Nỗi lo đầu năm học mang tên... tiền đâu?

11/09/2019 - 07:09

PNO - Cho con đi học là phụ huynh đã chuẩn bị sẵn tâm lý phải tốn tiền nhưng quá nhiều khoản đóng ngay đầu năm học khiến nhiều phụ huynh, nhất là người lao động phổ thông phải đau đáu nỗi lo tiền đâu cho con đi học.

Phụ huynh H. có con đang học bậc THCS tại Trường trung học Thực hành Sư phạm (Đồng Nai) than: mới khai giảng, cầm tờ thông báo các khoản tiền phải đóng đầu năm của con đã thấy ngao ngán.

Đến hẹn lại… lo!

Vợ chồng làm viên chức, chắt chiu lắm vẫn thấy những khoản chi này đắt đỏ. Anh H. liệt kê hàng loạt khoản tiền phải đóng, đó là: học phí THCS 300.000 đồng/học kỳ 1, bảo hiểm y tế bắt buộc 564.000 đồng/năm, phí vệ sinh học tập 450.000 đồng/năm, phục vụ học tập 320.000 đồng/năm, nước uống 160.000 đồng/năm, quỹ hội 300.000 đồng/học kỳ. Tổng lệ phí và học phí đã hơn 2 triệu đồng. Anh H. cho biết, đó là chưa kể tiền học phí buổi chiều và tăng cường tiếng Anh khoảng 1 triệu đồng/tháng. 

Một số phụ huynh của Trường tiểu học Dĩ An (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã phải đóng quá nhiều khoản cùng một lúc. Phụ huynh học sinh khối lớp Ba liệt kê gồm các khoản: bảo hiểm y tế, sinh hoạt phí (35.000 đồng/tháng), cấp dưỡng phục vụ (60.000 đồng/tháng), phí giữ trưa tạm tính (90.000 đồng/tháng), học buổi chiều (130.000 đồng), giấy bao (25.000 đồng), sổ liên lạc (10.000 đồng). Ngoài ra, vị phụ huynh này còn cho biết đã đóng phí thuê xe, phù hiệu, phí thuê phòng, phí điện nước (60.000 đồng/tháng).

Noi lo dau nam hoc mang ten... tien dau?
Đầu năm học, phụ huynh nào cũng nhận được danh mục các khoản tiền cần phải đóng cho con

Vị phụ huynh này cho biết đa phần phụ huynh lớp con chị đều làm công nhân, hoặc buôn bán nhỏ nên việc thu gộp quá nhiều khoản cùng một lúc như vậy gây khó khăn cho các gia đình.

Theo đại diện trường này, đây đều là những khoản dùng để phục vụ cho học sinh hoặc trả lương cho cấp dưỡng phục vụ bán trú… Các khoản thu đều đã hỏi ý kiến phụ huynh và được đồng thuận. Cho tới nay, đã có khoảng 95% phụ huynh đóng các khoản tiền này, còn học sinh nào gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đều được miễn giảm, trường xin Mạnh Thường Quân tài trợ…

Không dùng quỹ cha mẹ học sinh để hỗ trợ giáo viên, cơ sở vật chất

Ngày 8/9, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) tổ chức họp cha mẹ học sinh các lớp. Sau cuộc gặp gỡ này, một vài phụ huynh có con đang học lớp 11 thấy ngao ngán khi phải đóng nhiều khoản phí cùng lúc. Ngoài việc phải đóng tiền học phí hơn 1,6 triệu đồng, học sinh còn đóng bảo hiểm y tế 563.000 đồng/năm, bảo hiểm tai nạn (tự nguyện), phí phục vụ và phí vệ sinh bán trú 270.000 đồng/tháng; nước uống 200.000 đồng/năm; liên lạc điện tử 120.000 đồng/năm, cơ sở vật chất… 

Tuy nhiên, điều làm phụ huynh khó chịu là vừa đóng khoản quỹ cha mẹ học sinh trường 400.000 đồng/năm học, còn vừa phải đóng quỹ cha mẹ học sinh ở lớp đến 1 triệu đồng/năm học (hai học kỳ). Có phụ huynh khi đi họp đã mang theo 4 triệu đồng dự phòng nhưng vẫn không đủ.

Trao đổi với chúng tôi ngày 10/9, ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết: "Nhà trường không có chủ trương thu khoản tiền quỹ cha mẹ học sinh. Điều này, đích thân tôi khi họp với giáo viên chủ nhiệm lẫn đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp đã nói rõ ràng. Tiền cơ sở vật chất cũng không thu vì trường vừa được cấp kinh phí trang bị cơ sở vật chất rất khang trang rồi. Có thể do phụ huynh nghe nhầm hoặc hiểu nhầm". 

Tuy nhiên, ông Thạch cũng nói thêm, có thể ở một số lớp có các hoạt động như in ấn tài liệu phục vụ cho việc học, chuẩn bị đồ phục vụ các tiết học tích cực nên mới có chuyện thu tiền quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp. Sắp tới, các lớp sẽ thực hiện cosplay nhân vật lịch sử, văn học trong các giờ học sáng tạo… Nếu có thu cũng phải trên tinh thần tự nguyện, thu đủ bù chi, chỉ dùng phục vụ cho việc học của học sinh, không được dùng để chăm lo cho con người hay cơ sở vật chất nhà trường. 

Tại văn bản hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng yêu cầu các trường giãn thời gian thu các khoản tiền đầu năm học, không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm. Tuy nhiên, đa phần giáo viên đều muốn thu nhanh, chốt sổ để khỏi dây dưa hoặc bị nợ, không hoàn thành nhiệm vụ nên thường dồn hết vào một lần, gây khó khăn cho phụ huynh và người học. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI