Nữ sinh lớp Chín gửi mùa hè nơi xưởng mộc

09/08/2019 - 07:30

PNO - Với Nguyễn Huỳnh Thúy An (học sinh lớp Chín, Trường THCS Bình Đông, Q.8, TP.HCM), mùa hè của em rất… khác. Bởi, An mang trọn mùa hè của mình gửi vào xưởng mộc ở tỉnh Long An, nơi cha em làm thuê.

Từ đầu hè năm 2019, mỗi tuần đều đặn, theo chuyến xe khách Sài Gòn - Long An, An có mặt trong xưởng mộc tại xã Long Khê, H.Cần Đước, tỉnh Long An “để phụ ba vì ba cũng lớn tuổi rồi” như lời em bộc bạch. Đó là những ngày An có thể vừa được gần ba, vừa kiếm thêm tiền từ công việc vừa sức. 

Sau khi những tấm gỗ đã được cắt ra, An dùng giấy nhám chà nhẵn bề mặt. Cả xưởng mộc hầu như chỉ có hai cha con, nên thỉnh thoảng, An phải dừng tay phụ cha đo, rồi khuân vác những vật dụng vừa sức. Công việc ấy giúp An kiếm được 500.000 - 700.000 đồng/tuần để phụ mẹ trang trải học hành khi năm học mới đã gần kề.

Việc làm ăn thua lỗ nảy sinh nhiều mâu thuẫn nên cha mẹ An ly thân từ năm em vào lớp Ba. Cha làm thuê tại xưởng mộc thu nhập không ổn định nên đồng tiền gửi về nuôi hai con đi học lúc có lúc không. Chị Lê Hoàng Anh Thúy, mẹ An, hiện làm bảo mẫu tại Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (Q.8) đồng lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng khiến gia đình khá chật vật. Do đó chiều về, chị nhận giúp việc theo giờ để kiếm thêm thu nhập. Hai ngày cuối tuần, chị nhận đồ về may gia công. 

Nu sinh lop Chin gui mua he noi xuong moc
 

Đời mình khổ, nên chị Thúy ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc gieo chữ cho con. “Không đủ tiền để con đến trung tâm Anh ngữ như ước mơ của con, nhưng tôi không để nỗi vất vả của mình khiến con vướng víu mà sao nhãng học hành”, chị tâm sự.

An cũng hoạch định rõ tương lai khi cố gắng tự học tiếng Anh - môn học mà em thích nhất và xin mẹ được thi vào lớp chuyên Anh ở trường cấp III, sau này vào đại học, An có thể kiếm tiền bằng chính khả năng của mình. Cô bé ước mơ trở thành một quản lý khách sạn - nhà hàng bởi lợi thế tiếng Anh và ước mơ được có cơ hội giao tiếp tiếng Anh thông qua nghề nghiệp.

“Không có điều kiện học thêm nên ở nhà em phải tự học rất nhiều. Có những đêm học đến tận khuya em mới hiểu hết bài, khi đó mới yên tâm đi ngủ”. Quyết tâm như vậy nên chín năm liền, An đều là học sinh giỏi. Thi vào lớp Mười, em cũng đậu nguyện vọng một để vào ngôi trường công lập gần nhà.

Không biết do hoàn cảnh khó khăn hay những khiếm khuyết trong hạnh phúc gia đình khiến An luôn có suy nghĩ chín chắn hơn so với tuổi. Vùi những ngày hè nơi xưởng mộc, chẳng có cơ hội khoe bãi biển này, phố núi nọ như các bạn mỗi ngày trên Facebook, nhưng chưa bao giờ An thấy thiệt thòi. Em bộc bạch: “Mỗi người mỗi cảnh. Dù cha mẹ không sống cùng nhau, hạnh phúc gia đình không trọn vẹn nhưng đối với em, nhận được tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ là một điều may mắn”. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI