Lo gian lận điểm thi, Thường vụ Quốc hội lùi thông qua Dự Luật Giáo dục sửa đổi

08/08/2018 - 22:02

PNO - Trước lùm xùm gian lận điểm thi tốt nghiệp PTTH Quốc gia 2018 tại nhiều địa phương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định lùi việc đưa Dự luật Giáo dục sửa đổi tại kỳ họp thứ 6 sang kỳ họp thứ 7 vào giữa năm 2019.

Chiều 8/8, tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (QH), Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề: "Kỳ thi tốt nghiệp PTTH vừa qua để lại nhiều dư âm cần phải xử lý. Vì vậy, Dự luật Giáo dục có nội dung liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp PTTH có nên tiếp tục hay chỉ xét tuyển ở dạng cấp chứng chỉ?"

Theo ông Phúc, việc giao cho địa phương như vừa qua có nhiều vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng cần thận trọng, xin ý kiến cử tri, nhân dân, chuyên gia để đưa ra quyết sách đúng đắn nhất”. Do đó, nếu kỳ họp thứ 6 QH quyết thông qua dự luật này là sớm, cần có thêm một kỳ họp nữa để tìm ra giải pháp thấu đáo.

Lo gian lan diem thi, Thuong vu Quoc hoi lui thong qua Du Luat Giao duc sua doi
Tình trạng tiêu cực gian lận điểm ở kỳ thi THPT năm nay khiến Ủy Ban thường vụ QH quyết định lùi thông qua Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi tại kỳ họp thứ 6

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải băn khoăn: “Tổ chức thi mà 98% đỗ, 2% trượt, tức trong 1 triệu thí sinh lọc ra có 200 em không đạt yêu cầu mà tổ chức 1 kỳ thi như vậy rất tốn kém. Còn nếu không thi mà xét điểm thì việc dạy và học như thế nào, có đảm bảo chất lượng, nghiêm túc không? Vì vậy, đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) trả lời rõ vấn đề này".

Theo bà Hải, nếu những điều này không đảm bảo được thì nên loại phương án bỏ kỳ thi và có thể thực hiện theo phương án: vẫn tổ chức 2 kỳ thi tốt nghiệp và đại học nhưng thi tốt nghiệp THPT là nguồn tham khảo cho các trường đại học. Các trường đại học vẫn tự chủ tổ chức tuyển sinh hoặc tổ chức lấy điểm sàn như trước đây nhưng phương thức thi khác đi.

Lo gian lan diem thi, Thuong vu Quoc hoi lui thong qua Du Luat Giao duc sua doi
Bộ Trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng xin lùi Dự thảo Luật GDĐT sửa đổi vì lo chuẩn bị không kịp

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhận định: "Đây là dự luật rất quan trọng, được nhân dân, cử tri quan tâm, cần có thêm thời gian phân tích, đưa ra phương án xử lý để bảo đảm tính khả thi. Nếu trước đây sửa đổi một số điều có thể thông qua 2 kỳ họp, nay với phạm vi sửa đổi lớn, nhiều chính sách và nội dung mới, đề nghị nên thông qua tại 3 kỳ họp".

Cụ thể kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay tiếp tục đưa ra xin ý kiến QH, nhưng vẫn tiếp tục tổ chức các hội nghị, diễn đàn lấy ý kiến nhân dân, cử tri để thông qua vào kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2019.

"Các kỳ thi cứ thay đổi liên tục, học sinh, phụ huynh rất vất vả... Chúng ta cần tiếp tục đánh giá, tham khảo kinh nghiệm các nước, lấy thêm ý kiến để chọn ra một cách thức thực hiện ổn định nhất" - ông Lưu đề nghị.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ ban Thường vụ QH nên giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Sau đó QH thảo luận hoàn thiện tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7 cho chắc chắn.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đồng ý được lùi trình dự luật để chuẩn bị kỹ hơn đến kỳ họp thứ 7 trình QH thông qua, vì thời gian chỉ còn 2, 3 tháng nữa rất khó để hoàn thiện hồ sơ.

Tại cuộc họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị, Uỷ ban Thường vụ QH cho ý kiến để thể chế hóa quan điểm của Đảng về chính sách lương giáo viên trong Dự luật Giáo dục. Từ đó bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, có thang bảng lương riêng tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội.

Ông Bình cho rằng, dự thảo đã bổ sung chính sách miễn học phí đối với người học diện phổ cập cơ sở giáo dục công lập, hỗ trợ học phí đối với người học diện phổ cập  cơ sở giáo dục ngoài công lập, thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Được biết, 2 đề xuất này đã được ban soạn thảo đưa ra từ dự thảo luật lần đầu nhưng sau đó bị rút ra khi trình ra kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vừa qua.

Đan Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI