuần miệt mài trên từng góc phố, xóm lao động để tìm những người làm những việc phi thường nhưng luôn nghĩ mình bình thường. Tiếp xúc, phỏng vấn, ghi hình, rồi lại tìm kiếm cho đến khi gặp đúng người, nhận đúng cảm xúc. HS Hồ Xuân Mai kể: “Đúng nghĩa là cùng ăn, cùng ngủ và cả mồ hôi nước mắt cho dự án. Khó khăn nhiều lắm, như khi chọn được nhân vật thì nhân vật không biết chữ, sao đọc thư? Có nhân vật sau khi gặp đã mất hút, không gặp lại được. Đưa thư, rình rập, bí mật quan sát, bí mật gửi thư tạo bất ngờ, nhưng bị xem như ăn trộm…”. 

Lấy tiêu chí là những nhân vật có thể truyền cảm hứng cho xã hội, chứ không bi lụy nên những người nhận thư có khi là nhóm chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, nhóm thanh niên tình nguyện bảo vệ hang Sơn Đoòng, chú sửa giày nghèo bên vỉa hè lại đi giúp đỡ người bất hạnh khác, những “siêu nhân” dưới lòng cống... Đó cũng có thể là những người ở ngay bên cạnh mình như một người bạn thân, bác bảo vệ ở trường ngày ngày dẫn HS qua đường... Những bức thư sẽ được bí mật gửi đến các nhân vật với tất cả lòng yêu thương, quý trọng. Trong quá trình tiếp xúc với các nhân vật, HS sẽ nhận những bài học ý nghĩa từ cuộc sống để từ đó cảm nhận được cái hay, cái đẹp của môn văn. 

Rong ruoi... hoc van
Học sinh tham gia dự án học được cách viết văn biểu cảm, cách viết một lá thư tay chân thành cùng kỹ năng làm việc nhóm…

Hai giáo viên trẻ bày tỏ: “Trải lòng với những người thân yêu, đặc biệt là trải lòng với những người chỉ biết mà không hề quen là điều không dễ dàng. Nhất là trong thời đại công nghệ số, những bức thư tay được xem là cũ kỹ, có phần bị lãng quên. Nhưng thông qua những dòng chữ viết tay đó, người nhận đã cảm nhận được dư vị ngọt ngào”.

HS Nguyễn Trần Tấn Phát, lớp 11A11 cho biết: “Học văn qua thực hiện dự án đã cho em rất nhiều cảm xúc. Nhờ bước chân ra ngoài tìm hiểu, em mới biết xã hội còn rất nhiều nghề lao động vất vả, những hoàn cảnh sống mà chỉ khi phải đối mặt mới biết được nghị lực của con người mạnh mẽ thế nào”.

Cô Cúc Anh cho biết thêm: tất nhiên, ngoài những bài học thực tế mà các em thu lượm được, trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi cũng lồng ghép kiến thức cần thiết cho các em không bị đi quá xa bài học như học được cách viết văn biểu cảm và tự sự, cách viết một lá thư tay chân thành và chạm đến trái tim cùng các kỹ năng phỏng vấn, thiết kế hình ảnh, viết bài phóng sự, kỹ năng làm phim, cách dung hòa cái tôi để cùng nhau làm việc nhóm…

Sức mạnh hàn gắn của ngôn từ

“Học văn như thế này thật sự rất mệt nhưng mà vui. Thanh xuân như thế vất vả nhưng có nhiều điều để nhớ về nhau. Cái được lớn nhất là cảm xúc. Có những điều rất nhỏ nhưng được các em nhìn rất sâu sắc, đó là sự trưởng thành trong nhận thức”, thầy Đức Anh bộc bạch.

Có những câu chuyện mà lời nói bình thường không thể nói được, nhưng những phong thư không dán tem với sức mạnh hàn gắn của ngôn từ đã làm được. Một học trò xin giấu tên đã đặt tựa cho bức thư của mình là "Ngón tay đau của con". Đây là những lời đầu tiên học trò này viết cho cha - người đã rời xa khi em mới 5 tuổi để xuất ngoại và chưa từng gặp lại. Thứ mà cô bé nghe được là “cha đã bỏ con để đi tìm tình yêu khác”. Điều đó khiến cậu bé không một lần chấp nhận trò chuyện với cha. Thế nhưng, cậu bé cũng khao khát có được tình thương của cha. Vậy là lần này, trước khi du học, em quyết định thử một lần đối diện cùng cha. Bức thư từ dự án học văn từ cuộc sống đã chữa lành vết thương lòng cho cậu học trò và hàn gắn tình cảm cha con ở hai bờ đại dương.  

HS Huỳnh Nguyễn Minh Thư, lớp 11A9 cũng đã có những bài học cho mình từ việc tham gia dự án. Thư cùng các bạn chọn hai nhân vật cho phim của mình. Đó là cô Chi, 51 tuổi, ngụ tại Q.8, với hơn 20 năm nuôi hàng trăm con mèo hoang. Kế đến là bác Hữu Phước, thông thạo tiếng Anh, Pháp, Campuchia... Trước đây, gia đình bác rất khá giả, nhưng do một cơn tai biến, gia đình phải bán toàn bộ tài sản để chữa trị cho bác. Gia sản không còn gì, con gái bác không may có thai ngoài ý muốn, sinh ra một cháu gái để lại cho cha mình nuôi rồi bỏ đi biệt tăm. Bác phải đi làm thuê kiếm tiền để nuôi cháu gái ăn học... Theo Minh Thư, những trải nghiệm từ cuộc sống mà dự án mang lại là những tiết học văn sinh động nhất, chân thật nhất mà em từng có. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI