"Khai tử" môn lịch sử: Chuyên gia e ngại, Bộ Giáo dục nói gì?

07/11/2015 - 07:28

PNO - Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ tích hợp môn lịch sử vào môn học mới trong khi các chuyên gia khẳng định lịch sử phải là một môn học độc lập.

Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ để môn lịch sử thành môn học tích hợp với các môn giáo dục công dân và an ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với tổ quốc. Đề xuất này nằm trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT và trở thành chủ đề gây tranh cãi trong dư luận. 

Nhiều chuyên gia GD khẳng định, lịch sử phải là một môn học độc lập, không thể tích hợp.

PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học.

Liên quan đến vấn đề này, chiều 7/11, trao đổi với PV báo Phụ nữ TP HCM, đại diện ban soạn thảo Chương trình - Sách giáo khoa mới, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) xác nhận và cho biết, đề xuất của Bộ GD&ĐT có khác với ý kiến của các chuyên gia và giáo viên lịch sử.

Tuy nhiên, theo ông: "Về tầm quan trọng của giáo dục lịch sử và yêu cầu cần bắt buộc HS phổ thông học môn này thì đã được thống nhất. Chúng tôi khẳng định, trong chương trình GDPT mới môn Lịch sử được học bắt buộc từ Tiểu học đến THPT".

Theo đó, ông Thống cho biết thêm, ở Tiểu học và THCS, Lịch sử được học ở môn Tìm hiểu xã hội và môn  Khoa học xã hội; đến THPT, tất cả học sinh bắt buộc phải học môn Công dân với tổ quốc trong đó có môn Lịch sử với thời lượng mỗi tuần 1 tiết, mỗi lớp 35 tiết/ năm.

Ngoài ra ở cấp học này, tất cả những học sinh thi vào các ngành Khoa học tự nhiên và Công nghệ - kỹ thuật sau THPT đều phải bắt buộc phải học Lịch sử trong môn Khoa học xã hội. Còn lại, tất cả những học sinh theo định hướng nghề nghiệp sẽ làm việc trực tiếp hoặc liên quan đến lĩnh vực lịch sử sẽ học môn Lịch sử (với yêu cầu cao hơn).

Về việc vì sao bộ GD-ĐT lại để môn Lịch sử được tích hợp trong môn học Công dân với tổ quốc, ông Thống phân tích:

Thứ nhất, tích hợp và tái cấu trúc các môn học nhằm “tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học…” là yêu cầu của Nghị quyết 88-QH13.

Việc tích hợp các môn học này cũng nhằm thực hiện yêu cầu Nghị quyết 29 của TW lần thứ 8: “Xây dựng và chuẩn hóa nội dung GDPT theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng; chủ trương tích hợp và phân hóa, giảm số môn học BB; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn”.

Theo đó, nhiều nội dung về giáo dục QP-AN nêu trong Luật GD quốc phòng - an ninh như: “Bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, của lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam”.

Đây cũng là nội dung của các môn Lịch sử, Ngữ văn, Địa lý, Thể dục - Thể thao và hoạt động trải nghiệm… trừ một số nội dung mang tính thực hành như kỹ thuật, chiến thuật, kỹ thật phòng thủ dân sự…

Như vậy, nhiều nội dung GDQP-AN cần được và có thể tích hợp với GD lịch sử, GD Công dân (và ngược lại). Để tránh được sự chồng chéo, trùng lặp, đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh có nhiều cơ hội vận dụng tổng hợp các nội dung giáo dục theo tinh thần tích hợp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục.

Thứ hai, đặt các nội dung của 3 phân môn này trong một môn sẽ có tác dụng bổ sung, hỗ trợ và làm sáng tỏ cho nhau khi cùng hướng đến một mục tiêu chung là:

Tập trung trang bị các tri thức quan trọng, cần thiết nhất với học sinh cấp THPT, khi ra trường tròn 18 tuổi, trở thành công dân Việt Nam với những giá trị truyền thống dân tộc, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Đây là các nội dung tiếp nối, nâng cao những tri thức phổ thông nền tảng về Công dân, Lịch sử và QP-AN đã được hoàn thành ở giai đoạn GD cơ bản.

Từ đó, Phó vụ trưởng Đỗ Ngọc Thống khẳng định: "Chúng tôi cho rằng, điều quan trọng là các nội dung giáo dục lịch sử vẫn được coi trọng, còn nó có tách riêng ra hay không thì cần nhìn nhận theo tinh thần và yêu cầu mới, đặt trong tổng thể toàn bộ chương trình.

Nếu nói không có tên là mất hoặc thủ tiêu môn học này, thì các môn Lý, Hóa, Sinh tích hợp trong môn Khoa học tự nhiên và Địa lý trong Khoa học xã hội… cũng bị thủ tiêu ư? Vì trong dự thảo chương trình mới, chúng cũng không còn là môn học có tên riêng nữa.

Các môn học Lý, Hóa, Sinh, Địa lý,… đều quan trọng nhưng cũng chỉ là môn học tự chọn ở cấp THPT. Còn Lịch sử, Quốc phòng-an ninh và Giáo dục công dân do yêu cầu GD tư tưởng, chính trị đã thành môn học bắt buộc cùng với 3 môn công cụ khác là Toán, Tiếng Việt và Ngoại ngữ 1".

Thanh Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI