Lời tri ân nào cho ngày 20/11?

21/11/2018 - 08:40

PNO - Hồi trước, nhà còn nghèo, ngày 20/11 tôi với mẹ lại nổ ra “chiến tranh”. Thời người ta đi “tết” thầy cô những chai dầu gội gói giấy bóng cẩn thận, mẹ bắt tôi xách bị đậu đen tặng cô giáo vì nhà không có gì quý hơn.

Bất đắc dĩ, tôi làm theo lời mẹ mà nước mắt ngắn dài.

Đến nhà cô, tôi cứ ôm bị đậu thập thò bên ngoài vì xấu hổ. Cuối cùng, tôi đành mang bị đậu về giấu kín, cũng như lòng biết ơn thầy cô vẫn lặng im trong suy nghĩ của tôi; dù bao nhiêu lần làm “khách qua sông”, tôi vẫn đều ngoái lại, lưu luyến “người đưa đò”, cả dòng sông, bến nước. 

Không muốn nỗi khổ của mình lặp lại ở một học sinh nào đó, khi trở thành giáo viên, tôi luôn thông báo với học sinh rằng sẽ không nhận quà. Thế nhưng, có những món quà mà tôi không thể nào từ chối được: một tấm thiệp do các em tự thiết kế, túi đựng điện thoại bằng len do các em tự đan, hay bức tranh các em tự vẽ - thành quả suốt mấy tháng mài mông trong lớp hội họa… Bao nhiêu thứ đã bị vứt bỏ, riêng những món quà của các em vẫn cứ theo tôi sau bao lần chuyển chỗ ở. 

Tôi cũng sẽ không biết những món quà dịp 20/11 hiện nay có gì nếu nhà mình không nằm ngay cổng một ngôi trường tiểu học. Không bỏ qua cơ hội phục vụ nhu cầu thiết yếu của học sinh, mẹ tôi mở một cửa hàng văn phòng phẩm. Hằng năm, trước ngày 20/11 khoảng một tuần, mẹ tôi cũng đón bao nhiêu lượt nhân viên tiếp thị những mặt hàng quà tặng dành cho thầy cô.

Có năm, thấy mẹ lấy hàng trăm chai dầu gội, tôi hoảng: “Mẹ lấy chi dữ vậy, bán không được thì xài sao cho hết?”. Mẹ tôi bình tĩnh như không: “Con cứ lo chuyện không đâu”. Đúng là tôi cứ lo chuyện không đâu, vì ngày 20/11 qua, cửa hàng cũng hết sạch quà. 

Quà tặng thầy cô cũng thay đổi theo thời kinh tế thị trường. Năm nay, về nhà nhân dịp 20/11, tôi thấy mẹ lại trưng bày cửa hàng bằng đủ loại xà phòng, sữa tắm, dầu gội, nước hoa được gói trong những chiếc hộp sang trọng và đẹp mắt. Tuy nhiên, phụ huynh đến mua quà tặng thầy cô không đơn giản chỉ là hộp quà. Do đó, mẹ phải tất bật đi lấy hàng, từ thiệp đến giỏ xách để đựng hộp quà, tính đến hàng trăm cái.

Nhưng một điều đáng ngạc nhiên là, mẹ bắt tôi viết sẵn câu chúc vào những tấm thiệp ấy để sáng hôm sau, người ta mua thì có mà đưa, không phải mất thời gian họ đứng đợi mình viết. Tôi lại ngăn mẹ như lần mua hàng trăm hộp quà trước đó. Lần này, mẹ lại nói: “Con cứ cãi”.

Đúng như mẹ nói, hàng trăm tấm thiệp mẹ mang về hôm trước được bán đi nhanh chóng trong ngày 20/11. Mẹ vui vì bán được hàng. Riêng tôi vẫn cứ gờn gợn nỗi băn khoăn khi mọi “lời tri ân sâu sắc gửi đến cô thầy” trong những tấm thiệp ấy không phải của phụ huynh hay học sinh, mà là của người bán hàng. Cùng với những tấm thiệp, lời chúc là những tờ tiền đi kèm với bao nỗi lòng. 

Sau ngày 20/11, có cơ hội ngồi cùng nhau, tôi nghe đâu đó có tiếng đồng nghiệp than vãn: “Năm nay lớp gì đâu mà thảm, mà tệ…”. Dường như còn bao nhiêu điều nặng lòng trong ngày tết thầy cô. Chỉ có học sinh mỉm cười hồn nhiên vì đã thay người lớn trao tay món quà. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI