Người tố cáo nhà trường ăn chặn tiền dạy thêm - học thêm bị trù dập

30/10/2016 - 06:52

PNO - Thầy Long phát hiện BGH nhà trường đã ăn chặn tiền dạy thêm - học thêm của cả GV và HS với số tiền lên đến hơn hai tỷ đồng. Nhưng những góp ý của thầy không được BGH tiếp thu.

Tại trường THPT Nguyễn Du (Q.10), người đứng lên tố cáo ông Hiệu trưởng (HT) Phạm Đức Hùng là thầy Đinh Hoàng Thanh. Trong khi sự việc còn chưa ngã ngũ thì thầy Thanh bị ông HT dùng những chiêu “bẩn” để triệt hạ. Đỉnh điểm là việc HT “dựng” lên câu chuyện thầy Thanh phạm tội “chống lại Nhà nước, xuyên tạc và phỉ báng chính quyền nhân dân” để kỷ luật, chuyển công tác khác, rồi sa thải trái pháp luật.

Sau khi thầy Thanh bị sa thải, thầy Lâm Vũ Công Chính - một giáo viên (GV) khác của trường THPT Nguyễn Du, tiếp tục đứng lên tố cáo ông HT và cũng phải gánh chịu nhiều sức ép đến mức phải cầu cứu sự bảo vệ của các cơ quan chức năng.

Tại trường THPT Ngô Gia Tự (Q.8), thầy Đặng Anh Hào - một trong những người đứng lên tố cáo sai phạm của HT - cũng bị HT cách chức tổ trưởng tổ công nghệ thông tin để đưa một GV chưa đạt chuẩn và không được tín nhiệm lên thay.

Nhưng đáng buồn nhất là trường hợp của thầy Trần Việt Long (Trường THPT Long Thới). Năm 2001, sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm, thi đậu công chức với số điểm khá cao, được Sở GD-ĐT TP.HCM ra quyết định tuyển dụng và được quyền chọn nhiệm sở ở nhiều trường nội thành, nhưng thầy Long đã tình nguyện về dạy học tại trường THPT Long Thới - một trường vùng sâu vùng xa, mới thành lập và còn nhiều khó khăn của huyện Nhà Bè với suy nghĩ: HS nơi ấy đang cần mình.

Nguoi to cao nha truong an chan tien day them - hoc them bi tru dap
Trường THPT Long Thới

Không lâu sau khi nhận nhiệm sở, thầy Long phát hiện BGH nhà trường đã ăn chặn tiền dạy thêm - học thêm của cả GV và HS với số tiền lên đến hơn hai tỷ đồng (tương đương với khoảng 260 lượng vàng vào thời điểm bấy giờ), nên đã nhiều lần lên tiếng. Những góp ý của thầy không được BGH tiếp thu nên thầy đã phản ánh sự việc lên Sở GD-ĐT.

Sở cũng làm ngơ nên thầy Long đã tố cáo sự việc lên UBND TP và Bộ GD-ĐT. Hai cơ quan này lại chuyển đơn tố cáo về Sở yêu cầu xử lý. Trớ trêu thay, sự việc vẫn không được xử lý mà thầy Long còn bị HT nhà trường tìm cách trù dập tả tơi. Bất ngờ hơn, vào tháng 12/2007, thầy Long bị Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè ký quyết định buộc thôi việc.

Kể từ đó đến nay, suốt chín năm ròng, thầy Long đã đội đơn đi tìm công lý khắp các cơ quan. “Trong 5 năm đầu, từ cuối 2007 đến 2012, gần như tháng nào tôi cũng gửi đơn đến Sở GD-ĐT và các cơ quan để kêu oan. Hồ sơ mà tôi cầu cứu các cơ quan, nếu xếp lại, chắc phải cao cả mét” - thầy Long cho biết. Hành trình đi đòi công lý khiến cuộc sống gia đình của đôi vợ chồng nhà giáo nghèo (vợ thầy Long cũng là một GV) lại càng thêm khó. Có lúc thầy Long phải đi phụ hồ để có tiền phô tô tài liệu, đơn từ và đổ xăng đi kiện.

Gần đây, khi thấy Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng ra tay xử lý nhiều vụ việc rất kiên quyết, thầy Long đã gọi điện vào đường dây nóng của Bí thư để kêu oan. Ngày 22/4/2016, thầy Long nhận được điện thoại của một người tên Trung từ văn phòng Sở GD-ĐT gọi, hỏi han và hứa hẹn sẽ mời lên giải quyết.

Hoàng Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI