Lạm dụng thuyết trình, học sinh ngán học

03/12/2018 - 09:28

PNO - Việc dạy học lấy học sinh làm trung tâm đi theo hướng khai thác các năng lực khác nhau của người học nhưng hiện việc triển khai còn hời hợt, bất cập nên chưa tạo hứng thú và phát huy năng lực của từng học sinh.

Giáo viên đánh mất vai trò 

Từng được học lịch sử với những giáo viên (GV) biết truyền cảm hứng nên Nguyễn Ngọc T., học sinh (HS) lớp Mười tại H.Nhà Bè, TP.HCM, rất thích môn này. Tuy nhiên, sau gần một học kỳ học lịch sử bằng thuyết trình, T. bắt đầu “ớn”.

T. bức xúc: “Cô cứ bắt HS thuyết trình, còn cô chỉ ngồi nghe và cho điểm”. Theo đó, mỗi tuần hai tiết lịch sử, tương ứng với hai bài học, thì sẽ có hai tổ thuyết trình. Bốn tổ trong lớp luân phiên nhau. Về lý thuyết, việc thuyết trình thường mất 15 phút, thời gian còn lại dành cho việc trao đổi, rồi GV nhận xét, mở rộng.

Thế nhưng, thời gian thuyết trình thường dài hơn vì các bạn cứ nói chuyện riêng. “Do các bạn không chú ý nên cũng không có gì để trao đổi. Vì thế tiết học thường kết thúc một cách nhàm chán. Cô cho chín điểm mà em cũng không biết tại sao”, T. kể.

Lam dung thuyet trinh, hoc sinh ngan hoc
Học sinh đang thuyết trình (ảnh minh họa)

Quá ngán kiểu thuyết trình như vậy, Huỳnh Thanh T., HS lớp Mười tại Q.12, TP.HCM, cho biết: “Lịch học kín nên nhóm không có thời gian để họp, chỉ tranh thủ giờ giải lao để phân công nhiệm vụ, rồi việc ai nấy làm. Em thức đêm chuẩn bị bài thuyết trình. Các bạn khác cũng đầu tư rất kỹ. Nhưng đến ngày thuyết trình, thầy gọi đúng bạn lười nhất nhóm lên nên mỗi bạn trong nhóm phải chịu điểm ba”.

Với tiết học theo phương pháp thuyết trình đồng nghĩa với việc HS phải chủ động làm việc nhiều hơn trong sự tương tác với nhiều người, nhiều nguồn tư liệu, để tìm kiếm kiến thức. Nếu làm tốt, quá trình đó sẽ mang lại những tác động tích cực, tạo được sự say mê, hứng thú. Nhưng nếu hiểu sai tinh thần, GV dễ dẫn đến việc “nhường” hẳn diễn đàn cho HS và đánh mất vai trò của mình. Còn HS cũng không phát huy được năng lực.

Không khai thác được năng lực từng học sinh

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM, dạy học theo định hướng lấy HS làm trung tâm không phải chỉ có thuyết trình mà còn nhiều hoạt động, nhiều phương pháp - kỹ thuật làm thành một hệ thống đa dạng; như cho các em làm việc theo kiểu dự án, trải nghiệm, khám phá… Phương thức này dựa trên lý thuyết đa năng lực, trí thông minh đa dạng.

Cụ thể, mỗi HS đều có những năng lực khác nhau, có những em có khả năng thuyết trình, có những em giỏi việc thiết kế các sản phẩm, nhiều em giỏi điều hành công việc chung của nhóm... Vì vậy, việc dạy học lấy HS làm trung tâm đi theo hướng khai thác các năng lực khác nhau của HS, kiểm tra - đánh giá cũng dựa trên những sản phẩm đa dạng của các em. 

Công việc đòi hỏi GV “phải tinh tế trong việc phát hiện và đánh giá đúng năng lực của mỗi HS thông qua hoạt động của từng em trong nhóm”, cô Trần Thúy Hằng, GV tiếng Anh bậc THPT, nhận định. Nghĩa là GV phải biết đặt HS vào những vị trí khác nhau trong việc thực hiện bài học để khai thác hiệu quả năng lực của từng em. Tuy nhiên, trên thực tế thì không nhiều GV làm được yêu cầu này. 

Những tiết học thuyết trình chưa mang lại hứng thú cho HS, theo cô Hằng, thường do người thuyết trình không hấp dẫn, nội dung truyền tải không trọng tâm, cách thức thể hiện cũng như kiểm soát bài chưa tốt dẫn đến sự tương tác chưa nhiều. Những điểm yếu đó, ngoài chương trình học tập của các em quá nặng nên không có nhiều thời gian đầu tư, thì phần lớn là do GV giao việc rồi để HS tự làm mà không theo dõi. 

Đòi hỏi kỹ năng sư phạm vững vàng

Nếu giao việc cho HS rồi GV đánh mất vai trò của mình thì không chỉ đi ngược mục tiêu định hướng mà còn tạo nên những tác động tiêu cực. Học sinh dễ rơi vào cảm giác chán nản khi mục tiêu của hoạt động giáo dục chưa đạt tới, nghĩa là học trò chưa tìm được tri thức xác đáng và phát hiện, phát triển những khả năng tương ứng của bản thân sau những giờ học.

Về nguyên nhân, ngoài năng lực sư phạm của GV chưa thật sự vững vàng, còn do hàng loạt yếu tố khác như lớp học đông, phương tiện phục vụ học tập không đầy đủ; cách kiểm tra - đánh giá vẫn theo kiểu cũ; công tác quản lý cũng chưa thật sự phù hợp, chưa tạo điều kiện tối đa cho GV. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng


Thu Lê 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI