Lớp xóa mù chữ cho... các bà, các mẹ

21/02/2019 - 07:11

PNO - Hàng đêm, các học viên vẫn đều đặn cầm đèn pin, lội suối băng rừng… đi kiếm con chữ. Những tiếng đánh vần ê a vang lên giữa núi rừng đều đặn vào 3 buổi tối hàng tuần dù nhiều người đã lên chức mẹ, chức bà.

Đó là những nỗ lực của nhiều người dân đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú ở xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Tranh thủ sau những buổi lên nương rẫy, nhiều học viên dù đã lên chức bà nội, bà ngoại vẫn hào hứng tranh thủ thời gian buổi tới lớp xóa mù chữ do Trường tiểu học Hữu Khuông tổ chức.

Từ nhiều tháng qua, nhiều điểm trường như Con Phen, Tủng Hốc, Bản Xan…(thuộc Trường tiểu học Hữu Khuông) vẫn luôn thắp đèn rực sáng trong những tiếng cười đùa rộn rã hòa lẫn tiếng ê a tập đánh vần của những bà mẹ đã ngoài 20 tuổi. Đều đặn mỗi tuần 3 buổi tối, các giáo viên ở các điểm trường này lại thấp thỏm chờ đợi học sinh của mình đến lớp.

Lop xoa mu chu cho... cac ba, cac me
Các giáo viên Trường tiểu học Hữu Khuông đi đến tận từng bản đứng lớp xóa mù chữ

Theo thầy Bùi Văn Hảo – Hiệu trưởng Trường tiểu học Hữu Khuông, việc mở và duy trì lớp học xóa mù chữ gặp khá nhiều khó khăn bởi học viên đều là người dân tộc thiểu số, độ tuổi không đồng đều, thời gian bị chi phối nhiều bởi công việc gia đình và đồng áng.

“Thực tế để duy trì lớp học ổn định là rất khó bởi người dân còn nhận thức thấp, lại chủ yếu làm nương rẫy nên họ không đặt nặng vấn đề biết chữ. Có những thời điểm mùa màng, lớp học phải tạm hoãn do các bà mẹ phải lên rẫy làm cả tuần mới về”, thầy Hảo nói.

Lop xoa mu chu cho... cac ba, cac me
Đã làm mẹ, làm bà song nhiều người vẫn còn bỡ ngỡ với những nét chữ đầu đời của mình.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các mẹ, các bà đến lớp, trường đã phân giáo viên về tận từng bản ở các điểm trường đứng lớp. “Mỗi tối trước khi vào học chừng 30 phút, anh em chúng tôi vẫn thường gọi điện hoặc đến nhà những người không dùng điện thoại để nhắc họ đến lớp đầy đủ”, cô Lê Thị Thảo cho hay.

Không những vậy, mỗi lần có học viên vắng lớp, các thầy cô giáo ở trường này lại cùng nhau đến tận nhà trò chuyện để tìm hiểu nguyên nhân rồi phân tích về những lợi ích của lớp học xóa mù chữ để “kéo” học viên tiếp tục theo học. “Khó khăn, nhiều lúc phải gián đoạn lớp học nhưng thật mừng là hiện lớp học xóa mù chữ cho 18 người cũng sắp có thể đến ngày bế giảng rồi”, thầy Hảo nói.

Hơn 1 năm nay, gần 20 học viên chủ yếu là các mẹ đã ngoài 40 tuổi ở xã Thành Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) vẫn đều đặn đến lớp 3 buổi tối mỗi tuần. Không ít người đã 2, 3 cháu nội, ngoại song vẫn tỏ ra thích thú khi lần đầu được cầm bút tập viết chữ.

Lop xoa mu chu cho... cac ba, cac me
Thầy cô giáo nhiệt tình kèm cặp các học viên mỗi tối.

Những dòng chữ dần hiện lên trên trang vở, dù không đẹp, không nhanh, nhưng đó là cả một quá trình cần mẫn của các chị, các mẹ. “Trước ở bản có ai học đâu, lại suốt ngày ở trên rẫy nên không học chữ làm gì. Giờ được thầy chỉ dạy, tôi đã đọc được chữ trên ti vi rồi”, bà Lô Thị Hoa (50 tuổi) khoe.

Theo quyết định về việc công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS năm 2018 của UBND tỉnh Nghệ An, 100% đơn vị hành chính cấp huyện ở tỉnh này đã đạt xóa mù mức độ 2; 100% huyện, thành, thị đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và đạt chuẩn xóa mù chữ giai đoạn 2.


Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI