Phụ huynh hay quên điều quan trọng trong cuộc họp đầu năm

20/10/2019 - 09:26

PNO - Một năm học, phụ huynh chỉ đi họp vài lần. Đa số muốn biết tình hình học tập và rèn luyện của con, cũng có người lo về các khoản tiền đóng góp đầu năm... Nhưng điều quan trọng trong cuộc họp này, phụ huynh lại bỏ quên.

Năm học 2019-2020 diễn ra được vài tuần, nhiều phụ huynh nôn nóng cho cuộc họp đầu năm với thầy cô chủ nhiệm. Đa số họ muốn biết tình hình học tập và rèn luyện của con, cũng có người lo về các khoản tiền đóng góp đầu năm... Nhưng điều quan trọng trong cuộc họp này, phụ huynh lại bỏ quên.

Trải qua nhiều năm học, tôi đã chứng kiến không ít phụ huynh đến lớp họp chỉ có... 15 phút. “Thầy ơi, tôi đang gấp quá.Các khoản bao nhiêu, tôi đóng trước, rồi xin phép thầy về có việc”. Trong khi đó, giáo viên vẫn chưa kịp thông báo các nội dung quan trọng. Tìm hiểu ở một số lớp khác, tôi cũng được nghe có vài trường hợp 
tương tự.

Cũng có nhiều phụ huynh ngồi lại đến cuối buổi. Nhưng suốt cả thời gian ấy, họ chẳng ý kiến, đề nghị gì. Một số trong đó, có phần e ngại, cũng có người sợ nói sẽ kéo dài thời gian buổi họp. Thế nên, họ chỉ phiến diện ngồi nghe. 

Phu huynh hay quen dieu quan trong trong cuoc hop dau nam
Họp phụ huynh là dịp để trao đổi tình hình học tập, sinh hoạt của con  

Chưa đầy 30 phút, khi thấy bên ngoài đã có người ra về rải rác, tôi đã phải dừng cuộc họp lại vì một phụ huynh chen ngang, lên đứng gần thầy xin trao đổi riêng về điểm của con. Buổi họp kết thúc cũng là lúc giáo viên chủ nhiệm được nghe nhiều hơn những chia sẻ của phụ huynh: “Con tôi học yếu, xin thầy cho ngồi bàn đầu”, “Cháu nhà tôi cứ về là chơi game, mong thầy chỉ cách dạy bảo”, “Xin thầy cho cháu chuyển lớp”... Trong khi đó, điều mà thầy cô cần nghe nhất, phụ huynh lại không bàn tới.

Lớp tôi có một học sinh bị hen suyễn. Tôi phát hiện điều này là do thầy thể dục. Hôm đó, em mới chỉ khởi động để chuẩn bị cho bài tập nhảy cao đã bị xỉu. Cũng may, do được can thiệp kịp thời nên em bình an. Nếu đầu năm học, cha mẹ em thông báo về bệnh tình này, giáo viên thể dục đã có giải pháp khác rồi.

Sau sự việc đó, tôi có mời mẹ em lên trao đổi thêm. Điều tôi bất ngờ là mẹ đã biết bệnh của con nhưng giấu. “Thầy thông cảm, tôi cũng chỉ mong cháu được như bạn bè. Nếu nói ra, sợ cháu mặc cảm, tự ti”. Chỉ vì suy nghĩ đó, nhiều phụ huynh đã đẩy con mình vào hoàn cảnh nguy hiểm.

Cùng trường với tôi, một giáo viên khác cũng rơi vào tình thế ấy. Học trò thuộc diện khuyết tật, nhưng phụ huynh luôn khẳng định “con tôi bình thường”. Đây đúng là vấn đề tế nhị, nhưng nếu nói thật, em sẽ được hỗ trợ nhiều hơn. Cha mẹ là người hiểu con họ nhất, nhưng nếu không chia sẻ với thầy cô, sẽ dễ xảy ra hậu họa. 

Một năm học, phụ huynh chỉ đi họp vài lần. Câu nói “trăm sự nhờ thầy” cho đến nay vẫn đang được rất nhiều phụ huynh sử dụng. Trong khi đó, ở bậc THCS, tâm lý học sinh phát triển và thay đổi mạnh mẽ. Có những suy nghĩ của các em khiến người lớn không ngờ tới.

Trong vai trò định hướng làm người, cha mẹ và thầy cô là những người gần gũi học sinh nhất. Điều quan trọng là giữa họ, thông tin có được cung cấp đúng đắn và kịp thời hay không. 

Qua nhiều năm chủ nhiệm học sinh khối Tám và Chín, tôi còn thấy phụ huynh không dám mạnh dạn trao đổi về chuyện con của họ biết thích, biết yêu. Chuyện riêng của con nhưng trách nhiệm giáo dục vẫn là người lớn. Mọi việc nếu chúng ta biết lường trước, hậu quả sẽ giảm đáng kể. Trong giáo dục, việc đón trước, chọn đường để học sinh ngày càng hoàn thiện về tri thức và nhân cách là điều không thể không làm. Nhưng nếu phụ huynh không hợp tác, thầy cô khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Hoàng Đồng, giáo viên Trường THCS Linh Đông (Q.Thủ Đức - TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI