Khi người thầy xin lỗi

07/03/2018 - 11:10

PNO - Tôi không ủng hộ chuyện quá hà khắc với trẻ, nhưng nếu trong trường hợp cần thiết phải phạt nghiêm khắc, trong đó hình thức quỳ gối có thể áp dụng. Tất nhiên phải phạt đúng, nếu phạt sai người lớn nhất định phải xin lỗi.

Tiếp tục gặt trái đắng nếu giáo dục không thay đổi

Do áp lực của một số phụ huynh, cô giáo Bùi Thị T.N. đã phải quỳ gối xin lỗi trong khoảng 30-40 phút. Trước đó, cô giáo T.N. đã phạt học sinh quỳ gối khiến học sinh sợ, không muốn đi học. Câu chuyện xảy ra vào sáng 28/2/2018 tại Trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đang gây xôn xao dư luận. Hành vi của những phụ huynh thật đáng trách và là một “quả đắng” với ngành giáo dục. Đáng suy nghĩ là ngành giáo dục gần đây phải hứng những “quả đắng” như thế ngày càng nhiều. Phải làm gì để có “trái ngọt”?

Makarenko, nhà giáo dục học nổi tiếng của Nga với tác phẩm Ngọn cờ trên đỉnh tháp đã nói: “Chủ nghĩa nhân đạo trong giáo dục còn là tính nghiêm khắc, sự không khoan nhượng đối với khuyết điểm lỗi lầm, của những hành vi sai trái. Tính nghiêm khắc này là tính nhân đạo lớn nhất mà ta có thể đưa ra đối với con người".

Theo ông, nghiêm khắc là sự đòi hỏi, là yêu cầu trước sau như một, không nhu nhược, không nuông chiều quá mức và những điều vô lý. Ông khuyên các bậc cha mẹ và các nhà sư phạm cần biết “nhẫn tâm”, nghĩa là phải có bản lĩnh, tự chủ… chứ không phải là hà khắc, đánh mắng hoặc buông lơi, thả lỏng…

Khi nguoi thay xin loi
 

Biểu hiện của logic sư phạm giữa tình thương yêu - tôn trọng - tin tưởng - yêu cầu - nghiêm khắc giữa hoạt động của cá nhân và tập thể là cần thiết cho giáo dục.

Khi tôi còn dạy học ở Trường Xuân Tân có câu chuyện: một học sinh tinh nghịch mang dụng cụ vào trường tháo xe đạp của một bạn gái treo mỗi nơi mỗi cái. Đến giờ tan học cô nữ sinh khóc sướt mướt không biết cách nào về nhà. Thầy giáo chủ nhiệm bắt cậu học trò ấy phải ráp lại chiếc xe cho bạn gái trong tư thế quỳ gối. Quá trưa công việc mới xong, cậu bé có vẻ tức tưởi vì hình phạt ấy.

Cậu bé về mách bố. Ông bố là người quyền thế, nghe con bị phạt ông chạy đến trường gặp thầy giáo và la lớn, thầy giáo bình tĩnh nói: xin bác nghe cháu trình bày, nếu bác thấy cháu sai cháu sẽ quỳ gối và xin lỗi bác cũng như học sinh. Sau khi nghe trình bày vị phụ huynh dịu xuống và nói: tôi xin lỗi thầy và cảm ơn thầy, nếu là tôi trong trường hợp này tôi sẽ còn phạt nặng hơn!

Ông đưa con mình về, không biết ông dạy cách gì mà con ông sau này rất ngoan, thân với thầy giáo đã phạt mình, lớn lên cậu bé còn là người thành đạt.

Năm 18 tuổi tốt nghiệp trung học sư phạm, tôi được điều về Trường tiểu học Xuân Thọ, một ngôi trường nhỏ dưới chân núi Chứa Chan. Tôi ít khi phạt học trò, nhưng có một học trò tỏ thái độ chống đối khi tôi phê bình em vì phạm lỗi, tôi không phạt nhưng đã phê vào học bạ một câu khá nặng: “không vâng lời thầy” và hạ một bậc hạnh kiểm.

Tôi cứ nghĩ mình đã đúng nên quên mất chuyện đó. Dòng đời cuốn trôi tôi rời nghề dạy học. Một hôm trong buổi họp lớp, học sinh cũ mời tôi về, H. bận việc không đến, tôi hỏi thăm em, thầy trò ôn chuyện ngày xưa, nhân đó tôi mới biết ngày xưa tôi đã trách oan cho em, nhưng do tính cách cứng rắn em không giải thích. Biết mình đã sai tôi nhắn tin xin lỗi em và H. trả lời: “Em đã bật khóc khi nhận tin nhắn của thầy sau 30 năm, cuối cùng em cũng được giải oan!”.

Tôi không ủng hộ chuyện quá hà khắc với trẻ, nhưng nếu trong trường hợp cần thiết phải phạt nghiêm khắc, trong đó hình thức quỳ gối có thể áp dụng. Tất nhiên phải phạt đúng, nếu phạt sai người lớn nhất định phải xin lỗi. Vì đôi khi hình phạt sai của người thầy có thể làm tổn thương con trẻ và vết thương đó sẽ theo cả đời người.

Tuy nhiên, hành vi xin lỗi phải tự nguyện từ lương tâm của người thầy, chứ việc phụ huynh dùng quyền lực và sức mạnh bắt người thầy phải quỳ 40 phút như một sự trả đũa cho con mình là hành vi “vô luân”, không thể chấp nhận. Đó là chưa kể họ làm hại cho chính con họ bằng cách gieo vào đầu đứa trẻ “sự trả thù” và khi tính cách này hình thành, đứa trẻ này sẽ phải trả giá đắt khi bước vào đời, vì không phải ai cũng có thể chịu nhục như cô giáo mình ngày xưa! 

Nguyễn Một

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI