Hội đồng thẩm định sách lớp 1 có đang áp đặt cái nhìn của người lớn với trẻ em?

14/09/2019 - 14:46

PNO - 'Sách giáo khoa công nghệ giáo dục được thực hiện trong bốn mươi năm, đã có thành tựu rõ ràng. Học sinh không thấy khó, sao họ lại thấy khó?'

Sau bốn thập kỷ áp dụng, bộ sách giáo khoa và - Công nghệ giáo dục lớp 1 (SGK CNGD) do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên đã đạt được những hiệu quả, thành tựu rõ ràng. 

Hiện nay, vẫn đang có 930.000 học sinh trên toàn quốc đang sử dụng SGK CNGD. Thậm chí ở tỉnh Quảng Trị, 100% học sinh lớp 1 học theo chương trình SGK CNGD. Ở những địa phương áp dụng chương trình SGK CNGD, tỷ lệ tái mù chữ hầu như không còn. Thế nhưng mới đây, bộ SGK này đã bị Hội đồng Thẩm định (HĐTĐ) SGK đánh giá “không đạt” với rất nhiều lý do được đưa ra từ… người lớn.

Tiếng nói học sinh - đối tượng trực tiếp tiếp nhận ở đâu?

Khi thông tin trên lan truyền rộng rãi, một lần nữa - cũng như năm 2018, SGK CNGD lại trở thành tâm điểm của dư luận.

Không ít người từng học hoặc đã, đang có con em học theo chương trình SGK CNGD thấy bất ngờ, thậm chí là hụt hẫng. Nhưng “cha đẻ” của SGK CNGD - GS Hồ Ngọc Đại lại đón nhận thông tin rất điềm tĩnh, bởi việc kết quả sách bị HĐTĐ loại ngay từ vòng đầu là điều ông đã tiên đoán.

Hoi dong tham dinh sach lop 1 co dang ap dat cai nhin cua nguoi lon voi tre em?
Sau bốn mươi năm khẳng định chất lượng và thành tựu, bộ SGK CNGD do GS. Hồ Ngọc Đại làm chủ biên vẫn bị HĐTĐ đánh giá "không đạt"

Ông chia sẻ: “Khi hội đồng gọi tôi lên để thông báo kết quả thẩm định, hội đồng hỏi có ý kiến gì không, tôi nói không. Tôi không bất ngờ với kết quả này”.

Trước đó, tháng 7/2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký quyết định thành lập 9 hội đồng quốc gia thẩm định SGK các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hội đồng quốc gia thẩm định SGK bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong mỗi hội đồng, có ít nhất 1/3 số thành viên là giáo viên đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục tương ứng ở cấp tiểu học.

Hoi dong tham dinh sach lop 1 co dang ap dat cai nhin cua nguoi lon voi tre em?
GS Hồ Ngọc Đại không bất ngờ trước kết quả thẩm định

SGK CNGD do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên bị HĐTĐ đánh giá “không đạt” với các lý do: Đối với môn Toán, hội đồng thẩm định cho rằng nội dung bản mẫu SGK chưa thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình, còn nhiều nội dung vượt quá chương trình môn Toán lớp 1 như các nội dung liên quan đến khái niệm tập hợp, phương trình. Việc sử dụng lý thuyết tập hợp để hình thành số, phép toán cho học sinh lớp 1 là vượt quá chương trình. Các số “đứng liền nhau”, “dãy số”, “dãy số tự nhiên”, “trục số” không có trong chương trình.

Với tiếng Việt, HĐTĐ cho rằng  SGK CNGD chủ yếu dạy âm, chữ, quy tắc chính tả, thậm chí là vượt quá chương trình, vượt quá khả năng tiếp nhận của học sinh.

Tuy nhiên, đối tượng quan trọng nhất, khách quan nhất và liên quan trực tiếp nhất là chính các em học sinh - học theo chương trình SGK CNGD lại chưa bao giờ được trực tiếp nói về những gì mà các em đang học.

Học sinh không thấy khó, sao họ lại thấy khó

Thầy giáo Nguyễn Thành Nam - giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ Vật lý ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Cộng hòa Pháp (CNRS), đã bỏ ra bốn năm chỉ để học cách… dạy học sinh tiểu học. Thêm hai năm nữa, thầy Nam dạy khoa học cho học sinh tiểu học.

Qua sáu năm đó, thầy Nam hiểu việc dạy học sinh tiểu học hoàn toàn khác với học sinh ở các lớp trên, nhất là bậc đại học. Bởi học sinh tiểu học là những trang giấy trắng, các em hoàn toàn chưa có trải nghiệm lẫn kiến thức nền, nên không thể dạy học sinh lớp 1 bằng cách giảng giải như khi dạy người lớn, mà phải dạy các em thông qua hệ thống việc làm.

Hoi dong tham dinh sach lop 1 co dang ap dat cai nhin cua nguoi lon voi tre em?
TS Nguyễn Thành Nam đã bỏ ra bốn năm chỉ để học cách… dạy học sinh tiểu học. Năm 2018, giữa "bão" vuông, tròn, tam giác, TS Nam đã làm video để giải thích phương pháp học tiếng Việt này

Nếu như với người lớn, phương án là nghĩ cách giải thích để cho họ hiểu; thì với trẻ em, phải nghĩ ra hệ thống việc làm để thông qua đó giúp các em hiểu được khái niệm mà người thầy muốn truyền thụ.

Nhiều nội dung người lớn thấy khó hiểu, khó giải thích nên nghĩ là sẽ khó với học sinh tiểu học. Nhưng không phải vậy, với học sinh tiểu học thì khó hay dễ lại không nằm ở chỗ giải thích được hay không. Mà nằm ở việc nhà sư phạm có thể thiết kế được hệ thống việc làm hay không, để đưa khái niệm đó vào trong đầu học sinh, khi đó khó cũng thành dễ.

Thầy Nam nhấn mạnh, SGK CNGD, nên hiểu đó là phương pháp sư phạm, người thầy không giảng giải, mà hướng dẫn học sinh tự học thông qua hệ thống việc làm được thiết kế cẩn trọng và khoa học.

Sau khi thực hiện xong công việc thì các em cũng đồng thời chiếm lĩnh được khái niệm và tri thức. Chẳng hạn như việc dạy tiếng Việt, học sinh sẽ được hướng dẫn thực hiện các thao tác phát âm, phân tích âm và ghi lại âm bằng các con chữ, qua đó các em sẽ hiểu được cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt, đồng thời có thể đọc, viết dễ dàng và không bao giờ tái mù chữ.

Thực tế, chương trình SGK CNGD đã được thực hiện trong bốn mươi năm, đã có thành tựu rõ ràng trên hàng triệu học sinh. “Vậy mà nhiều người nói nội dung này nội dung kia là quá khó với học sinh. Học sinh không thấy khó, sao họ lại thấy khó?” - thầy Nam đặt câu hỏi.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI